Ngày 16-11, miền Trung liên tục mưa to cùng với các thủy điện xả lũ khiến các tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định ngập nặng.
Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-300 mm. Đặc biệt, lũ trên các sông ở miền Trung đã vượt mốc lịch sử nhiều năm trước. So với đỉnh lũ lịch sử năm 1999, mực nước đo được tại trạm Trà Khúc trên sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi) là 8,76 m (cao hơn 0,4 m).
Đà Nẵng: Nhiều nơi bị cô lập
Chính quyền địa phương đã triển khai phương án sơ tán dân theo phương châm “4 tại chỗ”, sơ tán trong khoảng cách ngắn nhất, sơ tán từ nhà thấp sang nhà cao trong thôn, xóm… Đến tối cùng ngày, huyện Hòa Vang đã sơ tán trên 1.800 hộ dân với hơn 4.800 khẩu đến nơi an toàn, hệ thống điện tại các khu vực ngập lụt đã bị cắt hoàn toàn.
Quảng Nam: Ngập sâu, sạt lở nặng
Trước đó, tại huyện Nông Sơn, bà Ngô Thị Chí (68 tuổi, ngụ thôn Dùi Chiêng 1, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn) khi chăn trâu trở về bị sụp xuống cống, đuối nước và tử vong. Tại huyện Nam Trà My, anh Nguyễn Thành Dũng (29 tuổi, ngụ thôn 5, xã Trà Cang) trên đường đi làm rẫy về bị nước cuốn trôi, tử vong. Tại TP Tam Kỳ, ông Dương Ngữ (58 tuổi, ngụ khối phố Ngọc Nam, phường An Phú) cũng bị nước lũ cuốn trôi, tử vong. Tại huyện Đại Lộc còn có 6 người khác bị thương.
Đến chiều 16-11, nhiều vùng ở tỉnh Quảng Nam vẫn đang mưa lớn. Mặc dù lũ đã rút dần nhưng hầu hết các huyện vẫn còn chìm trong biển nước. Phố cổ Hội An bị ngập sâu từ 1,5 đến 2 m. Nhiều ngôi nhà bị nước ngập gần hết mái. Huyện Điện Bàn có hơn 8.000 nhà dân và nhiều cơ quan, công sở, trường học bị ngập từ 0,4 đến 1,2 m.
Tại huyện Quế Sơn, hàng loạt nhà dân ở xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Quế Xuân 2 ngập từ 0,5 đến gần 1 m; hầu hết các tuyến đường liên xã, liên thôn, liên xóm đều bị cô lập, người dân phải đi lại bằng ghe nhỏ. Tại huyện Đại Lộc, có khoảng 34.000 nhà dân bị ngập trên 3 m. Tuyến Tỉnh lộ 14 dẫn vào thị trấn Ái Nghĩa trên địa bàn xã Đại Hiệp ngập sâu hơn 1 m.
Các huyện miền núi có rất nhiều điểm bị sạt lở, chia cắt. Các tuyến đường nối liền 2 huyện Nam và Bắc Trà My bị chia cắt, cô lập hoàn toàn với tỉnh lỵ Tam Kỳ. Tại huyện Nam Trà My có hơn 100 điểm sạt lở trên các trục giao thông. Trong đó, hơn 20 điểm sạt lở với khối lượng lớn.
Trên tuyến ĐT616 từ huyện Tiên Phước lên huyện Bắc Trà My, có hơn 10 điểm sạt lở nặng.
Quảng Ngãi thiệt hại nặng
Lũ nhấn chìm 41 xã thuộc 7 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi; hàng chục ngàn căn nhà ở các huyện đồng bằng chìm trong biển nước.
Có 11 tàu của xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa bị đứt dây neo tại cửa sông Phú Thọ, trôi ra biển. Lúc 8 giờ ngày 16-11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều động 2 tàu cứu được 5 tàu, 6 lao động; 3 tàu bị chìm và hiện vẫn còn 3 tàu trôi trên biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đề nghị chính quyền địa phương huy động phương tiện ra cứu hộ 3 tàu nêu trên.
Một số điểm trên Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ngập sâu làm ách tắc. Hàng ngàn ô tô nối nhau đậu từ xã Đức Phong, huyện Mộ Đức đến trung tâm huyện Đức Phổ, hơn 10 km. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn các huyện miền núi (Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Minh Long) bị ách tắc do sạt lở làm nhiều vùng bị chia cắt, cô lập. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, viễn thông tại các huyện Nghĩa Hành, Sơn Tây, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh cũng hư hỏng nặng.
Bình Định: Trở tay không kịp vì xả lũ
Theo nguồn tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Bình Định, đến cuối chiều 16-11, tỉnh này đã có 12 người chết, 2 người mất tích và 1 người bị thương do lũ trong 2 ngày 15 và 16-11. Trong đó có em Đỗ Thị Lộc (SN 1998, học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, thị xã An Nhơn) trên đường đi học về, khi qua cầu Gò Duối bị lũ cuốn trôi.
Bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ thị xã An Nhơn) kể: “Lúc đó, khoảng 2 giờ, tôi nghe hàng xóm í ới, bước chân xuống thấy ngập đến đầu gối. Tôi vội gọi con dậy chạy. Từ nhỏ tới giờ chưa bao giờ nhà tôi bị nước ngập”. Chiều và tối 15-11, hồ Định Bình đã xả lũ với lưu lượng 2.600 m3/giây, các hồ thủy lợi nhỏ như Hội Sơn, Thuận Ninh cũng xả lũ, cộng với mưa lớn được xem là nguyên nhân dẫn đến trận lũ này.
Lúc 6 giờ ngày 16-11, có 15 hồ thủy điện xả tràn. Các tỉnh gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã sơ tán, di dời 5.474 hộ/17.678 khẩu của 18 huyện, thị. |
Xả lũ ban đêm nhưng không báo cho dân
Nhiều người dân ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định khẳng định họ không được báo trước việc xả lũ. “Xả lũ ban đêm mà không báo cho dân biết. Như thế thì làm sao mà di dời” - ông Trần Văn Tuấn, một người dân, bức xúc. Riêng thị xã An Nhơn có 3 người chết và 2 người mất tích. Sáng 16-11, mặc dù nước lũ không còn lên nhưng nhiều người dân ở thị xã này vẫn gồng gánh chạy lũ. “80% số hộ ở các xã Nhơn Hòa, Nhơn Khánh, Nhơn Phúc vẫn còn cô lập. Chúng tôi phải sử dụng canô cứu trợ mì gói và nước uống để dân chống chọi với lũ” - ông Ngô Đông Hải cho biết. |
Bình luận (0)