Năm 2012, phường Long Phước thu giữ 34 ghe tang vật và đã xử lý 31 chiếc. Trong 9 tháng đầu năm 2013, phường bắt giữ 18 ghe của “cát tặc” nhưng đến nay vẫn chưa tiêu hủy được. Nguyên nhân, theo bà Nhịn, là do khó thuê nhân công. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của Phòng Kinh tế quận 9, việc thuê nhân công phá dỡ phải có hóa đơn mới được thanh toán nhưng với lao động địa phương thì không thể xuất hóa đơn vì không có pháp nhân.
Một điều khó xử khác của phường Long Phước, theo ông Mai Xuân Sang, Phó Chủ tịch UBND phường, là nhiều chủ ghe còn đánh chìm phương tiện trước khi trốn thoát. Chi phí trục vớt các ghe này lên đến 5 triệu đồng/chiếc, do một doanh nghiệp chuyên trục vớt đóng tại quận 8 đảm nhận. Vì thế, chi phí xử lý các ghe tang vật đôi khi đội lên rất nhiều so với mức được quận phê duyệt.
“Bắt được các ghe hút cát lậu đã khó vì các đối tượng rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng, trong khi nhân sự của phường thì có hạn. Vậy mà, giờ bắt được ghe rồi cũng lúng túng không biết phải xử lý sao” - ông Sang lo ngại.
Trước đây, ghe tang vật được đưa về trụ sở UBND phường Long Phước. Sau đó, vì số ghe ngày càng nhiều nên phải chuyển ra chốt dân phòng cầu Trường Phước trên sông Tắc. Hiện còn trên 20 ghe tang vật (chứa được khoảng 5 m3 cát) chưa xử lý được, đậu xếp lớp trên sông Tắc.
Bình luận (0)