Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP HCM, toàn TP hiện có khoảng 150 ngôi mộ cổ nằm rải rác ở các quận, huyện: 2, 4, 7, 8, 9, 10, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh, Cần Giờ... Những ngôi mộ quý này đang xuống cấp nặng nề.
Đìu hiu mộ quan, tướng
Tại hẻm 120 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận có một ngôi mộ cổ mang đặc trưng kiến trúc mộ cổ thế kỷ XIX ở Sài Gòn nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung. Đây là nơi yên nghỉ của ông Phan Tấn Huỳnh (Phan Tiến Hoàng) - tự Khiêm, từng được vua Gia Long phong tước Huỳnh Ngọc Hầu.
Ông Phan Tấn Huỳnh sinh năm Nhâm Thân (1752) và mất năm Giáp Thân (1824), quê ở Gia Định, thuộc dòng họ Phan Công Thiên từ Quảng Nam di cư vào Nam. Những năm chúa Nguyễn và Tây Sơn tranh chấp, ông đầu quân dưới trướng Nguyễn Ánh rồi làm quan ở cả 2 triều đại Gia Long và Minh Mạng.
Bên cạnh những tướng tài như Lê Văn Duyệt, Ngô Tùng Châu, Võ Tánh, Trương Tấn Bửu…, theo sử sách ghi lại, Phan Tấn Huỳnh là một vị danh tướng, doanh điền của triều Nguyễn. Ông đã lập được nhiều chiến công, khai hoang, lập ấp, bình định đất mới mở. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã sắc phong ông tước Huỳnh Ngọc Hầu.
Đến năm Gia Long thứ 6 (1807), ông Phan Tấn Huỳnh được tấn phong chức Khâm sai Đô thống chế tiên quân du đồn quân Thần Sách kiêm chức Tả quân Phó tướng, giúp ông Lê Văn Duyệt trấn thủ thành Gia Định. Từ năm Gia Long thứ 8 đến 15, ông vâng chiếu dụ điều quân đến Quảng Ngãi để vỗ về yên dân, lập nhiều công lao rồi trở về Gia Định.
Đầu năm Minh Mạng, khi vâng chiếu vào làm Tổng trấn Gia Định, tướng quân Lê Văn Duyệt liền xin cho ông Phan Tấn Huỳnh nhận chức Phó Tổng binh trấn Phiên An. Sau đó 2 năm, ông được thăng lên Trấn thủ. Thường thì các bản tấu sớ của Lê Tướng quân đều từ tay ông viết.
Trải qua 5 năm làm Trấn thủ, ông Phan Tấn Huỳnh đã vỗ yên dân tình, ra sức khai khẩn giúp đời sống người dân được ổn định, nhiều lần được triều đình ban dụ khen thưởng, khắc phục các chức vụ còn thiếu. Khoảng năm 70 tuổi, ông cáo quan về vườn. Vì sức khỏe suy yếu, nhiều bệnh tật, vào năm Minh Mạng thứ 5, ông tự tìm đến cái chết để giải thoát. Mộ ông lâu nay nằm tại hẻm 120 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận.
Ở khu mộ cổ Gò Quéo (quận 2), 2 ngôi mộ khá độc đáo của 2 quan lại xưa cũng đang xuống cấp nặng nhưng vẫn chưa được xếp hạng. Theo nhà nghiên cứu Lê Trung và Phạm Hữu Công, chủ nhân 1 trong 2 ngôi mộ này là Phạm Duy Trinh - người tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Ông đỗ cử nhân Trường Gia Định khoa thi năm 1825; nguyên là Hộ phủ huyện Phước An, làm Tuần phủ Bắc Ninh, Hộ lý Ấn quan phòng Tổng đốc Ninh Thái năm 1847.
Mộ ông Phạm Duy Trinh dài 8,7 m, rộng 6,9 m, cao 2,4 m, bị nước mưa xâm thực mạnh làm lộ móng tường thành sâu khoảng 1,2 m; quách bị đào phá để trộm của, bia mộ bị bứng dỡ, các trụ và tường thành, bình phong tiền đều nứt vỡ. Bề mặt toàn bộ kiến trúc bị bong tróc nặng nên không thể nhận diện đề tài trang trí cũng như chữ trên các trụ, tường thành và bình phong. Chữ trên bia còn nguyên vẹn, được bố cục 4 hàng - gồm 1 hàng ngang nằm trên cùng và 3 hàng dọc phía dưới.
Ngôi mộ thứ hai là của Phạm Quang Triệt. Theo “Đại Nam chính biên liệt truyện” và “Đại Nam thực lục”, ông là em họ Phạm Như Đăng, quê gốc Quảng Nam, sau đến ở Gia Định. Phạm Quang Triệt là người cương quyết, ngay thẳng, học cao. Thời Trung hưng sơ (1794), ông sung vào Viện Cống sĩ, chuyển sang Thị học Viện Hàn lâm; năm Gia Long thứ 14 (1815) thăng Tả Tham tri Bộ Lại. Năm Gia Long thứ 15, ông sách lập hoàng thái tử (vua Minh Mạng sau này), được phong làm quan phụng chiếu. Ông mất năm Gia Long thứ 17.
Tại TP HCM còn nhiều ngôi mộ của những người nổi tiếng khác, như: Trương Vĩnh Ký (quận 5), Trương Minh Giảng (quận Gò Vấp); mộ của người Việt cổ có kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử, sự kiện… Trước sự tàn phá của thời gian, đến nay, những mộ cổ này đã xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn chưa thể xếp hạng.
Mộ song táng độc đáo
Trong khuôn viên Trường Mầm non Vành Khuyên (quận 2) có ngôi mộ song táng với lối kiến trúc đẹp, xây cất cách đây gần 200 năm. Theo bà Nguyễn Thị Đăng Kha, chuyên viên Trung tâm Bảo tồn di tích Sở VH-TT TPHCM, chủ nhân ngôi mộ này liên quan tới nhân vật họ Trần (từng làm quan trong Hàn Lâm viện dưới triều Nguyễn) và vợ cả, được xây dựng vào năm Quý Mùi (1823) bằng chất liệu đặc biệt.
Kiến trúc mộ song táng này khép kín, còn nguyên bình phong tiền - hậu, tường bao và các trụ sen xung quanh. Phần mộ được kiến tạo vòng tường bao hình Omega vuông cạnh với 2 chân thẳng hướng tả - hữu, góc bên trong là 2 trụ búp sen tạo cổng vào cao, 2 bên ngạnh tường bao phát triển về 2 mạn tả - hữu của trụ búp sen, đắp nổi hình tượng như con trâu đang ngủ, còn nhà bia và nấm mộ gắn liền nhau theo kiểu mã hiệp (bờm ngựa)… rất độc đáo.
Quần thể khu mộ đá cổ dòng họ Hồng ở khu phố 2, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 cũng có 2 ngôi mộ song táng, được xây dựng bằng đá, có niên đại nửa đầu thế kỷ XIX cho tới đầu thế kỷ XX. Bia mộ ở đây lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm (với gần 100 chữ Hán), được bảo quản tương đối tốt để bảo tồn. Sàn thờ hình 2 cánh cung lồng vào nhau, phần sân thờ tựa hình người phủ phục 2 cánh nên dân trong vùng gọi là mộ càng cua. Hai đỉnh ngoài của cánh cung lớn bắt đầu bằng 2 trụ búp sen, 2 bên cánh cung tả - hữu ghép bằng 2 phiến đá.
Phần sân thờ, nấm mộ cũng được bao ghép bằng đá để bảo vệ mộ khỏi sạt lở. Toàn mộ bề mặt nấm mộ phủ đều lớp đất cát phù sa và nhiều mảnh hạt đá tổ ong đập nhỏ. Tấm bình phong chính được ghép bởi 4 phiến đá, ở giữa chạm khắc hình tùng, nai. Hai nấm mộ nằm song song chung vách giữa, trán bia mộ bên tả khắc hình con bướm, còn trán bia bên kia khắc hình con dơi.
Vướng đủ thứ
Ông Lương Chánh Tòng, một chuyên gia về mộ cổ TP HCM, lo ngại: “Phải nhanh chóng xác minh, tìm hiểu để đưa những ngôi mộ cổ quý, có kiến trúc độc đáo và giá trị lịch sử vào danh mục di tích được xếp hạng để bảo tồn. Đây là việc làm rất cần thiết”.
Tuy nhiên, theo quy định, mỗi hồ sơ muốn được công nhận xếp hạng di tích phải bắt buộc hội đủ những điều kiện: lý lịch khoa học, tập ảnh khảo tả, bản vẽ khoanh vùng… để trình ra hội đồng. Chưa kể, di tích phải phát huy được giá trị thì mới xếp hạng. Ở khu mộ cổ Gò Quéo, do đang vướng phải bản vẽ khoanh vùng khu di tích nên đến nay, mọi việc cứ giẫm chân tại chỗ. Trong khi đó, nhân sự cho công tác này ở Sở VH-TT TP HCM chỉ có một cán bộ chuyên trách về mộ cổ.
Về việc nhiều mộ cổ quý ở TP HCM đến nay vẫn chưa được xếp hạng di tích, chuyên viên Nguyễn Thị Đăng Kha giải thích: “Khu lăng mộ nào đã lập được ban quản lý thì việc tiến hành các thủ tục nhanh hơn vì dễ tìm được tiếng nói chung. Trong khi đó, đa phần những ngôi mộ cổ còn lại do vô chủ hoặc có thể giá trị khảo cổ lớn nhưng đang bị con người xâm lấn nhếch nhác nên không thuyết phục được đoàn khảo sát… Đây là những yếu tố gây trở ngại”.
Theo ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích, hiện một số mộ cổ do có tranh chấp trong gia tộc, cố tình không hợp tác hoặc diện tích khuôn viên quá nhỏ nên chưa thể xếp hạng được. Trung tâm vẫn đang cố hết sức chạy đua với thời gian để sớm trình hội đồng xét duyệt công nhận di tích.
“Chúng tôi cũng đang chờ được TP cấp đất xây dựng một công viên văn hóa mộ táng thân thiện, hiện đại để sớm có điều kiện di dời, trùng tu và bảo tồn loại hình di sản văn hóa - kiến trúc mộ cổ hết sức độc đáo của người xưa” - ông Quân trăn trở.
Bình luận (0)