Tại hội nghị triển khai công tác pháp chế các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ năm 2014 tổ chức ngày 18-1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn phê bình lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành vắng mặt, không tham dự cuộc họp.
Đút chân gầm bàn, ngồi phòng máy lạnh
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành phải quan tâm nhiều hơn tới chế độ, chính sách đãi ngộ cho cán bộ làm công tác pháp chế. Hiện nay, những cán bộ giỏi đều không muốn làm công tác pháp chế. Trong khi đó, những người giỏi và có kinh nghiệm đang làm trong lĩnh vực này lại liên tục xin chuyển công tác khác vì chế độ đãi ngộ thấp. Người làm pháp chế ở các bộ, ngành ít được đề bạt lãnh đạo hoặc được đánh giá cao. “Lãnh đạo nhiều vụ, cục trong các bộ, ngành ký duyệt, ban hành văn bản “vượt mặt” và không cần thông qua vụ pháp chế thẩm định đã dẫn tới việc ban hành văn bản trái luật và có dấu hiệu tiêu cực” - Phó Thủ tướng nhận định và yêu cầu ngành tư pháp phải xây dựng quy định bắt buộc tất cả các văn bản từ các bộ, ngành ban hành phải thông qua pháp chế thẩm định. Ngoài ra, nhiều văn bản ban hành chậm đi vào cuộc sống hoặc ngay từ khi ra đời đã gặp phản ứng của dư luận.
Ông Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, kể cách đây chưa lâu, một vụ phó Vụ Pháp chế của Ngân hàng Nhà nước ký văn bản hướng dẫn cho một đơn vị về thực hiện thừa phát lại ở TP HCM không đúng đã khiến Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan mất rất nhiều tháng để tham gia giải quyết, xử lý.
Theo ông Chu Hồng Thanh, Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, rất nhiều văn bản được các bộ, ngành ban hành trái luật gây thiệt hại không nhỏ cho người dân và doanh nghiệp nhưng chưa có chế tài thích đáng đối với những người xây dựng văn bản kiểu “đút chân gầm bàn, ngồi phòng máy lạnh”. Chế tài hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc cắt thi đua, khen thưởng chứ chưa xử phạt vi phạm hành chính.
Thu gọn đầu mối điều tra
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an, cho biết lực lượng pháp chế công an đang tham mưu giúp Đảng ủy Công an trung ương xây dựng, trình Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương nhiều dự án, đề án quan trọng liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển các cơ quan tư pháp, cơ quan hỗ trợ tư pháp; tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối…
Ủng hộ những việc làm của cơ quan pháp chế Bộ Công an, Phó Thủ tướng cho rằng những việc đó có ảnh hưởng rất lớn và liên quan trực tiếp, sát sườn tới quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nên phải làm kỹ lưỡng, tỉ mỉ, công phu.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết vừa có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị chỉ đạo Bộ Công an và Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội, nhất là việc phong, thăng quân hàm cấp tướng để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa 2 luật, kịp trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua vào kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Thắng vụ kiện gần 4 tỉ USD
Đại diện Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp cho biết từ năm 2010-2013, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giải quyết 17 vụ tranh chấp quốc tế có liên quan đến nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, có vụ tranh chấp đầu tư quốc tế phải giải quyết tại Hội đồng trọng tài quốc tế, liên quan tới doanh nghiệp kiện nhau nhưng phía nước ngoài đề nghị có sự can thiệp của Chính phủ Việt Nam hoặc có vụ Việt Nam kiện nước ngoài (vụ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện các công ty hóa chất Mỹ). Trong đó, có vụ việc đã giải quyết qua thương lượng hòa giải.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương liên quan đã tham gia tố tụng trong vụ nhà đầu tư South Fork (Mỹ) kiện tỉnh Bình Thuận đòi bồi thường số tiền gần 4 tỉ USD. Cuối năm 2013, Hội đồng trọng tài quốc tế bác bỏ tất cả các lập luận và yêu cầu đòi bồi thường của nhà đầu tư Mỹ, buộc nhà đầu tư phải bồi thường cho Chính phủ Việt Nam toàn bộ chi phí vụ kiện. Đây là vụ kiện đầu tư quốc tế đầu tiên mà Việt Nam giành chiến thắng thông qua đàm phán của Hội đồng trọng tài quốc tế, góp phần xây dựng hình ảnh và môi trường đầu tư tích cực ở Việt Nam.
Còn tình trạng áp dụng chưa đúng pháp luật
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, qua giải quyết 37/82 vụ việc trong năm 2013, số tiền nhà nước phải bồi thường gần 38,5 tỉ đồng (tăng gấp 5 lần số tiền bồi thường trung bình 3 năm trước đây). Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cơ quan áp dụng chưa đúng, chưa thống nhất quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước, gây khó khăn cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường và gây bức xúc cho người bị hại.
Năm 2013, cả nước giải quyết trên 40.000 vụ khiếu nại, tố cáo, trong đó có gần 40% khiếu nại và trên 50% tố cáo được cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho rằng khiếu nại, tố cáo đúng hoặc đúng một phần. Tuy nhiên, hoạt động bồi thường chưa phản ánh đúng thực chất tình hình thực tiễn.
Bình luận (0)