Hàng giảm giá đủ loại, từ quần áo, giày dép, đồ nội thất, gia dụng... cho tới điện máy như tivi, tủ lạnh, máy giặt, xe máy... Mức độ giảm giá cũng không phải ít, bình thường từ 20%-30%, thậm chí không ít nơi có mặt hàng giảm tới 40%-50%.
Thế nhưng, dù giảm đến kịch sàn song vẫn thưa thớt người mua. Điều đó có thể thấy rõ qua doanh thu của các trung tâm thương mại, siêu thị. Phải chăng là một nghịch lý khi hàng hóa ê hề, giá rẻ mà người mua vẫn ít? Không có một nghịch lý nào ngoài thực tế là do túi tiền eo hẹp của người tiêu dùng. Hay nói một cách khác, sức mua của người dân đã giảm tới mức đáng báo động.
Ai cũng biết đời sống của đại đa số người dân đã trở nên rất khó khăn từ vài năm nay. Sự khó khăn đó bắt nguồn từ khó khăn chung của nền kinh tế. Nói như nhiều chuyên gia, kinh tế đã xuống đáy nhưng lại ì ạch “leo” lên.
Một trong những hàn thử biểu quan trọng của nền kinh tế là số lượng doanh nghiệp phá sản. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2013, cả nước có 6.742 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2012, năm có khoảng 55.000 doanh nghiệp phá sản. Cho dù số doanh nghiệp phá sản trong 9 tháng đầu năm chưa tới chục ngàn song số doanh nghiệp khó khăn, ngừng hoạt động còn lớn hơn nhiều lần. Doanh nghiệp phá sản, “thoi thóp” thì người lao động bị đẩy ra đường hoặc bị giảm thu nhập là chuyện tất yếu.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào thị trường trong nước lúc này cũng thấy một nghịch lý làm kiệt thêm sức mua của người dân. Trong khi các mặt hàng cạnh tranh giảm giá “sốc” thì các hàng hóa độc quyền nhà nước hay độc quyền doanh nghiệp như điện, xăng dầu, nước, sữa, viện phí, tân dược... cứ thi nhau tăng giá mà những thứ này thì không thể không dùng. Mới đây nhất là “nghi án” các nhà mạng bắt tay nhau để tăng giá cước 3G. Đó là chưa kể tới những thứ thuế, phí đổ thêm vào đầu người dân như phí bảo trì đường bộ.
Trong lúc kinh tế và đời sống người dân khó khăn thì thứ nghịch lý mà các “ông” độc quyền tạo ra càng làm sức mua thêm cạn kiệt. Vậy các cơ quan quản lý vì lợi ích của cả nền kinh tế, tất cả người dân hay lợi ích của các doanh nghiệp độc quyền?
Bình luận (0)