Số container ngành hàng dệt may, da giày và chế biến xuất khẩu thủy sản đang chiếm hơn 40% tổng lượng container xuất nhập khẩu cả nước nhưng quá nhiều khoản phí vô lý từ các hãng tàu đang gây áp lực lớn đến hoạt động của doanh nghiệp (DN). Tại cuộc họp giữa DN với đại diện các hãng tàu biển nước ngoài, tổ chức sáng 23-8 tại TP HCM, nhiều ý kiến đề nghị Cục Hàng hải can thiệp để bảo đảm công khai, minh bạch.
Cắn răng đóng phí
Theo phản ánh của DN ở 3 ngành hàng nêu trên, ngoài cước vận chuyển, nhiều hãng tàu đã và đang thu cả chục loại phí, như: dịch vụ container, mất cân đối container, vệ sinh container… Thậm chí, vài hãng tàu còn áp dụng phí dịch vụ giao nhận (tương đương phí chứng từ - bill) khiến DN phải trả phí 2 lần. Chưa kể, hàng xuất khẩu phải chịu thêm phí truyền dữ liệu hoặc nếu lỡ viết sai khi đã phát hành bill, DN sẽ phải chịu phí… chỉnh sửa 30 USD/bộ.
Theo đại diện các DN, cứ vài tháng, hãng tàu lại thông báo tăng phí khiến họ trở tay không kịp bởi hợp đồng đã ký từ trước đó cả năm. Điều đáng nói, mức phí giữa các hãng tàu rất khác nhau (Báo Người Lao Động ngày 15-8 đã phản ánh).
Bà Trương Thúy Liên, đại diện Hiệp hội Da giày Việt Nam, dẫn chứng phí bill cứ vài tháng tăng một lần, có hãng tàu thu 600.000 đồng/bộ, có nơi thu cả triệu đồng/bộ. Mới đây, DN của bà phải đấu tranh nửa tháng trời mới đòi lại được 11,5 triệu đồng phí sửa chữa container do hãng tàu “đổ vạ”.
“Container ở nước ngoài bị hư, chủ tàu bắt DN nước ngoài đóng sàn gỗ đền bù. Đến khi công ty nhập hàng về trên container này thì tiếp tục bị hãng tàu đòi bồi thường đóng sàn gỗ không đúng quy cách. Nếu không đóng, DN sẽ không lấy được hàng. Khoản phí lớn thì còn đòi lại nhưng nhiều khoản phí nhỏ, DN đành mất oan vì quá trình đòi tốn nhiều thời gian, công sức” - bà Liên nói.
Bỏ ngay các khoản vô lý
Câu chuyện bức xúc của DN xuất nhập khẩu Việt Nam về phí của các hãng tàu đã phát sinh từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Tại cuộc họp lần này, trước những ý kiến của các DN, đại diện một số hãng tàu chỉ “ghi nhận và báo lại với công ty mẹ” hoặc giải thích không thỏa đáng khiến DN không hài lòng.
“Với các khoản phí vô lý như phí sửa chữa container, có hay không việc “bắt tay” giữa hãng tàu và công ty sửa container? Ngay như việc tăng phí thường xuyên và đồng đều của các hãng tàu, liệu có sự thỏa thuận để áp phí cho DN? Đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan chức năng kiểm soát việc thu các khoản phí của các hãng tàu” - đại diện một DN thủy sản ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất.
Hiệp hội ngành hàng dệt may, da giày và thủy sản cho rằng các hãng tàu cần cắt bỏ hoặc điều chỉnh một số phụ phí chưa phù hợp. Cụ thể: Điều chỉnh phí dịch vụ container và phí mất cân đối container; hủy phí vệ sinh container…
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng và cơ quan chức năng cần thiết lập cơ chế phối hợp trong việc thu phí của các hãng tàu để có sự thống nhất. “DN cần sự minh bạch thông tin từ phía hãng tàu, mỗi khi điều chỉnh phí, tăng phí cần thông báo trước một thời gian để DN chuẩn bị” - ông Hòe đề nghị.
Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng Phòng Vận tải Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết việc thu phí của hãng tàu đối với DN là quan hệ dân sự, nhà nước không điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu các hãng tàu thu phụ phí không thông báo, không có lý do chính đáng, cục sẽ can thiệp.
DN đòi lại phí tắc nghẽn cảng
Liên quan đến việc các hãng tàu vẫn thu phí tắc nghẽn cảng (PCS) sau khi Tân Cảng Sài Gòn đã hủy bỏ phí nâng container ở cảng Cát Lái, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP HCM, cho biết hiện còn 5 hãng tàu tiếp tục thu loại phí này. Đại diện hãng tàu Wan Hai Việt Nam cho biết sẽ ngưng thu phí PCS từ ngày 25-8. Tại cuộc họp, ông Trương Đình Hòe đặt vấn đề: “Vậy hãng tàu có nên trả lại khoản phí đã thu để công bằng cho DN?”.
Bình luận (0)