Chuyện bắt đầu từ một chủ trương đúng của huyện Giá Rai là trích tiền mặt từ ngân sách của huyện để dịp Tết Nguyên đán này mỗi hộ nghèo sẽ có 400.000 đồng và mỗi hộ cận nghèo là 300.000 đồng. Thay vì chi đủ cho các hộ nghèo, cán bộ của xã này rút bớt 150.000 đồng/hộ.
Chuyện vỡ lở, UBND huyện Giá Rai đã kịp thời chỉ đạo “khắc phục hậu quả” nên các hộ dân nghèo của xã Phong Thạnh rồi sẽ được nhận đủ tiền nhưng người nhận sẽ vui không trọn, còn người “cho” cũng mang tai tiếng, lớn hơn cả là uy tín của chính quyền bị suy giảm trong dân.
Năm nào ngân sách nhà nước cũng trích một phần để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách vào dịp Tết Nguyên đán. Đó không chỉ là trách nhiệm của những người quản lý ngân sách mà còn là cách để tri ân những người đóng thuế.
Tuy nhiên, đúng như một quan chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa phát biểu trên báo chí là mỗi năm nhà nước phải trích ngân sách cả trăm tỉ đồng để hỗ trợ cho các đối tượng có công, đối tượng chính sách, cộng với hàng chục ngàn tấn gạo cứu đói mỗi dịp giáp hạt, giáp Tết đã là cố gắng rất lớn của Đảng, nhà nước. Chính vì vậy, nếu ban hành thêm một chính sách lo Tết cho người nghèo e rằng ngân sách không kham nổi.
Một chính sách lo Tết cho người nghèo đúng là khó song phải nhìn thấy một thực trạng là nhiều địa phương năm nào cũng nêu con số tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, thậm chí GDP tăng cao đến mức trở thành kỳ tích nhiệm kỳ, trụ sở hoành tráng vẫn đua nhau mọc lên, ngân sách vẫn chi đều đều cho mua sắm xe công sang trọng nhưng khi đụng tới việc hỗ trợ cho người nghèo ăn Tết thì vẫn một câu “tỉnh nghèo, ngân sách quá khó khăn”. Thậm chí kể cả khi ngân sách có và chi rồi mà người nghèo vẫn khó nhận hoặc nhận đủ như trường hợp xảy ra ở xã Phong Thạnh.
Những năm gần đây, chuyện xà xẻo, bớt xén tiền ngân sách hay gạo hỗ trợ cho dân nghèo ăn Tết xảy ra tràn lan. Thanh tra tỉnh Nghệ An từng làm rõ việc 11 xã trong tỉnh sai phạm trong chi trả tiền hỗ trợ hộ nghèo ăn Tết với số tiền trên 855 triệu đồng. Tỉnh Quảng Bình cũng từng có việc 33 xã, phường cấp sai đối tượng, sử dụng sai mục đích tiền Tết của dân với số tiền trên 1,3 tỉ đồng...
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lãnh đạo các địa phương, các ngành liên quan kiểm tra, kiểm điểm và xử lý hành vi bớt xén tiền Tết của ngân sách hỗ trợ người dân nghèo. Cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành cho đến cấp cơ sở cũng đều có các văn bản chỉ đạo việc cấp phát đúng tiền Tết cho hộ nghèo. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trong thực tế, xem ra việc kiểm tra, giám sát thực hiện chủ trương đầy nhân văn này đang có nhiều lỗ hổng.
Bình luận (0)