Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong vài ngày tới, nước lũ từ thượng nguồn kết hợp với triều cường sẽ làm cho mực nước sông Mê Kông lên nhanh và xấp xỉ mức báo động 3. Đến thời điểm này, nhiều nơi ở ĐBSCL đã xảy ra sạt lở bờ sông, các đê bao sản xuất lúa vụ 3 cũng đang bị đe dọa.
An Giang: Hàng trăm hộ cần di dời khẩn cấp
Theo ước tính của các ngành chức năng, An Giang có khoảng 3.200 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở và hàng trăm hộ cần di dời khẩn cấp. Trước diễn biến sạt lở còn phức tạp, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các ngành, địa phương lập và phê duyệt nhiều dự án bố trí tái định cư cho những hộ dân trong khu vực cần di dời. Trong đó, ưu tiên cho 2 dự án khẩn cấp thuộc huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu. Tuy nhiên, đến nay, 2 dự án này vẫn chưa được triển khai vì thiếu vốn đầu tư.
Trong khi đó, mới đây, một đoạn đê dài khoảng 50 m của xã Phước Hưng (huyện An Phú) bị nước lũ làm xoáy lở mặt ngoài, đe dọa hơn 100 ha lúa vụ 3 bên trong. Ông Đỗ Vũ Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết sau khi địa phương cho xả lũ tại 2 đập đầu nguồn là Tha La và Trà Sư, mực nước vùng Tứ giác Long Xuyên dâng cao và đe dọa một số tuyến đê bao bảo vệ lúa vụ 3 của tỉnh.
Tiểu vùng thuộc các xã của huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đang có nguy cơ bị ngập úng trên diện rộng. Mới đây, ngành chức năng phải tạm thời đóng 2 đập tràn Tha La và Trà Sư để các địa phương phía dưới gia cố lại đê bao, cống, bọng rồi mới cho xả lũ lại vào tuần tới.
Đồng Tháp: Lúng túng tái định cư
Tại tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở bờ sông khá nguy hiểm, nhất là ở các xã ven sông Tiền, huyện Hồng Ngự. Bà Nguyễn Kim Huệ (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự) cho biết khoảng 10 ngày qua, tình trạng sạt lở bờ sông ở khu vực này xảy ra khá nhiều. Hàng chục hộ dân ở đây đang phập phồng lo sợ vì nhà cửa có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào. Thế nhưng, do chưa tìm được chỗ tái định cư, mới chỉ có 7 hộ ở đây di dời khỏi khu vực nguy hiểm.
“Do thuộc diện phải di dời, tôi đã đăng ký vào khu tái định cư từ năm trước nhưng không hiểu sao đến giờ vẫn chưa được bố trí nền nhà. Không biết sắp tới, gia đình tôi sẽ sống ở đâu?” - bà Huệ lo lắng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, cho biết địa phương vừa hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi hộ vùng sạt lở để tự tìm chỗ ở tạm. Trước mắt, các ngành chức năng tập trung bảo vệ lúa, hoa màu của nông dân. Huyện đang gia cố lại tuyến đê bao dài 4.500 m để bảo vệ hơn 2.600 ha lúa vụ 3 của 2 xã Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền.
Lũ lên đỉnh cao nhất năm Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đang lên. Mực nước cao nhất ngày 5-10 trên sông Tiền tại Tân Châu: 4,32 m, dưới báo động (BĐ) 3: 0,18 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,75 m, trên BĐ2: 0,25 m. Mực nước cao nhất sáng 6-10 trên sông Tiền tại Mỹ Thuận: 1,8 m (ở mức BĐ3); trên sông Hậu tại Long Xuyên: 2,56 m (trên BĐ3: 0,06 m), tại Cần Thơ: 1,95 m (trên BĐ3: 0,05 m); trên kênh Vĩnh Tế tại Xuân Tô: 3,8 m (dưới BĐ3: 0,2 m); trên sông Cửa Đại tại Cao Lãnh: 2,32 m (trên BĐ3: 0,02 m); trên sông Cái Lớn tại Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang): 1,43 m (trên BĐ3: 0,13 m). Dự báo, trong 1-2 ngày tới, mực nước vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên sẽ đạt đỉnh cao nhất năm, sau đó xuống chậm. Đỉnh lũ tại Châu Đốc ở mức 3,8 m (dưới BĐ 3: 0,2 m), tại các trạm chính vùng nội đồng đạt mức BĐ3 và trên BĐ3 0,1-0,3 m.
B.M.T |
Bình luận (0)