Không chỉ làm cuộc sống hàng chục vạn hộ dân hạ lưu sông Ba thuộc 2 tỉnh Gia Lai, Phú Yên bị đảo lộn, từ nhiều năm qua, việc lấy nước sông Ba trả về sông Côn của Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak còn khiến nhiều người dân Bình Định điêu đứng.
Thủy điện “nuốt” đất
Năm năm trước, dọc 2 bên bờ suối Cát (đoạn chảy qua thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang và thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) là những ruộng bắp, đậu xum xuê thì nay bị bỏ hoang, khô cằn. Hai bờ suối bị xâm thực, khoét sâu, tạo thành những bức tường dựng đứng, cao 4-5 m.
Theo người dân địa phương, trước đây, lòng suối Cát chỉ khoảng 15-20 m. Thế nhưng, từ năm 2011, khi Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak bắt đầu xả nước, suối Cát cứ thế “ngoạm” dần vào đất hoa màu, nhiều đoạn bị phá rộng đến 100 m. “Gia đình tôi có 4 sào đất nằm dọc suối nhưng phần lớn đã bị sạt lở, diện tích ít ỏi còn lại không trồng được gì vì bị cát bồi lấp” - ông Nguyễn Văn Hưng (ngụ thôn Thượng Giang 1) than thở.
Tình trạng xâm thực ở suối Cát đã khiến hàng chục hecta đất trồng hoa màu của người dân 2 xã Tây Giang và Tây Thuận của huyện Tây Sơn bị mất trắng. Ông Ngô Tốt, Chủ tịch UBND xã Tây Giang, xác nhận chính việc Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak xả nước với lưu lượng lớn vào suối Cát nhưng không làm kè chắn đã gây sạt lở nghiêm trọng, làm người dân mất đất sản xuất.
Trước phản ứng của người dân, năm 2014, Công ty Thủy điện An Khê - Kanak mới phối hợp với chính quyền địa phương kiểm kê, bồi thường thiệt hại và xây bờ kè tại suối Cát. Tuy nhiên, do chỉ làm kè ở một số đoạn nên tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn.
Hồ chứa còn đầy vẫn từ chối cứu lúa
Từ nhiều năm qua, cứ vào mùa mưa, Thủy điện An Khê - Kanak xả nước gây ngập úng hoa màu nhưng vào mùa khô, nhà máy lại tích nước, gây khó cho người dân. Mùa khô năm nay, trong lúc người dân khổ sở vì nước cạn kiệt thì nhà máy cắt nước khiến suối Cát trơ đáy. Hậu quả, gần 150 ha lúa vụ đông xuân của hàng trăm hộ dân huyện Tây Sơn đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông có nguy cơ mất trắng.
Theo ông Hồ Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Thuận, trước khi có Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak, suối Cát chưa khi nào thiếu nước, ngay cả mùa hè nắng nóng nhất cũng có nước nhờ tích dưới lớp cát ở đáy suối. Thế nhưng hiện nay, do bị nhà máy xả nước gây sạt lở và trôi luôn cả lớp cát nên lòng suối không thể tích nước được.
Trước tình hình trên, UBND huyện Tây Sơn đã có công văn yêu cầu Công ty Thủy điện An Khê - Kanak phải khẩn cấp xả nước cứu lúa. Điều lạ là lấy lý do không còn nước nên công ty này từ chối. Đã vậy, công ty còn đề nghị chính quyền địa phương… tìm phương án khác khắc phục!
Qua kiểm tra thực tế, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định phát hiện hồ chứa Kanak của Thủy điện An Khê - Kanak vẫn còn nhiều nước nên lập tức có văn bản kiến nghị khẩn cấp đến các cơ quan trung ương để buộc thủy điện này xả nước. Sau khi có ý kiến của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, từ tháng 3 vừa qua, Công ty Thủy điện An Khê - Kanak mới chịu xả nước.
Đến lúc ấy, ông Đỗ Đức Hoài, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện An Khê - Kanak, thừa nhận nguồn nước của hồ thủy điện... vẫn còn nhiều. “Hiện hồ thủy điện chúng tôi còn khoảng 100 triệu m3 nước. Còn đến 4 m nữa mới đến mực nước chết” - ông Hoài nêu rõ.
Có thể thấy rõ trách nhiệm cộng đồng của Nhà máy Thủy điện An khê - Kannak tệ đến mức nào qua những gì mà công trình “sai lầm thế kỷ” đã và đang gây ra cho người dân hạ lưu. Ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cương quyết: “Chúng tôi sẽ làm mọi cách để bảo vệ lợi ích cho người dân địa phương”.
Từng bị lũ “chôn sống”
Công trình “sai lầm thế kỷ” đã gây ra nhiều hệ lụy, thậm chí là thảm họa cho người dân.
Điển hình, ngày 15-11-2013, nước từ trên núi An Khê đổ xuống, cuốn trôi đất cát đổ ập xuống Nhà máy Thủy điện An Khê. Bùn cát theo nước lũ đổ tràn từ bên ngoài vào trong nhà máy gây ngập cả 2 tổ máy đặt dưới tầng 1. Sự cố này khiến nhà máy ngưng vận hành trong hơn 1 tháng, “chia nước” xuống sông Côn với lưu lượng lớn tràn ra sông Ba, làm ngập, sập nhiều nhà dân và hàng trăm hecta hoa màu, “chôn sống” nhiều nhà dân. Vì sự cố này, lần đầu tiên trong lịch sử, thị xã An Khê phải hứng chịu một trận lũ lịch sử. H.Ánh
Bình luận (0)