Sáng 22-10, Quốc hội (QH) nghe báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu QH và nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Dự thảo).
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Ủy viên Ủy ban Dự thảo, Trưởng Ban Biên tập - ông Phan Trung Lý - cho biết trong Dự thảo trình QH tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban Dự thảo đã trình QH 2 phương án về chính quyền địa phương. Theo đó, phương án 1 quy định một cách khái quát để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương; phương án 2 giữ các quy định hiện hành của Hiến pháp năm 1992 về các đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương của nước ta.
Qua tổng hợp ý kiến, đa số tán thành cần thiết phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Tuy nhiên, cả 2 phương án đều chưa phù hợp với yêu cầu đó. “Ủy ban Dự thảo nhận thấy quy định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp là vấn đề rất quan trọng, cần cân nhắc kỹ” - ông Lý nhấn mạnh.
Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến, Ủy ban Dự thảo nhận thấy việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau nên trong điều kiện hiện nay, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành. Trong đó, tăng cường trách nhiệm của QH, các cơ quan của QH, nhất là Ủy ban Pháp luật của QH và các cơ quan khác của nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp là phù hợp. Vì vậy, đề nghị QH không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào Dự thảo.
Liên quan đến hiến định vai trò của kinh tế nhà nước, Ủy ban Dự thảo đề nghị QH quy định về nội dung này tại khoản 1, điều 51: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Báo cáo do ông Phan Trung Lý trình bày nêu rõ quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định nên việc hạn chế các quyền này phải được quy định chặt chẽ để tránh nguy cơ tùy tiện, lạm dụng. Ủy ban Dự thảo đề nghị QH ghi nhận tại khoản 2, Điều 14 như sau: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Đáng chú ý, theo ông Phan Trung Lý, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền được chết trong Dự thảo Hiến pháp. Ủy ban Dự thảo nhận thấy “quyền được chết” là vấn đề cần được quan tâm nhưng là vấn đề mới, còn nhiều ý kiến tranh luận khác nên đề nghị QH cho tiếp tục nghiên cứu và chưa thể hiện trong Dự thảo Hiến pháp.
Với vấn đề gây nhiều tranh cãi liên quan đến thu hồi đất, khoản 3, điều 54 Dự thảo được chỉnh lý: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Ủy ban Dự thảo nhận thấy Hiến pháp cần quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi, là cơ sở quan trọng cho Luật Đất đai (sửa đổi) quy định tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Hôm nay (23-10), QH thảo luận ở tổ về dự thảo này.
Giữ điều 10 về Công đoàn Việt Nam Ông Phan Trung Lý cho biết về Công đoàn (CĐ) Việt Nam (điều 10 trong Dự thảo Hiến pháp), qua thảo luận, có 2 dòng ý kiến. Dòng thứ nhất cho rằng không quy định một điều riêng về CĐ Việt Nam mà chuyển nội dung về CĐ tại điều 10 vào quy định cùng các tổ chức chính trị - xã hội khác tại điều 9. Dòng thứ hai tán thành phương án tiếp tục quy định về CĐ tại điều 10 của Dự thảo để đề cao vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Ủy ban Dự thảo đề nghị QH tiếp tục giữ điều 10 trong Dự thảo như các Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992. |
Bình luận (0)