xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm chưa tới, xử chưa nghiêm

QUÝ HIỀN - THU HỒNG

TP HCM hiện quản lý hơn 900 km đường thủy nội địa. Song, một nửa quỹ đất dọc hành lang sông, rạch đang bị lấn chiếm nghiêm trọng, nhiều trường hợp lấn ra mặt nước sông với diện tích lớn nhưng chưa được xử lý

Ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM (gọi tắt là Khu Đường thủy), cho rằng sở dĩ tình trạng lấn chiếm sông, rạch diễn ra ồ ạt là do từ năm 1994-2004, quy định về quản lý tuyến sông thủy giữa địa phương và Trung ương còn chồng chéo, người dân lợi dụng đua nhau lấn chiếm. Sau năm 2004, dù UBND TP đã ban hành các quy định tăng cường bảo vệ hành lang bờ sông nhưng việc lấn chiếm cũng không... hạ nhiệt.

1.001 lý do để… tồn tại

Điều đáng nói là rất nhiều trường hợp xây dựng vi phạm hành lang sông, rạch bị Khu Đường thủy (trước kia là Khu Đường sông) “thổi còi” ngay từ khi chủ đầu tư đặt những viên gạch đầu tiên. Tuy nhiên, cuối cùng, công trình vẫn mọc lên bề thế, sau đó chính quyền địa phương cho phép tồn tại với nhiều lý do, cả những lý do không thể hiểu nổi!

Đơn cử là công trình nhà hàng ẩm thực và karaoke Lạc Hồng (ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) của ông Nguyễn Văn Lắm - lấn ra bờ sông Bà Chiêm 2,5 m, dài 19 m mà Báo Người Lao Động đã phản ánh ở số trước. Đến nay, đã hơn 3 năm kể từ ngày Thanh tra Xây dựng huyện Nhà Bè phối hợp với Khu Đường thủy kiểm tra và ra quyết định xử phạt hành chính, buộc tháo dỡ toàn bộ công trình nhưng không hiểu vì lý do gì, nhà hàng này vẫn “trụ” được trên sông.

“Ít nhất 4 lần Khu Đường thủy đã gửi công văn nhắc nhở địa phương xử lý triệt để nhưng cuối cùng, công trình vẫn tồn tại” - ông Trí cho biết. Thực ra, công trình này được tồn tại cũng là điều dễ hiểu bởi chính lãnh đạo huyện Nhà Bè cho rằng việc xây bờ kè dọc sông Bà Chiêm “không ảnh hưởng đến dòng chảy, không gây ô nhiễm môi trường”, ngược lại còn “làm tăng độ kiên cố tuyến đường Nguyễn Bình dọc sông Bà Chiêm” (!?).

img
Một công trình xây dựng lấn sông Rạch Đĩa tại số 39 Dương Cát Lợi, khu phố 5, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè. Ảnh: THU HỒNG

Cũng trên địa bàn huyện Nhà Bè, sân quần vợt có quy mô gần 500 m2 do Công ty CP Địa ốc Phú Long xây dựng lấn ra sông Rạch Đĩa vẫn ngang nhiên tồn tại. Trong khi đó, một lãnh đạo Phòng Quản lý Đô thị huyện Nhà Bè lại lý giải: “Việc chủ đầu tư xây sân quần vợt cũng chỉ để làm tường rào bảo vệ khu vực dự án bởi dưới dạ cầu, TP không xây dựng hạ tầng bảo vệ”! 

Với công trình 39 Dương Cát Lợi (khu phố 5, thị trấn Nhà Bè) do bà Nguyễn Thị Hà đứng tên - xây lấn sông Rạch Đĩa, vị này cũng thản nhiên cho rằng huyện “đã yêu cầu chủ đầu tư khắc phục nhưng họ chây ì, còn bản thân địa phương có thể không có kinh phí tháo dỡ”!

Cách trả lời nêu trên khiến chúng tôi có cảm giác việc xây dựng lấn chiếm hành lang sông, rạch là chuyện thường tình, lỗi là do người dân hay chủ đầu tư, còn chính quyền địa phương và những người thực hiện chức năng quản lý địa bàn xem không phải là việc của mình, thậm chí chối bỏ trách nhiệm.

Chỉ có quận hiểu rõ

Về trường hợp khu biệt thự tại số 243-245 Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh của bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc - xây dựng nằm trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn lên đến gần 3.000 m2, một cán bộ Trạm Quản lý đường thủy nội địa số 4 - Khu Đường thủy vẫn nhớ như in lúc tuần tra, phát hiện công trình này đã khẩn báo Thanh tra Xây dựng phường 25, quận Bình Thạnh (tháng 1-2010).

Vụ việc tưởng như đi đúng quy trình: Lực lượng thanh tra xây dựng đến lập biên bản, sau đó UBND quận ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ phần xây dựng sai phép. Song, không chỉ chúng tôi mà chính cán bộ Trạm Quản lý đường thủy nội địa số 4 luôn đặt câu hỏi: Vì sao đến nay, trên sông Sài Gòn - đoạn qua khu vực bán đảo Thanh Đa - vẫn còn trơ trơ ngôi biệt thự màu nâu nằm vươn ra sông? Nguyên nhân vì sao chắc chỉ có chính quyền quận Bình Thạnh hiểu rõ nhất!

Còn nhiều công trình vi phạm lấn chiếm sông, rạch chưa được xử lý, trả lại hiện trạng mà Khu Đường thủy ghi nhận. Tuy nhiên, do thẩm quyền thuộc về chính quyền địa phương nên Khu Đường thủy chỉ trông chờ họ ra tay giải quyết.

Lỗi do… quá khứ để lại!

Theo ông Phạm Thành Phương, Phó Phòng Quản lý Đô thị quận 2, đa số dự án có vị trí tiếp giáp sông rạch trên địa bàn quận đều được giao, thuê đất và phê duyệt quy hoạch trước thời điểm Quyết định 150 của TP có hiệu lực. Khi đó, việc giao đất thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường; phê duyệt quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền của Sở Quy hoạch và Kiến trúc.

Trong các văn bản thỏa thuận, phê duyệt quy hoạch được kiến trúc sư trưởng thỏa thuận đều xác định hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch. UBND quận 2 quản lý việc sử dụng hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch của các dự án theo các cơ sở pháp lý này.

Một lãnh đạo Sở Xây dựng  TP HCM nhận định: Hiện trạng các dự án nhà ở nằm giáp sông rạch trên địa bàn quận 2 đều không bảo đảm hành lang bảo vệ bờ sông, rạch theo quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt. Trong đó, nguyên nhân chính do đa số dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 trước thời điểm có quy định về mép bờ cao để xác định hành lang bảo vệ bờ sông, rạch. Đồng thời, việc xác định, bàn giao và quản lý mốc, ranh giới của dự án ngoài thực địa thực hiện không tốt (thường để chủ đầu tư thực hiện), dẫn đến tình trạng chủ đầu tư dự án chọn mốc từ những vị trí đã được xác định, rồi tự cắm mốc, xác định ranh giới các lô đất.

Ông Phương cho biết nhiều dự án có vị trí giáp sông, rạch đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Trong đó, có cả phần đất nằm trong hành lang bảo vệ bờ sông, rạch.
 
“Nếu sử dụng ranh, mép bờ cao các tuyến sông, rạch đã được Sở GTVT công bố, sẽ có trường hợp lô đất dự án đã được cấp giấy chứng nhận nhưng nay không thể xây dựng hoặc bị hạn chế xây dựng do ảnh hưởng của phạm vi bảo vệ bờ sông” - ông Phương nói.

“Có quá nhiều lý do để công trình lấn chiếm hành lang sông, rạch tồn tại. Đấy là chưa kể hàng trăm nhà ở chiếm hành lang sông ban đầu diện tích nhỏ nhưng sau khi được chính quyền địa phương cho phép sửa chữa thì lấn chiếm nhiều hơn, biến thành nhà cấp 3-4” - ông Phan Hoàng Trí dẫn chứng.

Rõ ràng, tình trạng lấn chiếm sông, rạch diễn ra ồ ạt, diễn đi diễn lại là do địa phương xử lý không nghiêm. “Nghị định 23 không giao thẩm quyền xử phạt hành chính cho thanh tra nên thanh tra chỉ phối hợp với địa phương xử lý. Tiếc là nhiều nơi chưa xử lý nghiêm. Nhiều trường hợp chúng tôi lập biên bản vi phạm đến 2-3 lần và bàn giao cho địa phương nhưng sau đó quay lại thì tình trạng vẫn như cũ” - ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP HCM, nói.

Tác hại rất lớn

Theo TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu - ĐHQG TP HCM, hậu quả của việc lấn chiếm sông, rạch là làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên, do đó tốn rất nhiều kinh phí để đầu tư cho hệ thống thoát nước thay thế. Ngoài ra, nó còn làm gia tăng nguy cơ sạt lở do tải trọng của các công trình xây dựng trên bờ sông bị lấn chiếm; làm gia tăng cường suất lũ, khi các vùng trũng ven sông vốn có tác dụng điều tiết nước sẽ không còn nữa. Lũ hiền sẽ dần trở nên hung hãn hơn.
 
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, sẽ đến lúc các khu vực mới phát triển ven sông không còn an toàn nữa. Khi đó, một lượng tài sản lớn của xã hội sẽ trở nên tổn phí vô ích.
 
Để giải quyết hậu quả này, việc đầu tiên là TP phải ý thức đầy đủ tác hại rất lớn của việc lấn chiếm sông, rạch. Phải thấy rằng đây cũng là một dạng ăn cắp của công, gây tổn thất nghiêm trọng đối với xã hội. Chính những hành động này khiến TP phải tiêu tốn thêm hàng ngàn tỉ đồng cho công tác chống ngập.
V.Lê

Giám đốc Sở Xây dựng yêu cầu kiểm tra, xử lý

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết ngay trong ngày 15-7, ông đã chỉ đạo thanh tra sở nhanh chóng kiểm tra những địa chỉ vi phạm mà Báo Người Lao Động phản ánh. Thanh tra sở sẽ phối hợp các đội thanh tra địa bàn rà soát, kiểm tra từng hồ sơ cụ thể xem nguyên nhân vì sao công trình sai phạm mà vẫn tồn tại, công trình nào sai phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Q.Hiền
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo