xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học sinh miền Nam - Một thời để nhớ!

Huy Đặng

Không một đứa trẻ nào nghĩ tới việc phải đối diện với cuộc sống xa nhà, thậm chí hàng chục năm sau mới có dịp quay về. Có người phải chờ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng

Trong căn nhà nhỏ ở TP HCM, cựu nhà báo Trần Thanh Phương, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, đang cùng vợ bận rộn cho việc chuẩn bị về Hà Nội dự kỷ niệm 60 năm (1954-2014) học sinh miền Nam (HSMN). Thấy tôi đến hỏi về chuyến đi này, ông hồ hởi: “Mình đã 75 tuổi rồi, ráng đi để còn gặp anh em chứ”.

Được đi xa là khoái

Kể về cơ duyên đến với miền Bắc ngày ấy, ông Phương bảo lúc ấy cả gia đình ông sinh sống tại một vùng sâu của đất Mũi Cà Mau. Nhà chỉ có 2 anh em, ông là con lớn nhưng 15 tuổi vẫn chưa được đến trường. Cha của ông là cán bộ liên lạc của Tỉnh ủy Bạc Liêu nên quanh năm vắng nhà. Khi Đảng có chủ trương đưa một số con em cán bộ, chiến sĩ từ miền Nam tập kết ra Bắc, cha mẹ ông đã định cho cả 2 đứa con trai cùng đi nhưng vậy thì nhớ quá nên cuối cùng chỉ cho ông đi.

Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đón tiếp con em miền Nam(Ảnh tư liệu Ban Liên lạc học sinh miền Nam tại TP HCM)
Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đón tiếp con em miền Nam (Ảnh tư liệu Ban Liên lạc học sinh miền Nam tại TP HCM)

Một trong những chiếc tàu đã đón học sinh từ mũi Cà Mau tập kết ra Bắc

Một trong những chiếc tàu đã đón học sinh từ mũi Cà Mau tập kết ra Bắc

“Chúng tôi được tập trung khoảng một tháng để học tập về sinh hoạt cá nhân, sinh hoạt tập thể trước khi lên đường. Đám trẻ chúng tôi cứ nghe nói được đi xa là khoái chứ có biết miền Bắc là gì đâu” - ông Phương nhớ lại cảm xúc lúc ấy và cho biết khoảng 3.000 người vừa cán bộ, chiến sĩ và những đứa trẻ cùng lứa như ông đã được đón lên một chiếc tàu đậu ở cửa sông Ông Đốc. Không một đứa trẻ nào nghĩ tới việc rồi đây sẽ phải đối diện với cuộc sống xa nhà, thậm chí hàng chục năm sau mới có dịp quay lại quê. Ông Phương cũng chỉ có dịp về thăm mẹ sau 21 năm, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và người cha thì đã hy sinh rất lâu.

Trước ngày đi, ông nhớ có một cụ già ở Cà Mau tìm đến địa điểm tập trung gọi 3 thanh niên cứu quốc tới vườn cây của gia đình mình và hỏi: “Này các con, tía và má muốn gửi một cây vú sữa nhỏ ra kính tặng Bác Hồ và nhân dân miền Bắc, các con coi được không?”. Nói thế nhưng cụ già lại tỏ ra băn khoăn vì không biết cây vú sữa của đất phương Nam có hợp để sống trên đất miền Bắc không.

Nghe thế, một thanh niên cứu quốc nhanh trí động viên: “Thưa tía, con tính ăn thua là do công người chăm sóc”. Cụ già sướng quá: “Vậy tụi bây bứng đi. Ra ngoải, các con thưa với cụ Hồ, với cô bác miền Bắc rằng bà con trong này luôn hướng về cụ Hồ, hướng về miền Bắc”. Và thế là trên chuyến tàu lênh đênh vượt qua giông bão ấy có cả cây vú sữa này và một cây đước của nhân dân đất mũi Cà Mau. Nước ngọt trên tàu rất ít, phải tằn tiện từng chút nhưng mọi người vẫn tưới nước cho cây đầy đủ.

Là trường nhưng chỉ có tên

Cũng tập kết ra miền Bắc theo diện HSMN nhưng ông Võ Văn Đường, nguyên Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Công ty Cấp nước TP HCM, lại ra đi trong một hoàn cảnh khác. Gia đình ông sinh sống tại xã Bình Trị Đông, huyện Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn (nay là

TP HCM). Cha ông hoạt động cách mạng từ những năm 1930 và bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Ông bà nội và mẹ luôn khuyên ông sau này lớn lên theo cha làm những việc có ích cho đời.

13 tuổi, ông Đường đã đi làm liên lạc cho Ban Công tác 6 thuộc Quyết tử quân Sài Gòn - Chợ Lớn (sau này là Đại biệt đội biệt động 2763 thuộc Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn). Khi các đội biệt động giải tán vào những năm 1950-1952, ông về làm liên lạc cho Văn phòng Bộ Tư lệnh Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn ở Vàm Cỏ Tây và được ông Mười Cúc (cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) viết thư gửi lãnh đạo Trung ương cục giới thiệu vào làm công nhân Nhà máy In Trần Phú ở U Minh. Rồi từ đó, ông lên đường tập kết và cùng học với những học sinh như ông Phương.

“Tàu đi liên tục suốt 8 ngày đêm mới đến Sầm Sơn (Thanh Hóa). Đấy là những ngày giá rét của mùa đông năm 1954. Lũ trẻ chúng tôi ở miền Nam chưa bao giờ cảm nhận được cái giá lạnh ghê gớm như thế. Rồi bắt đầu thấm thía với việc xa nhà, lắm đứa đã khóc” - ông Phương kể và nhớ lúc ấy, mỗi người được cấp 2 bộ quần áo, chăn bông rồi bồi dưỡng một tuần lễ tại Sầm Sơn, sau đó mới được đưa về trường số 7 ở xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

“Gọi là trường nhưng chỉ có tên chứ chúng tôi được nhân dân Thanh Hóa đón về ở. Nhà rộng thì dăm bảy đứa, chật thì 2-3 đứa. Học thì vào trong các đình, chùa, miếu” - ông Phương kể và không ngăn nổi xúc động khi nói về tình cảm của dân Thanh Hóa lúc đó.

Học một năm, trường phải chuyển ra tỉnh Hà Đông, vẫn chỉ học trong các đình, chùa. Lớp của ông Phương học trong một ngôi chùa cổ. Chừng hơn một năm sau nữa, trường lại chuyển về huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương, gọi là Trường Bổ túc văn hóa Cần - Công - Kiệm. Đến đây thì có trường lớp khang trang và cả khu nội trú cho học sinh lẫn giáo viên, cán bộ. 

Đi vào lịch sử nước nhà

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn tạm thời nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước. Với tầm nhìn chiến lược về cách mạng miền Nam, Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ đã tổ chức 30 trường HSMN trên đất Bắc để đào tạo con em miền Nam trở thành những cán bộ vừa hồng vừa chuyên, phục vụ cách mạng miền Nam, xây dựng và bảo vệ đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. 30.000 học sinh là con em liệt sĩ, cán bộ cách mạng hy sinh hoặc đang hoạt động, chiến đấu ở miền Nam đã được ra Bắc tham gia các lớp học này. Tuy chỉ tồn tại 20 năm (1954-1975) nhưng trường HSMN đã đi vào lịch sử nước nhà.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo