Chiều 24-9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) đã tổ chức phiên giải trình việc phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo.
Chủ trì phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết: Trong 20 năm qua, Việt Nam đã giảm nghèo khá nhanh. Hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo từ chỗ chiếm 58% dân số năm 1993, nay còn khoảng 7,8%. Tuy nhiên, theo bà Mai, thực tế còn rất nhiều thách thức, như: Kết quả giảm nghèo chưa bền vững; tỉ lệ tái nghèo cao; gần 50% hộ nghèo tập trung ở vùng dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu; số hộ nghèo ở đô thị tăng nhanh trước các cú sốc kinh tế…
Đánh giá báo cáo, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm ủy ban, cho rằng tín dụng là kênh ưu đãi quan trọng trong giảm nghèo nhưng tỉ lệ hộ được vay so với tổng số hộ nghèo vẫn còn khoảng cách. Mỗi hộ nghèo được vay tối đa 30 triệu đồng nhưng thực tế bình quân chỉ được 12-15 triệu đồng. Còn nhiều hộ chưa tiếp cận được vốn vay.
Theo ông Hùng, cần công khai các chương trình giảm nghèo và đề ra cơ chế giám sát để chống thất thoát, lãng phí. “Có địa phương cho hay gia đình dùng bức ảnh chụp một hộ nghèo ở 5 góc độ khác nhau để làm hồ sơ về 5 hộ nghèo” - ông Hùng nói.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trần Thị Khá đề nghị làm rõ quy định thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các chương trình giảm nghèo để giảm tiêu cực.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo từ năm 2005-2012 đạt gần 543.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước đã bố trí gần 206.000 tỉ đồng, còn lại từ 6 nguồn khác như vốn ODA, trái phiếu Chính phủ...
Thay đổi quan niệm hôn nhân đồng giới Cùng ngày, Ủy ban Về Các vấn đề xã hội đã họp phiên toàn thể thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết việc cấm đoán và xử lý hành chính hôn nhân đồng giới như hiện hành không còn phù hợp, do đó cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý. Trong khi đó, ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đại biểu QH tỉnh Đồng Nai - đề nghị khi áp dụng quy định “mở” với người đồng giới cần tính đến vấn đề phát sinh như họ của đứa trẻ được nhận làm con của người cùng giới tính, việc đảm bảo quyền lợi của đứa trẻ khi người cùng giới không sống chung với nhau hoặc có người mất đi. |
Bình luận (0)