xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lại đòi tăng giá xăng dầu!

Phương Anh

Vừa tăng thêm 350 đồng - 650 đồng/lít từ chiều 28-8, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại nhấp nhổm đòi tăng giá vì cho rằng vẫn lỗ

img
Cho rằng vẫn bị lỗ, nhiều doanh nghiệp lại rục rịch đòi tăng giá xăng dầu. Ảnh: Tấn Thạnh
Theo một số doanh nghiệp (DN) đầu mối nhập khẩu xăng dầu, tính đến ngày nộp văn bản đề xuất tăng giá (ngày 23 và 24-8), giá bán lẻ xăng đang thấp hơn giá nhập khẩu khoảng 1.200 đồng/lít.

Một tháng có thể tăng giá 20%

Tuy nhiên, vì Bộ Tài chính “ngâm” đến ngày 28-8 mới cho tăng giá nên mức chênh lệch nói trên đã lên đến gần 2.000 đồng/lít. Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, giá xăng chỉ được tăng không quá 700 đồng/lít, cộng thêm 200 đồng sử dụng quỹ bình ổn là chưa đủ điều kiện cho DN hòa vốn. Sau khi được tăng giá xăng, mức chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở vẫn xấp xỉ 1.000 đồng/lít nên việc tăng giá là khó tránh khỏi nếu giá thế giới không giảm mạnh.

Bộ Tài chính nhận định mức tăng giá của DN kinh doanh xăng dầu chỉ bằng khoảng 50% mức lẽ ra phải tăng. Tuy nhiên, bộ này vẫn “ép” DN tạm thời đưa lợi nhuận định mức 300 đồng/lít ra ngoài giá cơ sở để chia sẻ khó khăn với Nhà nước và người tiêu dùng. Theo các chuyên gia kinh tế, với cách điều hành như vậy, giá xăng tăng thấp không phải do DN tiết kiệm được chi phí, hạch toán minh bạch mà chỉ là tạm thời “nén” lại vì mệnh lệnh hành chính. “Nếu nén lâu quá sẽ đến lúc buộc phải tăng sốc” - một chuyên gia nhận định.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng với cách điều hành như hiện nay, giá xăng sẽ tăng hết biên độ cho phép là 20% trong vòng một tháng. “Gần đây, Bộ Tài chính lấy lý do bảo đảm nguồn thu ngân sách nên không chịu giảm thuế. Như vậy, không khác nào phó thác hết cho DN độc quyền rồi đổ trách nhiệm cho họ” - bà Phạm Chi Lan bức xúc.

“Thủ phạm” chính là cơ chế

Diễn biến trên thị trường xăng dầu đang có biểu hiện lặp lại những bất ổn như thời kỳ đầu thực hiện cơ chế điều hành giá theo Nghị định 84 của Chính phủ. Đầu năm 2010, Bộ Tài chính đã để DN tự quyết định giá bán xăng dầu khi giá đầu vào tăng 7%. Trên cơ sở đó, các DN đã liên tiếp điều chỉnh giá bán theo hướng tăng nhiều hơn giảm với thời gian dãn cách là 10 ngày/lần. Tuy khẳng định DN không vi phạm nguyên tắc điều hành giá nhưng Bộ Tài chính vẫn phải tạm ngừng giao quyền định giá cho họ chỉ sau 2 tháng. Đến ngày 21-6, Bộ Tài chính lại giao quyền định giá cho DN và kết quả là trong 2 tháng qua, giá xăng chỉ giảm một lần với mức 600 đồng/lít và tăng liên tiếp 4 lần với tổng cộng 3.100 đồng/lít.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng những diễn biến bất ổn trên thị trường xăng dầu cho thấy “thủ phạm” chính là cơ chế chứ không hẳn do yếu tố khách quan là giá thế giới.

Để quản lý ngành kinh tế độc quyền, Nhà nước có thể sử dụng công cụ giá, điều tiết lợi nhuận hoặc tạo môi trường cạnh tranh. Hiện nay, cả nước có 11 đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu, bao gồm 8 DN Nhà nước và 3 DN thuộc thành phần kinh tế khác. Thị phần chủ yếu vẫn do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nắm giữ (trên 60%), tiếp đến cũng là các DN Nhà nước như PV Oil (16,4%), Saigon Petro (khoảng 8%)...

Theo phó giáo sư - TS Ngô Trí Long, Nhà nước phải đứng ra định giá xăng dầu như đối với các mặt hàng độc quyền khác là điện, nước. “Nếu để DN định giá bán thì sẽ không tránh được tình trạng tăng nhanh, giảm chậm...” - ông Long nhận định. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng sự khác biệt về giá xăng dầu giữa các nước chủ yếu do sự khác biệt giữa các khoản thu ngân sách từ mặt hàng này nên có đủ cơ sở để Chính phủ công bố trần giá bán lẻ hằng tháng. Chính sách ổn định thị trường, bình ổn giá cả, chống lạm phát hoặc các mục tiêu khác đều được thể hiện trong giá trần này và khoản điều chỉnh mức độ thu ngân sách thay vì đổ lên đầu DN (phải bán lỗ) hoặc người tiêu dùng (phải chịu tăng giá cao).

Nguồn cung nhỏ giọt

Ngày 30-8, nhiều cây xăng ở TPHCM vẫn bán cầm chừng bằng cách chỉ bố trí 1 - 2 người trực hoặc giới hạn số lượng mua. Theo đại diện một số cây xăng, sau khi giá xăng dầu tăng, họ chỉ nhận được 1.000 - 2.000 lít xăng, đủ bán trong ngày. Theo Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã có 9 cửa hàng xăng dầu tại tỉnh này đóng cửa hoặc bán cầm chừng. Nguyên nhân được các DN kinh doanh xăng dầu đưa ra là do tổng đại lý cung ứng nhỏ giọt nên không đủ hàng.

Ông Trần Thanh Bình, giám đốc một DN kinh doanh xăng dầu có trụ sở tại quận Gò Vấp - TPHCM, cho biết hôm 29-8, DN đăng ký với đầu mối mua 70 m3 xăng dầu nhưng chỉ được cung cấp 8 m3; ngày 30-8, đăng ký mua 40 m³ nhưng cũng chỉ được 10 m³. Trong khi đó, mức chiết khấu hoa hồng cho các đại lý xăng dầu tiếp tục giảm còn 200 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít dầu. Mức này không khuyến khích các cây xăng bán hàng vì càng bán càng lỗ.

Các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho biết họ đang bị lỗ nhưng chưa thể xin điều chỉnh vì theo quy định thì sau 10 ngày, kể từ ngày tăng giá trước đó, mới được điều chỉnh giá. “Khoảng ngày 7- 9, chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị điều chỉnh tăng giá xăng dầu” - đại diện một DN khẳng định.

N.Hải - Q.Nhật

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo