Chị Thu Hà, cán bộ giáo dục xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, dẫn chúng tôi đến nhà em Lê Thị Thành Mỹ, học sinh lớp 5, Trường Phước Kiểng 3. Mỹ là một trong số rất nhiều học sinh của huyện Nhà Bè đang có nguy cơ phải bỏ học. Căn nhà lá ọp ẹp chưa đầy 10m2 được dựng tạm bợ tại mé sông này là nơi trú ngụ của 6 người. Mẹ của Mỹ, 55 tuổi, cho biết: Nó là người nhiều chữ nhất trong nhà. Thế nhưng giờ đây, cô học trò lúc nào cũng được đánh giá là ngoan hiền, học giỏi này có thể phải nghỉ học bất cứ lúc nào. Miếng ăn còn lo không nổi, tiền đâu lo việc học... Ba của Mỹ bị bệnh triền miên. Cả nhà Mỹ chỉ biết trông chờ vào người mẹ với “nghề” chính: mót cá, cao lắm mỗi ngày cũng chỉ kiếm được mươi ngàn. Vào những ngày nước lớn, hầu như cả nhà húp cháo. Mỹ rất ít nói, cả buổi trò chuyện dường như cô bé chỉ nói được một câu rành rọt: “Nghỉ học con buồn lắm!”.
Rời nhà Mỹ, chúng tôi đi vào một con hẻm rộng chừng 1m lầy lội và trơn trượt để đến nhà em Nguyễn Hoàng Lê Ân, học lớp 6A6 Trường Phước Kiểng I. Chúng tôi đến nhà cũng là lúc Ân vừa đi bắt cá về. Cậu bé nhỏ thó, đen thui hăm hở khoe “chiến công” của mình: 3 con cá kèo nằm trong giỏ. Thế là đủ cho bữa cơm chiều. Ân đã nghỉ học. Em nói: “Thiếu nhiều tiền học quá, con không dám đi học”. Mà có phải một mình Ân, bé Yến, em gái của Ân vừa lên lớp 3, cũng phải nghỉ ở nhà vì không có tiền đóng học phí. Ba Ân thất nghiệp, ai kêu gì làm nấy, mỗi tháng cộng lại cũng chỉ được khoảng trăm ngàn. Mẹ buôn bán bấp bênh, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Làm sao có đủ tiền để Ân và Yến đến trường. Mẹ của Ân nói: “Rồi đây chắc đời tụi nó cũng khổ như cha mẹ!”.
Các em sẽ được tiếp tục đi học?
Bà Phạm Thị Viết, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết huyện sẽ dành nhiều chương trình hỗ trợ huy động các gia đình cho con đi học. Đối với những học sinh phải chèo ghe học bổ túc vào buổi tối được chuyển qua học thứ bảy và chủ nhật, vào ban ngày; những ngày còn lại ở nhà phụ giúp gia đình. Mỗi em được hỗ trợ 3.000 đồng để ăn trưa. Xã Hiệp Phước hỗ trợ khoảng 60 em, xã Phước Lộc khoảng 30 em. Ngoài ra, khi các em được lên lớp (với điều kiện tiếp tục đi học), mỗi em được thưởng 50.000 đồng, đậu chuyển cấp được một chiếc xe đạp. Toàn bộ ngân sách đầu tư cho chương trình phổ cập giáo dục năm 2002 của huyện là 500 triệu đồng. Trong năm nay, huyện sẽ xây thêm hai trường THCS ở xã Nhơn Đức và Phước Lộc và thêm trường tiểu học để đáp ứng nhu cầu học tập của các em. Một trong những hướng giải quyết việc làm của huyện là đầu tư dạy nghề, chủ yếu đào tạo nghề may, cơ khí, tin học, nhưng hiện nay số người theo học cũng không nhiều. Bà Phạm Thị Viết - cho biết: “Huyện tập trung đầu tư xây dựng trường lớp, nhưng nếu tình trạng học sinh bỏ học không giảm, chỉ sợ thừa trường, thiếu học sinh”.
Bình luận (0)