xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lên núi mót vàng

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Không đất sản xuất, không có việc làm nên hàng trăm người dân lên núi lượm lặt những gì mỏ vàng Bồng Miêu bỏ lại

Những ngày cuối tháng 5-2017, mặc cho cái nắng như thiêu đốt, tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), cảnh tượng hàng trăm người đào đất mót vàng chẳng khác một đại công trường. Dưới hàng chục tấm bạt được dựng tạm, những người đàn ông và cả phụ nữ lầm lũi khoét vào lòng núi, đào bới các khu đất để tìm vận may.

"Vàng tặc" bất đắc dĩ

Họ bị gọi là "vàng tặc" dù chỉ mót những gì còn sót lại sau khi Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (gọi tắt là Công ty Bồng Miêu) rời đi để lại "di sản" là số tiền nợ thuế hơn 100 tỉ đồng, môi trường ô nhiễm và một vùng đồi núi rộng lớn bị cày xới nham nhở.

Lên núi mót vàng - Ảnh 1.

Nhiều người dân lên mỏ vàng Bồng Miêu mót vàng

Dưới một tấm bạt nhỏ nằm chênh vênh trên triền núi, ông Trần Văn L. (ngụ thôn 10, xã Tam Lãnh) vung cao chiếc búa đập những khối đá lớn. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Thủy Ch. thì nhặt nhạnh, phân loại từng viên đá nhỏ có chứa quặng vàng. Ông L. cho biết mấy tháng nay, vợ chồng ông và nhiều người dân ở địa phương thường xuyên lên đây để mót vàng, khi có lực lượng truy quét thì bỏ chạy.

"Mỗi ngày, vợ chồng tôi làm được 2 bao quặng, gặp may thì kiếm được vài trăm ngàn đồng nhưng có ngày về tay không. Vợ chồng tôi già rồi, sung sướng chi mà làm nghề ni nhưng vì không có việc làm, đất đai cũng không có mà cần tiền lo cho 2 đứa con đi học nên phải cố gắng. Đất lấy hết để cấp cho Công ty Bồng Miêu nên đâu còn cái ăn, phải đi mót của họ" - ông L. than thở.

Không chỉ người dân địa phương, từ khi Công ty Bồng Miêu ngừng hoạt động, nhiều "ông chủ" đã đầu tư máy móc, thuê hàng trăm lao động ở các nơi khác đến bám mỏ vàng. Tin rằng nơi đây vẫn còn nhiều vàng, các chủ hầm hối thúc nhân công tỏa ra khắp hướng, chui vào đường hầm để săn tìm. Thế nên, những địa danh xa nhất của mỏ vàng Bồng Miêu như Đồi Sim, Thác Trắng, Suối Tre, Núi Kẽm… lúc nào cũng ầm ào tiếng máy móc. Những chủ hầm lò chia các nhóm lao động ra thành nhiều ca làm việc, nhóm này nghỉ thì nhóm khác vào thay thế. Cứ như vậy, việc tìm vàng diễn ra cả ngày lẫn đêm.

Theo một số phu vàng, thời gian làm thuê cho các chủ bãi bắt đầu từ 5 giờ, kết thúc khoảng 17 mỗi ngày. Họ phải tìm đá có quặng vàng ở dưới hố sâu hoặc trên vực núi cao rồi bỏ vào bao tải, đem ra lán trại cho vào máy xay nhỏ, dùng hóa chất cyanua để lấy vàng. Các chủ bãi vàng trả tiền công cho họ mỗi ngày từ 150.000-200.000 đồng.

"Chủ lo ăn uống nên mỗi tháng tôi cũng có hơn 4 triệu đồng gửi về nhà cho con ăn học. Chừ phải bám ở đây mà sống chứ biết sao" - ông Lê Văn Ph. (ngụ thôn Long Sơn, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh) bộc bạch.

24 người đã thiệt mạng

Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, bày tỏ lo ngại việc người dân đổ xô khai thác vàng trái phép không chỉ để lại nhiều hệ lụy cho môi trường mà còn hết sức nguy hiểm đến tính mạng của chính họ. Theo thống kê, từ năm 2005 đến nay, đã có 24 người chết và 5 người bị thương ở mỏ vàng Bồng Miêu. Mới đây nhất, ngày 4-4, vợ chồng ông Nguyễn Đức Trọng (60 tuổi) và bà Phạm Thị Dưỡng (59 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Trị) vào làm phu vàng trái phép tại một hầm vàng ở Đồi Sim (xã Tam Lãnh) thì bị sập hầm khiến ông Trọng tử vong.

Theo ông Vinh, chính quyền địa phương đã tổ chức rất nhiều đợt truy quét nhưng chẳng thể đẩy đuổi và ngăn chặn được nạn đào vàng trái phép. Ông Vinh còn nêu khó khăn là lực lượng truy quét không thể vào hầm lò đẩy đuổi vì quá nguy hiểm.

Theo báo cáo mới đây của Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Ninh, từ năm 2013 đến nay, khi Công ty Bồng Miêu nợ thuế và ngừng hoạt động hẳn, tình hình ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu hết sức phức tạp. Công ty không quản lý được diện tích đã cấp phép để hàng trăm người vào khai thác trái phép, dùng hóa chất đầu độc môi trường. Các đối tượng làm vàng trái phép tranh giành địa bàn, thậm chí chém giết lẫn nhau, kèm theo đó là các tệ nạn cướp giật, ma túy, lôi kéo thanh niên địa phương vào con đường nghiện ngập. Chỉ riêng xã Tam Lãnh, trong năm qua đã có trên 150 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác vàng trái phép bị xử lý.

Cũng theo báo cáo, Công ty Bồng Miêu không chỉ nợ thuế hơn 100 tỉ đồng mà còn không phục hồi môi trường, không hoàn thổ diện tích đã khai thác như cam kết… Những hệ lụy về môi trường, an ninh, trật tự xã hội mà Công ty Bồng Miêu để lại là rất lớn, gây bất bình với người dân địa phương. 

Đề nghị đóng cửa vĩnh viễn

Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Ninh đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo đóng cửa mỏ, chấm dứt vĩnh viễn hoạt động của Công ty Bồng Miêu, lập thủ tục tuyên bố phá sản theo quy định; đồng thời có ý kiến với các bộ, ngành chọn nhà đầu tư có năng lực tham gia đấu thầu quản lý, khai thác hiệu quả, tránh thất thoát tài nguyên và bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Bên cạnh đó, yêu cầu Công ty Bồng Miêu khẩn trương hoàn thổ diện tích đã khai thác, phục hồi môi trường, trả nợ thuế.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo