Chiều 29-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Ngân sách (sửa đổi). Theo đánh giá của nhiều đại biểu (ĐB), ngân sách nhà nước (NSNN) tuy chưa dám nói đến thắt lưng buộc bụng song cũng đang ở giai đoạn rất khó khăn nhưng dự thảo luật chưa thay đổi tư duy một cách căn bản để giải quyết những bất cập trong quản lý, thu chi ngân sách hiện nay.
Vẫn theo kiểu bao cấp
ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) thẳng thắn nói về bất cập trong việc chi tiêu ngân sách đang gây bức xúc trong xã hội. ĐB này lấy ví dụ đi thăm một nước vào cuối tháng 12, bạn không mời được cơm vì ngân sách chưa có nhưng ở Việt Nam thì ăn nhậu vô tội vạ rồi vẫn quyết toán được.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cũng đưa ra dẫn chứng khác về sự lãng phí trong chi ngân sách. Ở một số huyện, xã, người dân vẫn còn đi chân đất nhưng lại dành tiền ngân sách xây trụ sở quá đẹp, dân không dám bước vào, tự nhiên tạo ra rào cản. Đầu tư như vậy không mang tính phát triển mà còn làm nản lòng người dân.
Đáng chú ý, ĐB Phạm Văn Tám (Hà Nam) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu Luật Ngân sách phải hạn chế tình trạng tham nhũng. Theo ĐB này, thể chế kinh tế chuyển sang kinh tế thị trường song cách làm về ngân sách vẫn theo kiểu bao cấp. Việc quản lý và sử dụng đồng vốn từ NSNN chưa hiệu quả, tiền mình quản lý thì không ai dám lãng phí, còn tiền ngân sách thì tiêu thoải mái. “Tiền của quốc gia nếu không quản lý có trách nhiệm thì sẽ thành tiền chùa cả” - ĐB Phạm Văn Tám ví von.
Siết kỷ luật ngân sách
Kỳ vọng Luật NSNN mới sẽ đổi mới căn bản quy trình thiết lập ngân sách, công bố ngân sách, kiểm toán và tuân thủ ngân sách để bảo đảm kỷ cương trong sử dụng ngân sách nhưng ĐB Trần Du Lịch tỏ ra thất vọng khi Luật NSNN lần này đổi mới không đáng kể so với luật hiện hành. Quy trình ngân sách được hiểu là chạy nguồn chi trước, lấy chi xong tính ngược lại các nhu cầu chi là bao nhiêu.
Cùng quan điểm, ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) khẳng định dự thảo chưa bao quát, giải quyết tối đa bất cập của luật hiện hành, quản lý thu - chi vẫn theo tư duy cũ. Cứ lập kế hoạch xong rồi lại duyệt, rồi cứ thế chi. Thậm chí, thu không tới nhưng chi thì cứ chi như trong báo cáo ngân sách. Theo ông Hùng, luật phải làm sao hạn chế tối đa việc chi chuyển nguồn, chi ngoài ngân sách. Đặc biệt, vấn đề nợ đọng thuế, thất thu, gian lận thuế, hạch toán, thực hiện đúng cơ chế quản lý tài chính của các doanh nghiệp các cấp.
Nhiều ĐB cũng băn khoăn khi việc phân bổ ngân sách thuộc thẩm quyền của QH nhưng thực chất chỉ mang tính hình thức vì các khoản đã được chi hết rồi, chỉ trình lên để QH thông qua. Dự thảo cũng chưa đưa ra chế tài để hướng đến thực hiện nguyên tắc sử dụng ngân sách tiết kiệm, chống lãng phí và có hiệu quả. Gần đây có nhiều dự án vốn khái toán đến khi thực hiện đội gấp 2- 3 lần mà không ai chịu trách nhiệm.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bày tỏ: “Một đất nước muốn phát triển cần bảo đảm quốc phòng, an ninh nhưng không thấy nói đến ưu tiên cho an ninh quốc phòng”.
Yêu cầu công khai, minh bạch
Liên quan đến quy định công khai, minh bạch ngân sách, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng quyền thu thuế là của nhà nước nhưng người dân đóng góp thì phải biết được nhà nước đã sử dụng tiền đó như thế nào. Kết quả khảo sát cho thấy luật ban hành năm 2002 chưa rõ nội dung phạm vi công khai, hình thức công khai, trách nhiệm công khai, trách nhiệm giải trình ở tất cả quy trình ngân sách. Vấn đề này cũng chưa được khắc phục trong dự thảo luật sửa đổi.
Bình luận (0)