xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm rõ nhiều vụ nhận hối lộ

Bài và ảnh: THẾ KHA

HĐXX TAND TP Hà Nội quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” sau khi Dương Chí Dũng khai danh tính người mật báo việc ông sắp bị bắt l Dương Tự Trọng lãnh 18 năm tù

Chiều 8-1, phiên sơ thẩm TAND TP Hà Nội xét xử vụ án tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép đã kết thúc sau 2 ngày làm việc.

Tình tiết mới

Chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn nhận định: Việc nhân chứng Dương Chí Dũng khai đã được một quan chức cấp cao mật báo thông tin sắp bị khởi tố bị can, bắt tạm giam và khuyên “hãy tạm lánh đi” là tình tiết mới. Lời khai của Dương Chí Dũng tại tòa phù hợp với lời khai trong nhật ký về hành trình bỏ trốn của Dũng và phù hợp với diễn biến trong 2 ngày xét xử. “Đây là chuyên án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên các thông tin đều tuyệt mật nhưng đã lộ thông tin để Dương Chí Dũng có điều kiện bỏ trốn” - chủ tọa Trương Việt Toàn nói.

Dương Tự Trọng bị dẫn giải về nơi giam giữ sau phiên tòa. (Ảnh chụp qua màn hình)

Dương Tự Trọng bị dẫn giải về nơi giam giữ sau phiên tòa

Theo chủ tọa Trương Việt Toàn, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra đối với Dương Chí Dũng do Bộ Công an thực hiện. Việc tiết lộ thông tin khởi tố và Dương Chí Dũng bỏ trốn đã gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt. “Không những vậy, việc Dương Chí Dũng bỏ trốn 1 ngày trước quyết định khởi tố đã gây ra rất nhiều hoài nghi trong nhân dân về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và nhà nước. Việc bỏ trốn ra nước ngoài của Dương Chí Dũng còn gây ra nhiều tốn kém cho cơ quan điều tra trong hành trình truy bắt” - chủ tọa phiên tòa nhận định.

Đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX khởi tố vụ án về hành vi làm lộ bí mật nhà nước và giao VKSND TP Hà Nội báo cáo VKSND Tối cao để xử lý theo quy định. Thay mặt HĐXX, chủ tọa Trương Việt Toàn cho rằng căn cứ vào kết quả xét hỏi, đề nghị của đại diện VKSND TP Hà Nội, Pháp lệnh Về bảo vệ bí mật nhà nước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật và tối mật trong lực lượng công an nhân dân, đặc biệt là lời khai tại phiên tòa của bị cáo Vũ Tiến Sơn, nhân chứng Dương Chí Dũng cũng như các tài liệu liên quan khác trong vụ án, HĐXX nhận thấy có dấu hiệu của tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” theo điều 263 Bộ Luật Hình sự nên thống nhất khởi tố vụ án. “Quyết định khởi tố vụ án sẽ được gửi tới VKSND TP Hà Nội” - ông Toàn khẳng định.

Trước đó, tại phiên tòa ngày 7-1, Dương Chí Dũng cho biết chiều 17-5-2012, nhận được điện thoại của một cán bộ ở Bộ Công an thông báo cấp trên đã phê chuẩn việc khởi tố bị can và bắt tạm giam mình. Vị cán bộ này còn khuyên ông Dũng nên “lánh đi” một thời gian và “tắt điện thoại”. Sau đó, Dương Chí Dũng liên lạc với em trai là Dương Tự Trọng để bàn cách bỏ trốn.

Những lời khai chấn động của Dương Chí Dũng

Ngoài ra, HĐXX cho rằng trong quá trình xử án, nhân chứng Dương Chí Dũng đã khai khá cụ thể về việc hối lộ một quan chức cấp cao của Bộ Công an 510.000 USD để chạy án. Ông Dũng còn khai đã cùng một đối tác làm ăn ở Công ty Vạn Thịnh Phát (TP HCM) “biếu” quan chức cao cấp này 20 tỉ đồng (tương đương 1 triệu USD) trong năm 2010 để được giúp đỡ thực hiện dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn. Chưa hết, Dương Chí Dũng cho biết trong quá trình bị triệu tập đến cơ quan điều tra để làm rõ về việc mua ụ nổi, ông ta đã đưa phong bì 20.000 USD cho một cán bộ lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng (C48) Bộ Công an và 10.000 USD cho một cán bộ khác của C48 để nhờ “giúp đỡ”.

“HĐXX cho rằng đây là những tình tiết mới hết sức quan trọng nên đề nghị VKSND TP Hà Nội kiến nghị với VKSND Tối cao làm rõ hành vi nhận những khoản tiền này. Nếu có đủ bằng chứng thì xử lý nghiêm theo quy định” - chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn đề xuất.

7 bị cáo lãnh án tù

Cần phải có hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, HĐXX tuyên Dương Tự Trọng - nguyên phó cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (C64) Bộ Công an, nguyên phó giám đốc Công an TP Hải Phòng - 18 năm tù giam (tính từ ngày bị tạm giữ 22-2-2013); Vũ Tiến Sơn, nguyên phó trưởng Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hải Phòng, 13 năm tù giam (tính từ ngày 5-12-2012); Hoàng Văn Thắng, nguyên cán bộ Phòng CSĐT Tội phạm về môi trường Công an TP Hải Phòng, 5 năm tù giam (tính từ ngày 27-1-2013); Đồng Xuân Phong 7 năm tù giam (tính từ ngày 18-1-2013); Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”) 8 năm tù (tính từ ngày 4-9-2012); Nguyễn Trọng Ánh, nguyên cán bộ Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hải Phòng, 6 năm tù giam (tính từ ngày 28-1-2013) và Phạm Minh Tuấn, nguyên giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, 5 năm tù giam (tính từ ngày 20-3-2013).

 

Sẽ điều tra lời khai của Dương Chí Dũng

Cùng ngày, Trung tướng Hoàng Kông Tư - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an - đã trả lời Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an về lời khai của Dương Chí Dũng tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép có liên quan đến một số cán bộ công an.

Về việc một cán bộ cao cấp ngành công an đã tiết lộ thông tin vụ án và khuyên Dương Chí Dũng bỏ trốn, Trung tướng Hoàng Kông Tư cho biết: “Về thông tin này, trước đây trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng đã khai báo, Cơ quan An ninh điều tra đã báo cáo kịp thời cho lãnh đạo Bộ Công an. Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra báo cáo với cấp có thẩm quyền và khẩn trương điều tra, xác minh theo quy định. Kết quả điều tra, xác minh đến nay xác định không có cuộc gọi trao đổi trong các list điện thoại như Dương Chí Dũng khai báo và bản thân Dương Chí Dũng cũng đã nhiều lần thay đổi lời khai trước Cơ quan An ninh điều tra nên chưa đủ căn cứ kết luận”.

“Đối với những thông tin từ lời khai của Dương Chí Dũng trước tòa có liên quan đến một số cán bộ công an và cá nhân khác, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với viện kiểm sát, tòa án và các cơ quan chức năng tiếp tục khẩn trương điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai” - ông Hoàng Kông Tư khẳng định.                                            Thế Dũng ghi

 

Khai người mật báo có thể là tình tiết giảm nhẹ

Trong phiên tòa xét xử vụ án Dương Tự Trọng và các đồng phạm can tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, với tư cách nhân chứng, Dương Chí Dũng đã “trần tình”: “Là bị cáo trong một vụ án khác và phải chịu mức án cao nhất, tôi chẳng có gì phải giấu giếm nên sẽ khai thật”. Từ lời khai của Dương Chí Dũng tại phiên tòa này về việc một cán bộ cấp cao của Bộ Công an đã “mật báo” cho Dũng về việc sẽ bị khởi tố, bắt giam và khuyên nên bỏ trốn, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố đã đề nghị khởi tố vụ án... Đến ngày 8-1, HĐXX đã khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” theo điều 263 Bộ Luật Hình sự.

Lời khai trên của Dương Chí Dũng có được xem là tình tiết giảm nhẹ trong phiên xử phúc thẩm sắp tới đối với vụ án tham ô và cố ý làm trái mà Dũng là bị cáo?

Theo điều 46 Bộ Luật Hình sự, được xem là một trong những tình tiết giảm nhẹ khi người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm. Hành vi tích cực giúp đỡ trong trường hợp này được hiểu là người phạm tội đã cung cấp những tin tức, tài liệu, bằng chứng có ý nghĩa quan trọng cho việc phát hiện và điều tra tội phạm. Cũng được xem là có hành vi tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm trong trường hợp người phạm tội khai báo về một tội phạm khác với tội phạm mà họ đang bị điều tra, truy tố hay xét xử và tội phạm này chưa bị phát hiện.

Như vậy, lời khai của Dương Chí Dũng có thể xem là tình tiết giảm nhẹ mới của bị cáo trong phiên tòa phúc thẩm đối với vụ án tham ô và cố ý làm trái sắp tới. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào giá trị của những tin tức mà người phạm tội đã cung cấp.

Ngược lại, trong trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy lời khai của Dương Chí Dũng không có cơ sở thì hành vi khai báo này có thể sẽ bị xem xét khởi tố về tội vu khống theo quy định tại điều 122 Bộ Luật Hình sự.

Tuy nhiên, do bị cáo Dương Chí Dũng đang nhận mức án cao nhất nên xét về tổng hợp hình phạt, cho dù có nhận thêm tội vu khống thì hình phạt đối với bị cáo vẫn không thay đổi.

                               Luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn Luật sư TP HCM)

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo