Đấy cũng là những nơi để con người tỏ bày lòng thành kính với tổ tiên, thần, Phật; thể hiện nét văn hóa tâm linh cao đẹp của người Việt đã tồn tại qua hàng ngàn năm nay.
Khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất nâng cao thì đời sống văn hóa lại có dấu hiệu đi xuống, thể hiện qua cách hành xử tiêu cực của một bộ phận không nhỏ người dân tại các lễ hội. Từ “chặt chém” ở lễ hội chùa Hương, giành giật lộc thánh tại hội Gióng, rải tiền và vàng ở lễ đền ông Hoàng Mười đến nhét đô-la vào miệng Phật tại chùa Bái Đính, thậm chí có người chở cả xe tải vàng mã đến chùa với cơ man ô tô, nhà lầu, vàng thỏi... để đốt cúng với hy vọng cho gì sẽ được nhận nấy..., tất tần tật hành vi xấu đã bộc lộ.
Chính quyền nhiều nơi cũng chủ trương lấy lễ hội tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương mình! Tệ trạng ấy phản ánh nhân tâm của xã hội, của người đời. Ở chốn linh thiêng mà như thế thì ngoài đời sao khỏi xảy ra nạn cướp giật, hôi của, hối lộ... với trăm chiêu ngàn kế!
Có đến 500.000 cánh ấn được phát ra tại lễ hội khai ấn Đền Trần (tỉnh Nam Định). Cảnh xe công rồng rắn đến chốn này vẫn tái diễn, bất chấp chỉ thị cấm của Thủ tướng Chính phủ cách đây vài tuần. Xin ấn là tập tục lâu đời, để biểu thị lòng tri ân, kính phục đối với các vua Trần, với tiên tổ; đồng thời cầu mong an lành, may mắn cho bản thân. Khó ai biết được trong dòng quan chức cưỡi xe công nườm nượp đến lễ và xin ấn ấy có bao nhiêu người ngoài cầu may cho mình còn biết cầu cho đất nước hưng thịnh, dân chúng ấm no (?!). Mà dân chúng có khi cũng chẳng cần quan chức nguyện ước thay cho mình. Họ chỉ mong những “công bộc của dân” hãy tử tế, đừng tham nhũng, ăn hối lộ và làm tròn phận sự, hết mình vì xã tắc.
Một khi bị biến tướng, trở thành nơi mặc cả về lợi ích vật chất thì lễ hội không còn mấy ý nghĩa. Qua lăng kính đó, mức độ chân thành của người đời được phơi bày, mảng xám trong bức tranh xã hội hiện lên nhức nhối. Điều gì đã làm cho những tập tục văn hóa lâu đời ấy bị phai nhạt, hoen ố? Ấy là bởi lòng tham của con người với bao toan tính sặc mùi kim tiền; ấy là bởi tâm lý bầy đàn và sự lung lay của rường cột chân-thiện-mỹ trước cái xấu vốn đang có xu hướng lấn át, trỗi dậy.
Có đến 8.000 lễ hội lớn, nhỏ diễn ra quanh năm trên đất nước ta. Để lễ hội được trở về với bản chất tốt đẹp vốn có của nó, trước hết bất cứ ai đến với lễ hội hãy là một con người có văn hóa!
Bình luận (0)