Trong khi đó, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của tỉnh Nghệ An dù đã huy động đến hơn 1.000 người, có cả thợ lặn với máy dò công binh, vẫn chưa hy vọng tìm được thi thể 5 nạn nhân bị lũ cuốn trôi ở đập tràn Khe Ang trong cơn bão số 8.
Cùng tình cảnh, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Đắk Lắk với nhiều canô chạy dọc sông Ea H’leo trong dòng nước sôi réo vẫn chưa tìm được 2 nạn nhân trong số 12 người ở xã Cư K’bang, huyện Ea Súp bị nước từ hồ thủy lợi Ea Đrăng đổ về cuốn trôi.
Cơn bão số 8 đi qua nhanh đến ngỡ ngàng nhưng kéo theo sau nó là những hậu quả rất lớn khiến hàng loạt địa phương rơi vào tình trạng không có người chết thì cũng mất tích vì lũ. Nhưng điều nuối tiếc nhất chính là những vụ chết người và mất tích đều xuất phát từ việc người dân thiếu thông tin cần thiết hoặc bất chấp cảnh báo.
Ở vụ xảy ra tại xã Cư K’bang, 12 người gặp nạn đều thuộc 4 gia đình họ hàng và ở lâu ngày trong rẫy nên không nắm được thông tin mưa bão. Truyền hình, máy phát thanh hay các phương tiện truyền thông không đến được với họ hay chính quyền địa phương đã quên người dân trong phạm vi quản lý của mình? Đoạn đường đi qua đập tràn Khe Ang ở tỉnh Nghệ An rất nguy hiểm khi nước tràn ở mức cao nhưng tài xế Trương Văn Thái vẫn bất chấp cảnh báo của chính quyền, điều khiển xe qua dòng nước lũ hung hãn.
Nếu những người dân của xã Cư K’bang có thông tin bão lụt hay tài xế của chiếc xe qua đập tràn Khe Ang không bất chấp cảnh báo thì hậu quả đã không quá đau lòng như thế. Hẵn nhiều người không quên chuyến xe khách cùng 37 người đã trôi trên sông Lam trong cơn lũ xảy ra vào tháng 10-2010. Ở vụ này, tài xế cũng bất chấp cảnh báo của lực lượng chức năng, hậu quả là 20 hành khách thiệt mạng.
Điều này cho thấy trước các cơn bão lũ, dù Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã kịp thời yêu cầu các địa phương và ban, ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp phòng chống, đối phó nhưng những gì liên quan đến sinh mệnh người dân, đôi khi đơn giản chỉ là thông tin cảnh báo, cũng không hẳn đã phủ sóng toàn diện hoặc được chấp hành nghiêm túc.
Rõ ràng trách nhiệm triển khai phòng chống lụt bão ở nhiều cơ sở đang có những lỗ hổng. Đối phó với thiên tai mà chỉ triển khai loanh quanh trong phòng máy lạnh thì chắc chắn sẽ mãi có chuyện quên ở đâu đó còn người dân đang cặm cụi với việc mưu sinh không biết đến những hiểm nguy rình rập, dù việc mưu sinh của họ có lúc liên quan đến cả bảo vệ chủ quyền quốc gia; sẽ vẫn mãi còn đó những vụ đau lòng như vừa xảy ra ở đập tràn Khe Ang...
Thiên tai dẫu biết rằng luôn khó lường, khó cản nhưng thực tế cho thấy chúng ta vẫn giảm thiểu được hậu quả nếu biết chủ động đối phó. Đừng để xảy ra đại họa rồi mới biết lễ độ với thiên tai!
Bình luận (0)