Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Trung Đông (MERS-CoV), sáng 2-6, Bộ Y tế đã họp khẩn bàn biện pháp ngăn chặn.
Tỉ lệ tử vong chiếm gần 40%
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), MERS-CoV, do virus Corona gây ra, là một bệnh viêm đường hô hấp nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao. Virus Corona chính là một chủng mới tương tự virus gây bệnh SARS vào năm 2003. Bệnh xảy ra lần đầu tiên tại Ả Rập Saudi từ năm 2012, đến nay đã lây lan ra 26 quốc gia. Trong đó, virus xâm nhập 17 nước với 1.154 người mắc, 434 ca tử vong đã được ghi nhận (chiếm gần 40%).
Trước đây, ngoài khu vực Trung Đông, các ca bệnh chỉ xuất hiện lẻ tẻ tại một số nước châu Âu, châu Mỹ nhưng đến nay, các ca bệnh đã ghi nhận ở các nước châu Á như Philippines và Malaysia.
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin hôm 2-6, Bộ Y tế nước này thông báo 2 ca tử vong đầu tiên do MERS-CoV. Đó là một phụ nữ 58 tuổi và một cụ ông 71 tuổi, đều bị lây nhiễm virus từ bệnh nhân đầu tiên khi ở cùng bệnh viện với ông ta.
Ngoài ra, đã có thêm 6 người bị chẩn đoán mắc MERS-CoV vào đêm 1-6, nâng tổng số bệnh nhân lên con số 25. Hàn Quốc đang cách ly khoảng 750 người tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bệnh MERS-CoV trong lúc 240 người bị cấm ra nước ngoài. Hàng chục trường học và nhà trẻ đã quyết định đóng cửa từ ngày 3 đến 5-6.
Tại Trung Quốc, tình trạng của một bệnh nhân mắc MERS-CoV đến từ Hàn Quốc đã trở nên trầm trọng hơn vào hôm 2-6. Hiện bệnh nhân này đang được điều trị ở TP Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông. Ngoài ra, nhà chức trách y tế địa phương xác nhận có 77 người tiếp xúc với bệnh nhân trên, trong đó 67 người đã bị cách ly và 10 người vẫn chưa được tìm thấy.
PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết dù chưa ghi nhận trường hợp mắc MERS-CoV nhưng Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập. Tổng số người nhập cảnh Việt Nam từ 9 quốc gia vùng có dịch bệnh thuộc khu vực Trung Đông là 23.000. Trung bình hằng tháng, gần 5.000 người đến Việt Nam từ vùng có dịch bệnh, chưa kể 1.000 người đến từ Hàn Quốc. Hiện cũng có 76.000 người Việt Nam đang học tập, làm việc tại Hàn Quốc và khoảng 20.000 người đang học tập, làm việc tại khu vực Trung Đông. Trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, ông Phu đề nghị giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để nhanh chóng khoanh vùng, cách ly bệnh nhân và người tiếp xúc, tránh nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng.
Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện chưa có bằng chứng về sự biến đổi của chủng virus hay lây lan dịch trong cộng đồng. Các ca mắc chủ yếu lây lan trong các cơ sở khám chữa bệnh. Trong 18 ca bệnh ở Trung Quốc và Hàn Quốc, 16 người có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân tại cơ sở khám chữa bệnh. Đại diện Cơ quan Kiểm soát bệnh của Mỹ khuyến cáo Việt Nam nên xây dựng kế hoạch đối phó dịch trong thời gian dài, tạo tiềm thức cho cán bộ y tế và người dân về bệnh.
Khó phát hiện bệnh bằng máy đo thân nhiệt
Trước diễn biến của MERS- CoV, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định tốc độ bệnh lây lan tại Hàn Quốc rất nhanh mặc dù quốc gia này có hệ thống y tế rất tốt.
“Tình trạng này rất đáng lo bởi việc giao lưu đi lại giữa các nước vùng Trung Đông và Việt Nam ít nhưng giữa Việt Nam và Hàn Quốc lại rất lớn. Do đó, Việt Nam cần áp dụng ngay tờ khai y tế với khách đến từ Hàn Quốc và Bahrain ngoài 9 nước vùng Trung Đông đang áp dụng” - ông Long yêu cầu.
Theo GS Nguyễn Thanh Long, khó khăn lớn nhất là phát hiện ca bệnh đầu tiên vì triệu chứng của MES-CoV giống nhiều bệnh khác. Các cơ sở y tế tăng cường giám sát các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp, đặc biệt các trường hợp có tiền sử đi từ Hàn Quốc hay vùng Trung Đông về Việt Nam. Người dân cũng cần chủ động khai báo khi đi từ vùng dịch để phát hiện sớm các ca bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trước đó, đầu tháng 7-2014, các cửa khẩu quốc tế sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP HCM) đã áp dụng khai báo y tế đối với hành khách đến từ Trung Đông. Với kinh nghiệm điều trị các bệnh truyền nhiễm, PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đề nghị khi thực hiện tờ khai y tế nên phát tờ khai trên máy bay, tránh tập trung một chỗ quá đông để hạn chế nguy cơ lây bệnh. Còn theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc thực hiện tờ khai y tế quan trọng nhưng cần nâng cao ý thức của người từ vùng dịch bởi căn bệnh này ủ bệnh tới 14 ngày, nếu chỉ qua máy đo thân nhiệt thì khó phát hiện nguy cơ.
Do tính chất nguy hiểm và tốc độ lây lan của dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo người dân không nên đi du lịch, công tác tới các nước vùng Trung Đông đang có dịch, trừ khi quá cấp thiết. Những người đi từ vùng dịch về đều phải khai báo tại cửa khẩu, chủ động khai báo với cơ sở y tế nếu có biểu hiện bất thường khi đi khám. Các cơ quan y tế cũng cần theo dõi sát sao người từ vùng dịch trở về ít nhất 14 ngày, không để “mất dấu” những trường hợp này.
Ai dễ mắc MERS-CoV?
MERS-CoV có nguồn gốc từ dơi và lạc đà. Người mắc bệnh có khả năng lây sang người khác qua tiếp xúc gần như chăm sóc, sống cùng, sử dụng sản phẩm thịt của động vật bị bệnh... Thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày. Hiện bệnh chưa có virus và thuốc điều trị đặc hiệu.
WHO cũng khuyến cáo nhóm nguy cơ cao mắc MERS-CoV là những người bị bệnh đái tháo đường, suy thận, bệnh phổi mãn tính, những người bị bệnh miễn dịch. Các đối tượng này nên tránh tiếp xúc với động vật, đặc biệt là lạc đà, khi tới các trang trại, chợ, chuồng trại - những nơi virus Corona có khả năng lưu hành. Virus Corona có thể tồn tại trong thời gian dài vì chúng lưu hành trong lạc đà.
Bình luận (0)