Ảnh mây vệ tinh cơn bão Usagi vào 7 giờ sáng nay 21-9. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương
Để đối phó với siêu bão Usagi đang tiến sát vào biển Đông, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, sáng nay (21-9), Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương - Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN), đã ban hành Công điện khẩn số 67/CĐ-TW gửi các Ban chỉ huy PCLB-TKCN các bộ, ngành; các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; các tỉnh, thành phố vùng núi và trung du Bắc bộ để chỉ đạo công tác chuẩn bị đối phó.
Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương, vào 7 giờ ngày 21-9, vị trí tâm bão Usagi đang ở cách Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 200 km về phía Nam Tây Nam với sức gió từ 167 - 201 km/giờ, giật trên cấp 17. Dự báo, siêu bão mạnh nhất thế giới từ đầu năm đến nay có thể vào biển Đông trưa hoặc chiều nay.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Đến 7 giờ ngày 22-9, vị trí tâm bão cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 370 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 - 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương nhận định Usagi là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, hoàn lưu bão ảnh hưởng đến vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc, giữa biển Đông và có khả năng gây mưa lớn, lũ muộn trên các khu vực sông suối các tỉnh Bắc bộ.
Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương - Uỷ ban quốc gia TKCN, yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện, hướng dẫn các tàu đánh bắt cá xa bờ thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm được xác định là khu vực vùng biển phía Bắc và giữa biển Đông (Bắc vĩ tuyến 16).
Đối với các tỉnh miền núi và trung du Bắc bộ, công điện yêu cầu theo dõi diễn biến mưa, lũ; cảnh báo dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét để chủ động phòng tránh.
Công điện cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); các nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà, chủ động hạ thấp mực nước các hồ để đón lũ, đảm bảo an toàn công trình và tránh xả cấp tập để ảnh hưởng đến hạ du.
Công điện cũng yêu cầu Ban chỉ huy PCLB các bộ, ngành, các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc; chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với bão, mưa lũ; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Bình luận (0)