Thông tin này nhận được sự quan tâm của dư luận bởi Tường là đối tượng đầu tiên phải đứng trước vành móng ngựa trong số 259 bị can của 117 vụ án mà Công an tỉnh Bình Dương khởi tố do lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc để gây rối, đập phá, trộm cắp tài sản các doanh nghiệp, chống người thi hành công vụ.
Tường thấy nhiều người tuần hành nên đi theo coi. Khi chứng kiến nhiều người đập phá tài sản của một doanh nghiệp, Tường nhân cơ hội vào lấy 1 màn hình máy tính, 1 cục thu phát sóng WiFi, 1 máy scan, 2 chuột máy tính và bàn phím rồi bị bắt khi mang số tài sản này đi được khoảng 1 km. Tổng giá trị tài sản mà Tường lấy được xác định chỉ hơn 5 triệu đồng. Nhiều nhà báo cho biết đã có dịp tiếp xúc với Tường trước khi vụ án đưa ra xét xử và đều ghi nhận thái độ hối hận của công nhân này nhưng đã muộn.
Tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nơi có trên 100 đối tượng cũng bị bắt giữ do liên quan đến vụ việc nói trên, nhiều người chứng kiến những giọt nước mắt hối hận của Lê Văn Hiếu và Bùi Văn Nguyên... trong trại tạm giam. Hiếu cầm đầu nhóm 6 người đi trên xe 3 bánh, trang bị băng rôn, dùng thùng nhựa tạo âm thanh kéo theo hàng trăm người đi xe máy gây huyên náo và kết cuộc là những hành vi quá khích. Nguyên thì ban đầu chỉ đứng cổ vũ cho nhóm người quá khích. Sau đó, thấy nhiều người khiêng tài sản của doanh nghiệp ra ngoài thì anh ta ngăn cản, gom để đốt và lửa đã lan ra thiêu rụi hết cơ ngơi của một doanh nghiệp. “Thấy mọi người kêu gọi chống Trung Quốc, em cũng tham gia, không ngờ có những hành động quá khích đến vậy. Giờ em cảm thấy lo sợ và có lỗi khi khiến nhiều công nhân mất việc, rơi vào cảnh khó khăn” - Nguyên nói và hẳn là nói thật.
Không như những kẻ côn đồ, Tường và Hiếu, Nguyên cùng nhiều người nữa trước đó là những công nhân xa quê đến Bình Dương kiếm công ăn việc làm và đã có một quá khứ vất vả, đáng chia sẻ nếu không vì bột phát trong phút chốc dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi vi phạm pháp luật tất nhiên sẽ phải được xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, việc không phải 1, 2 người mà nhiều công nhân lương thiện bỗng chốc trở thành tội phạm lại là vấn đề cần phải suy nghĩ. Phải chăng có một phần nguyên nhân từ lỗ hổng về nhận thức pháp luật trong đội ngũ công nhân lao động hiện nay ở hầu hết các KCN-KCX tại nước ta?
Trong những cuộc tiếp xúc với các địa phương và cử tri gần đây, nhiều vị lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ… đã lưu ý lãnh đạo các địa phương, các đoàn thể phải sâu sát hơn nữa đời sống, tâm tư của công nhân lao động, đồng thời đẩy mạnh việc giáo dục và tuyên truyền pháp luật. Tiên phong cho những việc này, trước hết chính là lực lượng đoàn viên, thanh niên và thành viên của các tổ chức chính trị xã hội...
Bình luận (0)