xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Lợi ích nhóm” thao túng khai thác cát

NGUYỄN QUYẾT

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa kiến nghị với Chính phủ về tình trạng “cát tặc” xảy ra công khai trong thời gian dài mà không bị xử lý chính là biểu hiện, là địa chỉ của “lợi ích nhóm”

Việc lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ vì bị đe dọa khi cho tạm dừng dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu đã hé lộ “mảng tối” của việc khai thác cát tại nhiều địa phương hiện nay.

Khai thác cát “núp bóng” dự án

Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, quá trình triển khai dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm đã bị lợi dụng để khai thác cát trái phép, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm được Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) cấp phép cho các công ty. Việc này thực hiện theo hình thức xã hội hóa - nghĩa là nhà nước không mất kinh phí để nạo vét mà doanh nghiệp (DN) bỏ chi phí ra, sau đó thu hồi vốn bằng sản phẩm thu được trong quá trình nạo vét. Đáng chú ý, trong suốt thời gian dài, việc lựa chọn DN tham gia dự án này không thông qua đấu thầu công khai. Chính việc chỉ định các DN được cấp phép này khiến dư luận nghi ngờ có nhiều tiêu cực, “lợi ích nhóm”.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ, thừa nhận thậm chí Công ty CP Trục vớt luồng hạ lưu - đơn vị thực hiện dự án tại sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh) - còn chưa từng thực hiện dự án nào tương tự của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng như của Cục ĐTNĐ. Về nguyên tắc, cơ quan nào cấp phép thì phải giám sát được hoạt động của DN nhưng Cục ĐTNĐ không đủ nhân lực nên giao một DN tư nhân giám sát việc nạo vét cũng như tận thu sản phẩm.

Chính vì vậy mà một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh đặt câu hỏi: Sông Cầu không bị cạn thì nạo vét để làm gì? Câu trả lời là qua khảo sát ở sông Cầu cho thấy dưới lớp bùn ở đáy sông dày khoảng 3-5 m có chứa cát vàng với trữ lượng lớn, trên thị trường đang có giá khoảng trên 100.000 đồng/m3.

Ngoài các dự án sử dụng một phần kinh phí nhà nước, theo thống kê của Cục ĐTNĐ Việt Nam, toàn quốc hiện có 15 dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy quốc gia đang triển khai. Thời gian vừa qua có nhiều dự án bị thu hồi do nhà đầu tư không chứng minh được năng lực hoàn thành các dự án. Một số dự án khác bị tạm dừng thi công theo yêu cầu của Bộ GTVT, chính quyền địa phương.


Một điểm khai thác cát trái phép trên sông Lam, tỉnh Nghệ An - Ảnh: ĐỨC NGỌC

Một điểm khai thác cát trái phép trên sông Lam, tỉnh Nghệ An - Ảnh: ĐỨC NGỌC

Chỉ tận thu sản phẩm

Theo tìm hiểu, cuối năm 2016, Bộ GTVT đã có kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định trong công tác bảo trì, nạo vét ĐTNĐ tại Cục ĐTNĐ và một số đơn vị liên quan. Tại đây đã phát hiện hàng loạt sai sót liên quan đến việc xây dựng quy trình bảo trì công trình ĐTNĐ.

Kết luận của đoàn thanh tra chỉ rõ dưới tác động của kinh tế thị trường, các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến việc nạo vét ở những vị trí có cát, sỏi để tận thu. Đa số các phương tiện, thiết bị thi công do công ty thuê không lắp đặt hệ thống giám sát nạo vét; nhiều phương tiện còn không có cả đăng ký, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn.

Liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án, đoàn thanh tra phát hiện việc áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu, gói thầu tư vấn giám sát và gói thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu chưa phù hợp với thực tế. Cục ĐTNĐ có một số sai phạm, như có văn bản gửi các DN yêu cầu chấm dứt 4 hợp đồng dự án, thu hồi 11 dự án nạo vét tận thu chưa có hợp đồng nhưng lại không có các tài liệu thể hiện nhà đầu tư đã chấm dứt hợp đồng dự án, đưa phương tiện, trang thiết bị ra khỏi khu vực công trường; không thực hiện nghiệm thu, bàn giao kết quả thực hiện dự án…

Thanh tra Bộ GTVT phát hiện hàng loạt sai phạm xung quanh việc đăng ký, khảo sát lập hồ sơ đề xuất ký hợp đồng của 10 công ty thực hiện các dự án với Cục ĐTNĐ. Nhiều công ty thực hiện dự án còn không có đề cương khảo sát địa chất, địa hình hoặc không thực hiện công tác khảo sát địa chất; áp dụng tiêu chuẩn công tác trắc địa trong xây dựng công trình đã không được sử dụng; thiếu các số liệu đo khảo sát hiện trường; không có quan trắc dọc địa chất khu vực dự án.

Chính từ việc quản lý thiếu chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng hợp đồng ký một đằng thực hiện một nẻo. Nơi cần nạo vét thì không làm, lại thực hiện ở đoạn không cần nạo vét.

Công khai vi phạm

Nạn “cát tặc” được nhiều cơ quan, tổ chức lên tiếng mạnh mẽ song kết quả rất hạn chế. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi báo cáo tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa qua cũng nêu rõ nạn khai thác cát không phép, trái pháp luật tiếp tục lộng hành, gây tác động xấu đến môi trường, sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông...

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ và 3 lần báo cáo trước Quốc hội về tình trạng trên. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương, thế nhưng, các vi phạm pháp luật của lực lượng khai thác cát không phép, trái pháp luật vẫn tiếp tục một cách công khai.

Làm rõ ai đang chống lưng “cát tặc”

* Đình chỉ 2 “sếp” thanh tra

Ngày 18-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Đồng Nai về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng tình trạng khai thác cát trái phép trên hệ thống sông Đồng Nai là một trong những vấn đề nóng hiện nay, cần có sự vào cuộc tăng cường kiểm soát chặt chẽ, mạnh mẽ của tất cả các lực lượng, cơ quan liên quan.

Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Phải làm rõ có thành phần nào đứng sau lưng “cát tặc”? Trong công tác nạo vét tại sao lại để diễn ra tràn lan, không kiểm soát được khiến xảy ra lộn xộn, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái? Do đó, công an và các lực lượng quản lý, bảo vệ môi trường không thể chần chừ, để tình trạng buông lỏng hơn nữa.

* Trong khi đó, liên quan đến các vụ khai thác cát ở tỉnh Bắc Ninh, ông Trần Văn Thọ xác nhận với Báo Người Lao Động thông tin Chi cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) phía Bắc đã tạm đình chỉ công tác với đội trưởng, đội phó và một thanh tra viên thuộc Đội Thanh tra an toàn số 2. Các cán bộ này chịu trách nhiệm quản lý tuyến sông xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép ở tỉnh Bắc Ninh.

Mục đích tạm đình chỉ công tác là để làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể, hội đồng kỷ luật của đơn vị sẽ họp bàn vào đầu tuần tới.

Ông Đỗ Văn Đương, Phó trưởng Ban dân nguyện - Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật, bộ ngành liên quan rà soát lại tất cả các dự án khai thác cát theo hình thức xã hội hóa. Qua đó, làm rõ những kẽ hở để kịp thời điều chỉnh ngăn chặn việc “núp bóng” để trục lợi, vơ vét tài nguyên quốc gia. Đặc biệt, qua kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm nghiêm trọng thì cần phải khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đồng thời truy trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cấp phép thực hiện dự án.

X.Hoàng - N.Quyết

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo