Trận lũ lịch sử giữa trung tuần tháng 10-2016 đi qua, người dân tỉnh Quảng Bình đang khắc phục hậu quả... Tuy nhiên, chỉ hơn chục ngày sau, người dân lại phải cuống cuồng chạy lũ.
Xơ xác quê nghèo
Đi dọc Quốc lộ 12A ven sông Gianh những ngày sau lũ, đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh những làng quê tiêu điều, xác xơ sau khi nước rút. Đến đầu thôn Thượng Thọ, xã Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch), chúng tôi bắt gặp mẹ con chị Hoàng Thị Văn (SN 1966) đang cố gắng bới tìm những vật dụng còn sót lại sau 2 trận lũ đi qua. Cùng phụ dọn với mẹ và bươi đống đổ nát để tìm lại sách vở, cháu Hoàng Thị Ngọc Thúy (SN 2005, con chị Văn) bật khóc: “Sách vở của cháu trôi hết rồi, mấy cuốn còn sót lại thì bị ướt mem trong bùn”.
“Dành dụm bao năm mua được ít tài sản, nuôi một đàn heo cùng ít gà, đợt lũ trước trôi hết rồi. Chưa kịp gầy dựng lại, nước đổ về cuốn hết cả áo quần, mấy mẹ con phải đi mượn đồ khô về mặc” - chị Văn tiếp lời.
Dọc các xã Văn Hóa, Châu Hóa, Tiến Hóa, Đức Hóa... của huyện Tuyên Hóa, đi đâu cũng thấy những ngôi làng xơ xác sau lũ dữ.
Tại xã Văn Hóa, dù nước đã rút nhưng một số điểm trường học và nhà dân vẫn đang ngập nước, bùn bám đầy.
“Toàn xã vẫn đang mất điện, rất may là trước đó, Báo Người Lao Động đã về địa phương trao cho trường một máy phát điện nên sáng nay, trường huy động thêm 2 máy nổ từ các thôn về hỗ trợ bơm nước dọn dẹp. Nay cũng đã tạm xong, học sinh có thể đến trường” - thầy Lê Hải Châu, Hiệu phó Trường THCS Văn Hóa, chia sẻ.
Theo ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuyên Hóa, toàn huyện có 27 trường học bị ngập, nơi sâu nhất gần 3 m. Hiện hàng chục ngàn học sinh trên địa bàn phải nghỉ học.
Sống... trên nóc nhà
Tại vùng rốn lũ huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh rất khó khăn khi vừa trải qua 2 cơn lũ. Hàng ngàn ngôi nhà, tài sản, cây trồng của người dân chìm sâu trong biển nước. Nhiều người dân hằng ngày đang phải sống trong cảnh đói, rét trên các nóc nhà.
Ông Nguyễn Văn Huân (ngụ xã Phương Mỹ, huyện Hương Sơn) xót xa: “Ở đây mấy chục năm rồi nhưng chưa bao giờ thấy mưa lũ lại xảy ra liên tiếp như vậy. Nếu trời còn mưa, nước không rút thì chúng tôi chẳng biết lấy cái gì để ăn qua ngày”.
Tại huyện Hương Khê tính đến ngày 2-11, vẫn còn 8 xã với trên 800 hộ bị ngập sâu trong nước, có nơi đến 2 m. Tại các xã Phương Điền, Gia Phố, Lộc Yên, Hương Thủy, Hà Linh..., đi tới đâu, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh người dân phờ phạc, kiệt quệ. Ông Lê Quang Vinh, phụ trách Phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê, cho biết người dân huyện này chủ yếu sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Nước lũ ngập sâu như thế thì không biết đến lúc nào người nông dân mới có thể khôi phục được sản xuất, gượng dậy sau mưa lũ.
Ngoài vùng tâm lũ huyện Hương Khê thì hàng ngàn hộ dân ở các huyện khác như Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... của tỉnh Hà Tĩnh cũng rơi vào cảnh xác xơ, điêu đứng vì lũ.
Thủy điện xả lũ, dân cuống cuồng
Ngày 2-11, các thủy điện ở Quảng Nam và hồ thủy lợi tại Thừa Thiên - Huế đồng loạt xả lũ.
Ông Ngô Xuân Yến, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), cho biết sau khi nhận thông báo xả lũ của các thủy điện, xã Đại Lãnh đã thông báo trên các loa phóng thanh để người dân di chuyển đồ vật, trâu, bò lên những vùng cao. Theo nhận định của cơ quan chức năng, nước sông Vu Gia có thể lên mức báo động 3 và một số vùng thấp trũng sẽ bị ngập nặng trong đêm 2 rạng sáng 3-11.
Mưa lớn trong những ngày qua khiến đường Hồ Chí Minh qua đèo Pê Ke (xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị sạt lở trên 1.200 m3, đoạn qua xã Hồng Thủy sạt lở trên 2.200 m3, giao thông bị chia cắt.
T.Thường - Q.Tám
Bình luận (0)