xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lại lo vỡ quỹ bảo hiểm y tế

Bài và ảnh: Thế Dũng

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lo ngại Quỹ BHYT sẽ mất an toàn do phải tăng chi

Ngày 25-9, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Y tế đã có phiên giải trình dự thảo báo cáo kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012 và thẩm tra dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT.
img
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
chưa đáp ứng yêu cầu vì giá dịch vụ y tế 18 năm qua quá thấp

Gỡ khó cho người bệnh nan y

Trước đề xuất của Bộ Y tế về mở rộng mức hưởng BHYT cho một số đối tượng (miễn, giảm cùng chi trả; hạn chế mức tối đa phải cùng chi trả...), Ủy ban Về các vấn đề xã hội lo ngại quỹ BHYT sẽ mất an toàn do phải tăng chi.

Ủy ban cảnh báo từ năm 2013 và 2014 sẽ không còn kết dư nhiều vì giá dịch vụ y tế đang được điều chỉnh.

Tại tờ trình dự luật, Bộ Y tế nhận định việc quy định mức cùng chi trả 5% đối với một số nhóm đối tượng như người nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội… và 20% đối với thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo đã hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) và khả năng chi trả của người bệnh, nhất là những người mắc các bệnh nặng, mạn tính do không có khả năng chi trả. Vì vậy, dự luật bổ sung quy định nâng mức hưởng của thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95% và nâng mức hưởng của người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội từ 95% lên 100% để họ có khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và thể hiện sự quan tâm của nhà nước.

Đáng chú ý, với quy định hiện hành, người bệnh cùng chi trả chi phí KCB không có giới hạn đã làm hạn chế việc tiếp cận dịch vụ của các trường hợp mắc bệnh phải điều trị có chi phí KCB lớn như ung thư, chạy thận nhân tạo… Vì vậy, dự luật bổ sung quy định số tiền tối đa mà người bệnh cùng chi phí KCB BHYT trong năm theo quy định của Chính phủ khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm trong 3 năm liên tục trở lên. Về điểm đột phá giảm gánh nặng cho người bệnh nan y, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH bày tỏ sự đồng tình và cho rằng đây là cách thức giúp người mắc bệnh mạn tính trong điều trị bệnh.

Dự luật cũng bổ sung quy định giảm dần mức đóng BHYT khi toàn bộ thành viên trong hộ gia đình tham gia. Cụ thể, người thứ nhất đóng bằng mức quy định thì người thứ 2, 3, 4, 5 lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% và người thứ 6 trở đi đóng bằng 40% của người thứ nhất.

Ngoài ra, dự luật cũng bãi bỏ quy định bảo hiểm không thanh toán chi phí điều trị trong các trường hợp như lác, cận thị và tật khúc xạ đối với trẻ em dưới 6 tuổi; bệnh do tai nạn nghề nghiệp; khám chữa trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích, bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra.

Giá thấp đi kèm dịch vụ kém

Tại cuộc họp, Bộ Y tế đề xuất dự luật quy định mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, đồng thời phải có lộ trình tăng giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cảnh báo việc mở rộng mức hưởng BHYT sẽ làm tăng chi quỹ BHYT, trong khi chưa có các biện pháp tăng thu.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết năm 2012, quỹ BHYT chi trả 84.000 tỉ đồng tiền bảo hiểm, trong khi số dư hiện tại là 15.000 tỉ đồng nên nguy cơ mất an toàn rất lớn. “Quỹ BHYT từng bị “vỡ”, phải vay tạm 3.000 tỉ đồng từ Quỹ Hưu trí” - ông Thảo dẫn chứng.

Theo đại diện Bộ Tài chính, với mức đóng BHYT và tiền lương hiện nay thì đến 2013, quỹ BHYT bắt đầu âm khoảng 800 tỉ đồng. Vì vậy, cần điều chỉnh giá dịch vụ y tế để rút khoản phải chi hỗ trợ các bệnh viện.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM) cho rằng viện phí quá thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng dịch vụ BHYT thấp. Theo đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Giám đốc Bệnh viện Xanh-Pôn, Hà Nội), ở các nước phát triển, chi phí y tế rất cao nên không người dân nào dám “trốn” mua BHYT, trong khi 18 năm qua, chúng ta mới điều chỉnh lại giá dịch vụ y tế. “Cần quy định viện phí thống nhất trên toàn quốc, điều chỉnh trong cùng một thời điểm như giá xăng dầu” - bà Nhi đề nghị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng thời gian qua, hoạt động KCB BHYT chưa đáp ứng yêu cầu không phải do y đức hay việc phân biệt đối xử giữa bệnh nhân có bảo hiểm với bệnh nhân dịch vụ mà cơ bản vì giá dịch vụ y tế 18 năm qua quá thấp, không phù hợp. Tuy nhiên, bà Tiến thừa nhận việc nâng giá dịch vụ y tế là không dễ. “Vừa mới chỉ điều chỉnh một số dịch vụ đã bị Chính phủ “tuýt còi” và đề nghị làm từ từ, có lộ trình” - bà Tiến phân trần.

Đề xuất Hiến định “thành phố trực thuộc thànhphố”

Cùng ngày, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã khai mạc và dành 2 ngày để thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đa số ý kiến ủng hộ sự cần thiết quy định về Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp song yêu cầu làm rõ vị thế, thẩm quyền của cơ quan này. ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, đặt vấn đề: “Hội đồng Hiến pháp không thể có vị thế cao hơn QH. Vậy việc kiểm soát các luật, nghị quyết của QH cũng như văn bản pháp luật của Chủ tịch nước, Thủ tướng có đủ thẩm quyền?”. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng Hội đồng Hiến pháp nên là cơ quan chuyên trách của QH và quy định về vai trò, chức năng, tổ chức bộ máy trong luật.

Chế định chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng nhận được nhiều ý kiến. ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) chất vấn: “Tôi không hiểu tại sao ban biên tập lại bỏ đi (so với dự thảo lần trước - PV) một nguyên tắc cực kỳ quan trọng là tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương?”. Ông Lịch cho rằng theo quy định tại điều 113 của dự thảo thì HĐND vẫn cứ hoạt động một cách rất hình thức, chỉ quyết định việc mà người khác đã quyết rồi.

Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, ủng hộ phương án 2 trong dự thảo, theo hướng tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp ở địa bàn nông thôn và 2 cấp ở đô thị (HĐND và UBND được tổ chức ở cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương; cấp huyện và cấp xã nhưng không tổ chức ở cấp quận, phường).

Về mô hình “thành phố trực thuộc thành phố”, ông Lập cho rằng TP HCM có đô thị phát triển lan tỏa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được dùng chung... Nay thay vì tổ chức 3 bộ máy chính quyền địa phương ở 3 quận Thủ Đức, 9 và 2 thì nhập thành TP Thủ Đức trực thuộc TP HCM (thực chất trước đây đã là huyện Thủ Đức cũ) là phù hợp và thuận tiện trên nhiều phương diện.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo