Sáng 22-3 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã phát động phong trào tuổi trẻ ngành y học tập và làm theo lời Bác, đi đầu thực hiện quy tắc ứng xử và tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị thanh niên ngành y phải đi đầu trong việc thực hiện các quy tắc ứng xử. Cùng với đó, các cơ sở y tế cần tiếp tục cải thiện “bộ mặt” khoa khám bệnh, bố trí đội ngũ đón tiếp bệnh nhân là những thầy thuốc trẻ có thái độ niềm nở, thân thiện. “Với ngành y, do tính chất đặc thù của công việc liên quan đến tính mạng con người, việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp càng phải được thực hiện thường xuyên” - bộ trưởng nhấn mạnh.
Xốc lại quy tắc ứng xử
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 07 quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành một thông tư quy định rõ về những điều cán bộ, nhân viên y tế được và không được làm. Theo đó, phải niềm nở đón tiếp bệnh nhân, tận tình hướng dẫn thủ tục cần thiết; tôn trọng bệnh nhân khi khám bệnh; khám bệnh, chỉ định xét nghiệm, kê đơn phù hợp với tình trạng bệnh và khả năng chi trả của bệnh nhân; hướng dẫn, dặn dò bệnh nhân về sử dụng thuốc, chế độ chăm sóc...
Thông tư 07 nêu rõ công chức, viên chức trong các cơ sở y tế không được lạm dụng nghề nghiệp để thu lợi trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; không được gây khó khăn, thờ ơ với bệnh nhân và người đại diện hợp pháp của họ; tuyệt đối không được có hành động không tuân thủ quy chế chuyên môn khi thi hành nhiệm vụ. Những nội dung về xử lý vi phạm cũng được quy định rõ với các hình thức kỷ luật từ phê bình, cắt thưởng, không xếp loại thi đua đến điều chuyển công tác…
Đến nay, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản về y đức và ứng xử của đội ngũ thầy thuốc. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, xét về tính pháp quy, những văn bản này chưa đủ chế tài, xử lý. Vì thế, Thông tư 07 sẽ có các chế tài để xử lý nghiêm minh các trường hợp cá biệt, ảnh hưởng đến uy tín của thầy thuốc và nâng cao hơn chất lượng khám chữa bệnh (KCB).
PGS-TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) K, cho biết lâu nay, các cơ sở y tế chỉ quan tâm đến công tác KCB, điều trị mà chưa chú trọng đến nâng cao y đức, cải thiện thái độ ứng xử của nhân viên để đáp ứng nhu cầu và lòng mong mỏi của người dân. Vì vậy, Thông tư 07 sẽ thúc đẩy các cơ sở y tế quan tâm đúng mức tới công tác ứng xử, y đức trong KCB.
Năm 2013, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề xuất lập đường dây nóng ở cấp bộ. Bộ trưởng cũng chỉ thị các sở y tế địa phương, BV thiết lập đường dây nóng, kèm cả số điện thoại của giám đốc để người dân phản ánh bức xúc trong việc KCB. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đường dây nóng là giải pháp được thực hiện rất thức thời, quyết liệt với mục đích “hạ hỏa ngay bức xúc của người dân” khi KCB. Đây cũng là một trong những biện pháp để Bộ Y tế chấn chỉnh y đức.
Sau 2 tháng thực hiện, Bộ Y tế đánh giá đường dây nóng “rất hiệu quả” với nhiều cuộc gọi “nóng” thật. “Có đến 40% cuộc gọi phàn nàn về thái độ không hướng dẫn tỉ mỉ hoặc cáu gắt của đội ngũ y - bác sĩ (BS). Sự trân trọng của người dân với thầy thuốc đang bị xói mòn. Điều này đôi khi làm cho xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm và hoài nghi về đạo đức nghề nghiệp, tay nghề chuyên môn của đội ngũ y - BS; làm tổn hại đến danh dự của hầu hết những thầy thuốc chân chính. Vì thế, bộ sẽ tập trung giải quyết vấn đề đạo đức” - bà Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
Cho rằng các cơ sở y tế đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng KCB nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận trên thực tế, vẫn còn một số cơ sở chưa thực sự quan tâm tới đạo đức nghề nghiệp, còn để xảy ra tình trạng viên chức thờ ơ, cáu gắt, thực hiện không đúng quy trình chuyên môn, có thái độ, hành vi gây phiền hà cho bệnh nhân, gây bức xúc trong nhân dân.
Chỉ ra nguyên nhân của sự xói mòn đạo đức nghề nghiệp, vi phạm quy tắc ứng xử, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng điều này đến từ nhiều phía: Các văn bản quy định về công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp còn chung chung, chưa đưa ra những chế tài xử lý vi phạm theo quy định và phù hợp với thực tiễn. Lãnh đạo một số cơ sở KCB chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Một bộ phận nhân viên y tế chỉ tập trung đến vấn đề chuyên môn, chưa chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp. “Người bệnh ai cũng mong được hướng dẫn, tư vấn nhiều hơn nhưng do quá tải, cán bộ, nhân viên y tế không thể đáp ứng điều này và chưa hiểu được tâm lý của người bệnh” - Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải.
Cần cải thiện phần gốc
Cho rằng sự ra đời của Thông tư 07 là cần thiết nhưng theo TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo phát triển cộng đồng (Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), quy định này có đi vào đời sống được ngay hay không thì còn phải chờ.
“Thông tư 07 chỉ nên xem là một yếu tố thúc đẩy chứ chưa thể cải thiện ngay được các vấn đề về thái độ ứng xử, chất lượng KCB, phong bì… Bởi lẽ, sự cải thiện này có bền vững hay không lại phụ thuộc vào các yếu tố tạo thành cái nền y đức: lương và thu nhập thực tế của cán bộ y tế; chọn lựa, phân bổ và cất nhắc cán bộ đúng người, đúng việc, đúng khả năng; giám sát, đánh giá chất lượng vận hành hệ thống một cách độc lập để kịp thời phát hiện những bằng chứng làm cơ sở cho sự điều chỉnh quản lý hệ thống” - ông phân tích.
Theo TS Tuấn, nếu các yếu tố nền vừa nêu chưa được giải quyết thì Thông tư 07 chỉ có tính chất tạm thời, thậm chí có thể gây ra áp lực cho các BS, khiến môi trường làm việc đã căng thẳng lại căng thẳng hơn. Ông Tuấn cho rằng muốn cái tâm của BS hoàn toàn trong sáng thì cần tách bạch chức năng hành nghề y của họ khỏi chức năng “làm y tế”. Khi BS bị đặt ở trạng thái coi bệnh nhân là nguồn thu, cơ sở y tế là nơi làm tiền thì bệnh nhân khó mà được quan tâm một cách tốt nhất.
Thừa nhận quá tải BV là căn nguyên chính khiến thái độ giao tiếp, ứng xử của BS với bệnh nhân chưa đúng như mong mỏi, PGS Trần Văn Thuấn cho rằng thời gian ít, công việc mệt mỏi, căng thẳng ảnh hưởng rất nhiều đến thái độ của thầy thuốc. Bệnh nhân phải chờ đợi lâu, ít được tư vấn nên tinh thần cũng hoang mang, cáu kỉnh hơn. “Trong bối cảnh hiện nay, việc đưa ra một quy chuẩn để đội ngũ y tế làm theo là cần thiết. Song, cũng cần tuyên truyền cho bệnh nhân hiểu hơn về ngành y, về áp lực công việc của các BS để họ thông cảm, hợp tác tốt hơn” - ông đề nghị.
Theo BS Nguyễn Văn Hưng, giảng viên Bộ môn Khoa Phẫu thuật thần kinh Học viện Quân y, việc đưa ra quy định để răn đe và xử lý cá nhân khi mắc phải sai phạm trong chuyên môn là cần thiết. Nếu ai cũng đều sống và làm việc theo pháp luật thì quy định này không phải là áp lực mà chính là thước đo để họ nhìn vào đó, tránh vi phạm.
“So với 12 điều y đức thì những quy định tại Thông tư 07 không mới. Điểm mới là đã cụ thể hóa thành các hoạt động chuyên môn và các chế tài xử phạt, khen thưởng rõ ràng. Nghề y không giống các ngành nghề khác, khi thầy thuốc mắc sai lầm sẽ ảnh hưởng cả một con người, gia đình và một thế hệ xã hội nên có những quy định về quy tắc ứng xử là cần thiết” - ông nhận xét.
Học giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân
BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương (TP HCM), cho biết ngoài việc triển khai bộ quy tắc ứng xử của Bộ Y tế, BV này còn mời các chuyên gia tâm lý đến để nói chuyện với cán bộ, nhân viên về cách giao tiếp với bệnh nhân. “Việc ứng xử của cán bộ, nhân viên y tế với bệnh nhân cũng được kiểm tra thường xuyên bởi chúng tôi quan niệm nói phải đi đôi với làm. BV cũng nhiều lần tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của bệnh nhân và từng thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề này. Nhân viên y tế nên xem người bệnh là khách hàng, tạo mối quan hệ bình đẳng giữa người cung cấp dịch vụ và khách hàng để từ đó có lối cư xử phù hợp và tôn trọng đúng mực” - ông Chiến nhìn nhận.
Với một BV có lượng bệnh nhân rất đông, thường xuyên quá tải như Từ Dũ (TP HCM), dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, phó giám đốc, cho rằng việc giúp nhân viên y tế xây dựng cách nói chuyện làm bệnh nhân hài lòng hơn là điều rất quan trọng. “Nhân viên y tế được tập huấn trò chuyện, xưng hô với người bệnh theo độ tuổi của họ và của bản thân, nói chuyện có đầu có đuôi, không được nói trống không. Cách nói chuyện cũng phải đơn giản, dân dã một chút, đừng dùng quá nhiều từ chuyên môn khó hiểu. Năm nay, chúng tôi cũng mở 10 lớp tập huấn về kỹ năng mềm - như vấn đề giao tiếp, ứng xử - cho CB-CNV ở tất cả vị trí” - dược sĩ Thủy cho biết.Anh Thư
Luôn cần “nghĩa vụ luật y khoa”
BS Đỗ Hồng Ngọc - cố vấn Bộ môn Y đức và Khoa học hành vi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - nhớ lại: "Thời còn theo học tại Y khoa Đại học đường Sài Gòn, tôi đã được các thầy dạy về “nghĩa vụ luật y khoa”. “Nghĩa vụ luật y khoa” cũng hiện diện ở nhiều nước trên thế giới. Ngày nay, một quy định tương tự “nghĩa vụ luật y khoa” là rất cần thiết. Nó còn cần phù hợp với thực tế, với thời đại, không phải là lý thuyết suông, đừng quá chung chung và phải áp dụng được. Bên cạnh các luật lệ, thái độ của mỗi BS đối với thân nhân và bệnh nhân, nhất là khi xảy ra chuyện không mong muốn, là rất quan trọng. Hãy lắng nghe, tôn trọng, chân thành và biết thấu cảm” - ông nói.
Theo BS Đỗ Hoàng Giao - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Bảo vệ - Chăm sóc sức khỏe Thành ủy TP HCM, nguyên Giám đốc BV Nhân dân Gia Định - trong giao tiếp với bệnh nhân, thầy thuốc phải luôn tôn trọng, xem họ như người nói chuyện bình đẳng, đừng bao giờ xem khám bệnh là ban ơn. “Y đức còn nằm ở những điều mà bệnh nhân có thể không thấy, không hiểu nhưng người trong nghề thì hiểu. Nhiều điều có thể bệnh nhân không thấy, không trách, chỉ người trong nghề biết với nhau. Có chuyện, nhiều người xem là nhỏ vì chưa đến mức tai biến nhưng thật ra, làm vậy rất thất đức. Chẳng hạn, dùng thuốc quá đà sẽ gây nhiều tác hại về sau, xét nghiệm bừa bãi thì người ta đã khổ vì bệnh còn khổ thêm gấp bội vì viện phí…” - BS Giao băn khoăn.
Theo ông, điều quan trọng nữa là hãy nghĩ đến bệnh nhân mỗi khi thực hiện một thủ thuật gì đó trên cơ thể người ta, đừng biến bệnh nhân thành “chuột bạch”. Anh Thư
Bình luận (0)