xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học trong... sợ hãi

HỒNG ÁNH - CAO NGUYÊN

Ở chòi, bữa cơm chỉ có muối và thường xuyên đối mặt với nỗi lo sợ. Hàng ngàn học sinh tại nhiều vùng rừng núi nghèo khó đang học hành trong tình cảnh như thế để mong tương lai tươi sáng hơn

Những năm 1990, khoảng 100 hộ đồng bào dân tộc Mông, Mường, Mán từ các tỉnh phía Bắc di cư vào sống rải rác dưới chân núi Yang Hanh, tỉnh Đắk Lắk. Cách trung tâm xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk khoảng 20 km đường rừng cộng với cái nghèo, việc học hành của người dân ở đây trở nên xa xôi diệu vợi. Dù vậy, được sự vận động của ngành giáo dục địa phương, những năm qua, nhiều em đã vượt núi rừng, chấp nhận cuộc sống xa nhà để nuôi con chữ.

Vất vả quanh năm

Trên mảnh đất hơn 1.000 m2 của bà Trần Thị Bằng ở trung tâm xã Cư Đrăm có 6 căn chòi với hơn 20 học sinh của 2 trường THCS Cư Đrăm và THPT Trần Hưng Đạo trọ học. Trong lều chẳng có vật dụng gì đáng giá, chỉ một chiếc giường chung cho tất cả, vài chiếc soong nồi móp méo và 1 chiếc bàn gỗ dài. Mùa khô, ánh nắng chói chang lọt qua khe hở của mái lá, nóng hừng hực. Các em cho biết mùa mưa còn cực hơn khi nền đất lúc nào cũng lầy lội; đêm thì mưa tạt, gió lạnh thấu xương.

Trên mảnh đất của bà Trần Thị Bằng ở trung tâm xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, có 6 căn chòi tạm là nơi ăn chốn ở của hơn 20 học sinh               Ảnh: CAO NGUYÊN
Trên mảnh đất của bà Trần Thị Bằng ở trung tâm xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, có 6 căn chòi tạm là nơi ăn chốn ở của hơn 20 học sinh Ảnh: CAO NGUYÊN

Sùng Thị Tráng (học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Hưng Đạo) cho biết gia đình của em và các bạn thuộc diện hộ nghèo, suốt ngày phải làm rẫy kiếm sống. Thỉnh thoảng, gia đình mới mang ít tiền hoặc cá khô, mì tôm ra cho các em; còn gạo thì được nhà nước hỗ trợ 15 kg/tháng nên cũng đủ ăn. Hằng ngày, sau giờ học, các em phải đi hái rau, mò cua, bắt ốc để cải thiện bữa ăn.

Ở cùng lán với Tráng là em Sùng Thị Sinh (học sinh lớp 6 Trường THCS Cư Đrăm). Sinh cho biết hồi mới ra trọ học, em rất sợ vì xa nhà, chỉ có mấy chị em gái ở với nhau nên tính bỏ về làm rẫy. Tuy nhiên, khi được bố mẹ và nhà trường can ngăn, giải thích, giờ em đã quen dần sau gần 1 năm ở trọ . “Trong thôn có rất nhiều bạn tuổi như em nhưng phải bỏ học hoặc không biết chữ. Em ước mơ sau này sẽ trở thành cô giáo” - Sinh bộc bạch.

Dễ sa ngã

Rất nhiều em ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới tại Phú Yên cũng phải xa nhà, chen chúc trong các khu nhà trọ tạm bợ để theo đuổi chuyện học hành. Theo Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, chỉ tính riêng bậc THPT, hiện tỉnh có trên 1.000 học sinh đang phải ở trọ.

Học sinh phải đi học xa nhất tại Phú Yên là các em ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân. Để đến được Trường THPT Lê Lợi (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân), học sinh ở đây phải vượt khoảng 50 km đường đèo, sông suối.

Các nữ sinh Trường THPT Lê Lợi (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) ôn bài trước giờ đi họcẢnh HỒNG ÁNH
Các nữ sinh Trường THPT Lê Lợi (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) ôn bài trước giờ đi họcẢnh HỒNG ÁNH

Căn phòng ọp ẹp trong một khu nhà trọ thuộc khu phố Long Thăng, thị trấn La Hai là nơi ở của 3 học sinh Phú Mỡ, gồm: La O Thức, Kpá Hà (cùng học lớp 12) và Kpá Tiến (lớp 10). Hôm chúng tôi đến, cả 3 đang chuẩn bị cơm trưa và thức ăn chỉ có muối ớt. “Mọi hôm tụi em ăn cơm với mắm nhưng mấy bữa nay, ba má chưa gửi tiền nên chỉ ăn với muối thôi” - Thức phân bua.

“Trọ học đói khổ vậy nên dễ sa ngã lắm” - Kpá Hà chen vào. Theo cậu học trò người Ba Na này, đã có nhiều học sinh xã Phú Mỡ khi đi trọ học bị bạn xấu rủ rê đến mức bỏ trường lớp. “Ban đầu, họ chỉ rủ mình nhậu thôi, sau đó rủ chơi game, bi-a. Nhiều bạn ham chơi, bỏ học, dần dần chán học phải bỏ về quê” - Hà cho biết.

Một phòng trọ lụp xụp khác thuộc khu phố Long Thăng, thị trấn La Hai là nơi ở của 4 học sinh nữ quê xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân: Phan Thị Thanh An, Hoàng Thị Ngọc Liên, Lê Thị Tuyết Sương (đều học lớp 12) và Huỳnh Thị Lan (học lớp 11). Cả phòng chỉ có 1 chiếc giường rộng 1,4 m trải chiếc chiếu đã rách bươm nhưng lại là chỗ ngủ của 4 nữ sinh.

“Con gái mới lớn mà sống xa gia đình thì vất vả và nguy hiểm lắm. Có hôm nửa đêm, An đau bụng quằn quại, chẳng biết gọi ai nên 4 đứa ôm nhau khóc, cuối cùng cũng phải đánh liều cõng bạn lên bệnh viện” - Liên kể. Tuyết Sương nhớ lại: “Bạn em ở phòng trọ khác còn lo lắng hơn khi thường xuyên bị đám con trai đến quậy phá. Nhiều lúc nó co mình trên giường ngồi khóc”.

Chỉ riêng 3 trường THPT Lê Lợi, Phan Bội Châu và Nguyễn Du ở 3 huyện miền núi là Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh đã có khoảng 500 học sinh phải trọ học vì nhà xa. “Khi mới đến, đứa nào cũng khóc sưng cả mắt. Hồi ở nhà, tối mở cửa toang hoác cũng chẳng sao nhưng ở đây, cứ vào phòng là phải đóng cửa. Muốn học phải chịu vậy chứ ở trọ khổ lắm” - H’ Mơn, học sinh lớp 11B9 Trường THPT Nguyễn Du (huyện Sông Hinh), tâm sự. 

“Mong tụi nó cưu mang nhau...”

Một ngày giữa tháng 3, chúng tôi đến thăm nhà của nữ sinh Phan Thị Thanh Anh ở xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân. Ông Phan Văn Bình, cha An, giật bắn người khi nghe có người hỏi thăm con gái. Đến khi biết chúng tôi chỉ đến thăm, ông thở phào. Nhà ông Bình thuộc diện hộ nghèo, An ham học nên ông nuốt nước mắt nhìn con mang ba lô lép xẹp đi ở trọ. “Làm quần quật suốt ngày, hơn nữa xa quá, dẫu có nhớ cũng đâu dễ đến thăm con. Chỉ mong bạn bè nó cưu mang, đùm bọc lẫn nhau. Có lần An điện thoại về kể nửa đêm bị đau bụng, ói mửa, bạn bè phải dìu nhau ra bệnh viện mà tui muốn khóc” - ông Bình tâm sự.

Kỳ tới: Trường nội trú, chờ đến bao giờ?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo