Còn nhớ ở những kỳ tuyển sinh trước, trong khi Bộ GD-ĐT quyết bảo vệ cho bằng được điểm sàn thì nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định việc quy định điểm sàn chung vừa vi phạm quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ vừa thiếu khoa học.
Nói như thế là bởi mỗi trường có sứ mạng khác nhau và mỗi ngành đào tạo có yêu cầu khác nhau về năng lực của TS nên các trường cần chọn kết quả của từng môn thi, rồi còn có thể nhân các hệ số khác nhau cho những môn thích hợp với từng ngành đào tạo để xét tuyển. Chưa nói đến chuyện TS cả nước đã có một mức sàn chung chính là bằng tốt nghiệp THPT, việc điểm của 3 môn thi dù là cùng khối nhưng phân bố thống kê hoàn toàn khác nhau nên khi đem cộng lại để có một điểm chung thì điểm chung ấy rõ ràng là vô nghĩa.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT luôn có cách để bảo vệ quan điểm của mình. Kỳ tuyển sinh năm 2013, Bộ GD-ĐT cũng sốt sắng với những điều chỉnh về phương pháp tính điểm sàn. Nhưng dù đã cải tiến việc xác định điểm sàn căn cứ trên tổng điểm bình quân 3 môn thi thì theo thống kê của Cục Khảo thí, trong tổng số 1.298.522 TS dự thi ĐH (với mức điểm sàn của từng khối đã xác định), có 562.499 TS đạt điểm sàn để tham gia xét tuyển 323.681 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH. Như vậy, số TS trên điểm sàn đủ điều kiện tham gia xét tuyển chỉ đạt 43,31%.
Năm nay, Bộ GD-ĐT không điều chỉnh về phương pháp tính điểm sàn nữa mà bỏ và bỏ hẳn. Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, lý giải do nhiều ý kiến cho rằng điểm sàn năm 2013 chưa hợp lý vì dù thừa nguồn tuyển nhưng nhiều trường vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Do đó, cần thay thế bằng các tiêu chí khác. Ông Tuấn còn nói: “Bộ GD-ĐT đã nhận khó khăn về phía mình để tạo sự dễ dàng cho người học, tiêu chí là bảo đảm chất lượng nguồn tuyển”.
Bỏ điểm sàn nhưng rối rắm thì khó hết bởi kỳ tuyển sinh năm nay vẫn vừa thi “ba chung” vừa thi riêng, có thi tuyển và cả xét tuyển. GS Đặng Hữu bày tỏ quyết liệt rằng nếu Bộ GD-ĐT muốn thật sự đổi mới theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT) và Luật Giáo dục ĐH thì ngay năm nay, không nên phân chia trường tuyển riêng, trường tuyển chung mà giao quyền tự chủ tuyển sinh cho tất cả các trường, còn Bộ GD-ĐT hỗ trợ bằng cách tổ chức tốt cuộc thi “ba chung” nhưng không có điểm sàn, không theo khối. Thay vì “tuyển hộ” cho trường thì Bộ GD-ĐT nên tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, xử lý nghiêm sai phạm; từ bỏ cách quản lý chặt đầu vào nhưng lỏng đầu ra.
Quan điểm của GS Đặng Hữu đã nhận được nhiều đồng thuận của dư luận cũng như các chuyên gia về giáo dục nhưng chưa hẳn đã thuyết phục được Bộ GD-ĐT. Cũng như chuyện điểm sàn giữ hay bỏ, lợi hại thế nào thì không phải đợi đến lúc “Bộ GD-ĐT nhận khó khăn về phía mình” mới rõ. Cứ cách làm như thế thì những mùa thi tiếp cũng sẽ còn cần tới nhiều thay đổi - thay đổi nhưng không hẳn là đổi mới.
Bình luận (0)