xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm xiếc với… ông trời

Bài và ảnh: MẠNH DUY

Cuối tháng 9, hàng loạt thửa ruộng bậc thang trên những triền đồi núi cao hơn 1.000 m ở vùng Tây Bắc như Mù Cang Chải, Y Tí, Sa Pa, Hoàng Su Phì… nhuộm vàng cả không gian, trông như các bậc thang dẫn lên trời

Ruộng bậc thang ở vùng cao phía Bắc không chỉ là danh thắng quốc gia mà còn được thế giới tôn vinh như đỉnh cao của vẻ đẹp kết tinh văn hóa và lao động.

Ngày hội mùa vàng

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái. Từ năm 2012 đến nay, lễ hội ruộng bậc thang đã trở thành hoạt động hằng năm được huyện Mù Cang Chải tổ chức để tôn vinh di sản văn hóa độc đáo cấp quốc gia này. Năm nay, lễ hội ruộng bậc thang được tổ chức từ ngày 25 đến 30-9.

“Từ đời cha ông, cụ kỵ chúng tôi, ruộng bậc thang đã mang lại nguồn sống để các thế hệ nối tiếp nhau không ngừng bồi đắp thêm những nấc ruộng mới. Từ năm 2007, khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận ruộng bậc thang Mù Cang Chải là danh thắng cấp quốc gia thì những cánh đồng của người dân trở thành một tài sản chung được gìn giữ. Không chỉ tạo ra thóc lúa, ruộng bậc thang còn là bản sắc của chúng tôi” - ông Giàng A Tông, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, tự hào.

img
Những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì có tuổi đời trên 300 năm sắp vào mùa thu hoạch
Những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì có tuổi đời trên 300 năm sắp vào mùa thu hoạch

Trong số 2.200 ha ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, 500 ha tại 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình được xếp hạng di sản. Những ngày này, đi trên cung đường qua Mù Cang Chải, ai ai cũng nao lòng bởi vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang nằm hai bên dòng Nậm Kim, men theo Quốc lộ 32. Khác với trước đây, hễ nhắc tới Mù Cang Chải, người ta lại nghĩ ngay đến cái nghèo, cái đói và những cuộc di dân tự do số lượng lớn bám riết lấy cuộc sống của bao người.

Huyện Mù Cang Chải đang muốn biến lễ hội ruộng bậc thang thành lễ hội hằng năm, diễn ra vào đúng mùa gặt để quảng bá giá trị của ruộng bậc thang bay xa hơn. “Lễ hội ruộng bậc thang thực chất là lễ hội tôn vinh những con người làm ruộng. Cư dân ở đây đã đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, để tạo nên những nấc thang hạnh phúc, ấm no cho những mảnh đất vùng cao” - ông Giàng A Tông nhìn nhận.

Trong những ngày diễn ra lễ hội ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải thì tại nhiều địa phương khác như Y Tí, Sa Pa (tỉnh Lào Cai) hay Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), người dân cũng vào ngày hội mùa vàng. Ruộng bậc thang ở những nơi này cũng được công nhận là danh thắng quốc gia. Chưa có lễ hội nhưng mùa lúa chín vàng mang lại cuộc sống no đủ, yên ấm cho những người dân vùng đất này chính là sự tôn vinh dành cho ruộng bậc thang.

Công sức ngàn đời

Ở Hoàng Su Phì, những thửa ruộng bậc thang đã có lịch sử hình thành từ 3-4 thế kỷ trước. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nằm trên địa bàn các xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận 760 ha trong tổng số hơn 3.000 ha diện tích ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì là di tích quốc gia.

Nhiều dãy núi đất trùng điệp sở hữu các thửa ruộng bậc thang uốn cong mềm mại ngả vàng vào cuối mùa thu tạo ra một cảnh sắc hết sức kỳ vĩ. Ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì được khai phá, kiến tạo và mở rộng bởi công sức ngàn đời của 14 dân tộc anh em quần cư trên địa bàn như H’Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì… Họ không ngừng bồi đắp cho ruộng bậc thang ngày một cao, đẹp hơn.

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, ông Hoàng Lý Hải, cho biết: “Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có sự khác biệt so với ruộng bậc thang ở Yên Bái hay Lào Cai do văn hóa của mỗi dân tộc bản địa không giống nhau và thói quen canh tác cũng khác nhau. Mỗi năm, ruộng bậc thang đem lại 25.000-27.000 tấn thóc. Trên 3.000 ha đậu tương và hàng ngàn hecta ngô, đậu các loại làm tăng tổng sản lượng lương thực của địa phương đạt con số 37.000-38.000 tấn. Ruộng bậc thang góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực cho hơn 60.000 người dân trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì”.

Nhiều nghiên cứu cho thấy chủ thể của những thửa ruộng bậc thang là người H’Mông vốn đã quen sống trên những đỉnh núi ở rẻo cao phía Bắc. Tuy nhiên, các dân tộc khác như Cao Lan, Dao, Khơ Mú, Mường, Nùng, Phù Lá, Sán Chay, Tày, Thái, Hà Nhì… cũng không ngừng bồi đắp để ruộng bậc thang trở thành tài sản chung của cả cộng đồng.

Người H’Mông khi khai phá đất hoang để làm ruộng bậc thang thường xác lập sở hữu. Ai có công khai khẩn một mảnh đất hoang trở thành thửa ruộng có thể trồng cấy được đặt cột đá hoặc một thân gỗ ghi tên của mình lên đó. Những tháng mùa xuân là quãng thời gian đồng bào vùng cao đi khai khẩn những quả đồi để biến đất hoang thành ruộng lúa. Tháng 4-5 là mùa đổ nước, cày ải và sau khoảng 4 tháng rưỡi, lúa mới được thu hoạch. Đồng bào vùng cao chỉ làm một vụ lúa trên ruộng bậc thang nên họ chăm chút rất kỹ lưỡng bởi cái no, cái đói suốt một năm ròng đều phụ thuộc vào một lần thu hoạch.

Sỏi đá cũng thành cơm

Ở Sa Pa, thửa ruộng 121 bậc thang của ông Lò Quẩy Vảng được coi là kỷ lục tại Việt Nam. Ông Vảng cùng gia đình là những người đã dày công bồi đắp, nâng bậc thửa ruộng này. Trải qua nhiều thế hệ, con người tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc canh tác cũng như bảo tồn và phát triển ruộng bậc thang từ các khâu lựa chọn đất, khai phá, làm bờ, lấy nước tưới tiêu…

“Việc khó nhất khi tạo ra một thửa ruộng bậc thang là làm sao có mặt phẳng cân bằng. Mỗi bậc thang ruộng dù rộng hay hẹp đều phải cân bằng thì mới giữ được nước. Sau khi có ruộng, phải tìm được nguồn nước rồi dắt về. Giữ nước ngân ngấn chân lúa ở những thửa ruộng bậc thang treo trên núi chơi vơi chẳng khác nào trò làm xiếc với ông trời. Độ chênh lệch giữa thửa trên và thửa dưới trung bình khoảng 1,5 m” - anh Giàng A Phu, một người dân ở Sa Pa, tiết lộ.

Giàng A Phu cho biết anh đã đi làm ruộng bậc thang cho nhiều bản làng ở quê hương mình. “Đây là công việc tiếp nối từ thời cha ông mình để lại. Sau này, mình cũng muốn dạy cho con cái những kinh nghiệm quý giá để ruộng bậc thang ngày càng sinh sôi” - ánh mắt Phu ngời lên niềm đam mê với công cuộc kiến tạo những bậc thang lúa trên lưng chừng trời.

Nếu có mặt ở những thửa ruộng bậc thang vào mùa thu hoạch, nhiều người sẽ thấy thích thú với cách gặt lúa bằng những công cụ thô sơ. Không máy gặt nào có thể với tới những thửa ruộng dốc và hẹp để thay cho sức người. Thu hoạch bằng chính bàn tay tạo nên thửa ruộng, đập lúa để chắt lọc những hạt vàng, người vùng cao chứng minh rằng chân lý “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” vẫn luôn đúng.

“Nhìn những thửa ruộng lúa chín vàng ươm, nhiều người nghĩ khí hậu trên này tốt nên lúa cứ thế mà xanh tươi rồi trĩu bông. Song, thực tế thì suốt từ đầu năm cho tới cuối tháng 9 là mùa thu hoạch, người dân phải bỏ rất nhiều công sức” - Giàng A Phu khẳng định.

Các gia đình ở vùng cao thường không có đủ nhân lực để tự thu hoạch toàn bộ thửa ruộng nên vào mùa gặt, họ thường đổi công. Vài gia đình thân thiết trong một bản dành ra một ngày để đi gặt, thu hoạch cho hàng xóm. Đến buổi sau, các gia đình kia lại đến giúp mình. Ngày mùa vì thế không chỉ để thu hoạch mà còn là ngày hội của cộng đồng, gắn kết những nóc nhà vùng cao.

Anh Giàng A Phu rất tâm đắc với những điều được cha ông truyền dạy: “Đổ những giọt mồ hôi trên thửa ruộng bậc thang của mình, các con, các cháu sẽ không bao giờ phải lo lắng cái đói, không phải lo du canh du cư”. Ban Dân tộc Tỉnh ủy Lào Cai cũng đã có những nghiên cứu khẳng định chính nhờ ruộng bậc thang mà từ năm 1998 đến nay, tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy đã giảm hẳn. 

Thế giới vinh danh

Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) vừa công bố 7 thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới do bạn đọc bình chọn, trong đó có tên Sa Pa của tỉnh Lào Cai. “Với cảnh quan tuyệt vời trông giống như chiếc thang leo lên bầu trời của những thửa ruộng bậc thang, Sa Pa đã trở thành một trong những điểm thu hút du khách của Việt Nam” - tạp chí này nhận xét.

 

Người dân gặt lúa trên thửa ruộng bậc thang của gia đình
Người dân gặt lúa trên thửa ruộng bậc thang của gia đình

Trang Mother Nature cũng xếp ruộng bậc thang Sa Pa trong danh sách 30 thắng cảnh đẹp nhất hành tinh, bên cạnh những địa danh nổi tiếng thế giới. Theo Mother Nature, ruộng bậc thang Sa Pa là thắng cảnh sánh vai cùng hẻm núi Antelope Canyon (Mỹ), lâu đài Neuschwanstein (Đức), Bắc cực quang (Na Uy), cánh đồng oải hương (Pháp), đền Angkor Wat (Campuchia), đường hầm tình yêu (Ukraine)...

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo