xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khen thưởng Đại tá Trần Sơn Hà là chính xác

Thế Kha

(NLĐO) - Đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ngày 2-1 khẳng định việc đề nghị khen thưởng đối với Đại tá Trần Sơn Hà, người đã ký văn bản “chụp ảnh CSGT phải xin phép”, là chính xác, phù hợp.

 


	Văn bản yêu cầu nhà báo muốn "chụp ảnh CSGT phải xin phép" do Đại tá Trần Sơn Hà ký sau đó đã bị hủy bỏ - Ảnh minh họa

Văn bản yêu cầu nhà báo muốn "chụp ảnh CSGT phải xin phép" do Đại tá Trần Sơn Hà ký sau đó đã bị hủy bỏ - Ảnh minh họa

 

Chiều 2-1, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đã có phản hồi xung quanh bài viết “Người ký văn bản “chụp ảnh CSGT phải xin phép” được khen thưởng” đăng trên Người Lao Động Online ngày 31-12 vừa qua.

Ông Thái khẳng định việc Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67) - Bộ Công an được tuân thủ đúng theo các quy định, quy trình về thi đua, khen thưởng.

Theo ông Thái, năm 2013 ông Trần Sơn Hà đã tham gia tích cực vào các chương trình của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức, đặc biệt là dự án cưỡng chế người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện do WHO tài trợ, thí điểm ở tỉnh Quảng Ninh và các chương trình về kiểm soát nồng độ cồn được thực hiện tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng,…

“Hơn nữa anh Trần Sơn Hà cũng phối hợp rất tích cực với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong nhiều dự án tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong người dân. Còn với nhiệm vụ được giao ở C67 tôi được biết anh ấy cũng hoàn thành rất tốt” - ông Thái nói.

Thừa nhận có biết dư luận phản ứng mạnh với văn bản 1042/2013 do ông Trần Sơn Hà ký yêu cầu “chụp ảnh CSGT phải xin phép”, nhưng ông Thái cho rằng: “Ý tứ của văn bản chưa được thấu đáo thôi, chứ bản thân anh Hà cũng như C67 không hề định ngăn cản báo chí tác nghiệp. Dưới góc độ chung họ vẫn ủng hộ các cơ quan báo chí thôi”.

“Chúng tôi đã gửi văn bản cho các bộ ngành liên quan là thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục - Đào tạo… để xin ý kiến về việc khen thưởng. Trên cơ sở đó, các bộ ngành có đề xuất riêng. Ở Bộ công an, lãnh đạo bộ cũng như Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII), C67 - Tổng cục VII đều đồng ý đề xuất, thống nhất khen thưởng cho Đại tá Trần Sơn Hà. Thủ tục, trình tự chúng tôi làm rất đúng” - ông Thái cho hay.

Ông Thái khẳng định cơ quan này đã làm đầy đủ các quy trình cần thiết trước khi trình danh sách đề nghị khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức sang Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ). Đây đều là các tập thể, cá nhân trực tiếp tham gia công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông có thành tích xuất sắc, nhiều đóng góp, sáng kiến có ảnh hưởng, tính hiệu quả cao trong năm 2013.

“Nghị định, thông tư cũng có nhiều cái trái luật, kể cả thẩm định rồi vẫn tồn tại. Có gì chưa đúng thì mình điều chỉnh, mình cởi mở thì không có vấn đề gì cả. Con người làm sao vẹn toàn được” - ông Thái nói.

Thường xuyên làm việc trực tiếp với ông Trần Sơn Hà, ông Nguyễn Trọng Thái khẳng định: “Anh Hà có nhiều đóng góp rất tốt trong năm 2013. Bộ Công an cũng nghiêm khắc lắm, không phải tự nhiên người ta làm, đề xuất thế đâu, họ luôn tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt”.

Như Người Lao Động Online đã phản ánh trước đó, tại buổi tổng kết công tác an toàn giao thông năm 2013 sáng 31-12-2013 vừa qua, ông Nguyễn Trọng Thái đã đọc danh sách khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông dành cho các tổ chức, cá nhân có thành tích nổi bật, xuất sắc trong thời gian qua. Đáng chú ý trong 7 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ có tên Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng C67.

Điều này đã gây ra nhiều ngạc nhiên bởi vào tháng 8-2013, ông Hà đã ký duyệt văn bản số 1042/C67-P3 gửi trưởng phòng CSGT công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị nhà báo muốn chụp ảnh CSGT đang thực hiện nhiệm vụ trên đường “phải xin phép”.

Sau khi dư luận phản ứng mạnh, các chuyên gia tư pháp, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) bày tỏ ý kiến không đồng tình và cho rằng văn bản 1042 có nhiều dấu hiệu trái luật thì đến ngày 23-8-2013 C67 đã có công văn 2315/PC67-P6/2013 gửi trưởng phòng CSGT các địa phương trên cả nước, trong đó nói rằng công văn 1042 ban hành trước đó có nội dung chưa chuẩn xác nên phải hủy bỏ.

Theo hướng dẫn của C67, trường hợp người dân hoặc phóng viên báo, đài quay phim, chụp ảnh thì không được ngăn cản (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh). Trường hợp người dân hoặc phóng viên báo, đài cung cấp thông tin, hình ảnh về sai phạm, tiêu cực của CSGT thì thủ trưởng đơn vị phải tiếp nhận, giải quyết và kịp thời xử lý nghiêm túc theo quy định hiện hành.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo