Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết dù qua 3 lần điều chỉnh tăng lương nhưng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) đối với người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn rất thấp, chưa hợp lý, ngay cả lương bộ trưởng cũng thế.
Lương cơ sở thấp nên lương ngạch, bậc thấp theo
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, từ ngày 1-5-2011, mức lương tối thiểu chung thêm 13,7%, từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng; từ ngày 1-5-2012 tăng thêm 26,5%, từ 830.000 đồng/tháng lên 1.050.000 đồng/tháng; từ ngày 1-7-2013 tăng thêm 9,5% (từ 1.050.000 đồng lên 1.150.000 đồng/tháng). Tính chung cả 3 lần điều chỉnh, mức lương cơ sở tăng thêm 57,5%. Riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống, từ ngày 1-1-2015 được tăng lương thêm 8% .
Cùng với điều chỉnh lương cơ sở là tăng chế độ phụ cấp công vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp xã với mức điều chỉnh tăng 10% từ ngày 1-5-2011 và từ 10% lên 25% từ ngày 1-5-2012. Bên cạnh đó, hệ số phụ cấp chức vụ đối với một số chức danh lãnh đạo như chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ Hà Nội và TP HCM) cũng điều chỉnh tăng từ 1,25 lên 1,3...
Dù điều chỉnh tăng lương cùng các phụ cấp, chế độ nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, thang bảng lương hiện nay còn nhiều hạn chế. Mức lương cơ sở hiện hành 1.150.000 đồng/tháng thực hiện từ ngày 1-7-2013 mới đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2015 của khu vực doanh nghiệp. “Do mức lương cơ sở thấp nên lương tính theo ngạch, bậc, chức vụ thấp theo. Tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người vừa tốt nghiệp ĐH khoảng 3,58 triệu đồng/tháng, bộ trưởng cũng chỉ 14,4 triệu đồng/tháng. Với lương như vậy, đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn” - Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhận xét.
Vẫn sống được!
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc cải cách tiền lương đều phải tính tất cả các yếu tố và cả thang bảng lương từ người thấp nhất đến mức cao nhất, trong đó có bộ trưởng. “Nếu giả sử có bất cập về mức lương của bộ trưởng thì theo nguyên tắc cũng phải điều chỉnh toàn bộ thang bảng lương chứ không thể ưu tiên một nhóm nào” - ông Hiển nói.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP HCM, đánh giá: “Thang bảng lương hiện nay quá bất cập, méo mó ngay cả đối với mức lương của bộ trưởng. Mức lương 14,4 triệu đồng/tháng của bộ trưởng là thấp, chưa tương xứng với vị trí, trách nhiệm mà họ đang nắm giữ. Vấn đề là lương thấp nhưng vì sao người ta vẫn sống được?...”.
Theo ông Trần Hoàng Ngân, mức lương cần gắn với hiệu quả công việc và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng vị trí, kể cả bộ trưởng. Nếu mức lương thỏa đáng thì từng vị bộ trưởng sẽ yên tâm làm việc, có trách nhiệm hơn và đặc biệt thấy cống hiến của mình được ghi nhận. “Để mức lương của bộ trưởng hợp lý có thể áp theo mức bình quân GDP đầu người Việt Nam. Nếu GDP tăng thì lương lãnh đạo tăng, GDP giảm thì giảm. Không thể có chuyện người dân Thái Lan thu nhập bình quân 6.000 USD/năm mà Việt Nam chỉ hơn 2.000 USD/năm thì sao lương bộ trưởng mình bằng họ được” - ông Ngân hiến kế.
Chưa toàn diện
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi, nhất trí thang bảng lương bộ trưởng hiện nay nói riêng và toàn bộ thang bảng lương đang có “vấn đề”, do vậy cần phải điều chỉnh trên cơ sở tính đúng, tính đủ mức thu nhập thực sự. “Vì bộ trưởng còn được nhà nước lo phương tiện, xăng xe đi lại và một số chi phí khác nên tiền lương hiện nay chỉ là phản ánh một phần mà chưa toàn diện. Nếu tiền tệ hóa toàn bộ chi phí này thì mức lương bộ trưởng sẽ nâng lên và đời sống các vị cũng đỡ và công bằng hơn” - ông Lợi phân tích.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, hiện nay, do mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ còn thấp nên các cơ quan có thẩm quyền đã mở rộng đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù ngành nghề. Chính việc làm này dẫn đến phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề.
Người đứng đầu ngành nội vụ cho biết sắp tới đây sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo lộ trình tiến tới bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương gắn với đổi mới hoạt động sự nghiệp công và phù hợp với khả năng nền kinh tế; điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp phù hợp tình hình sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tối thiểu của người lao động. Đặc biệt là nghiên cứu, từng bước mở rộng quan hệ lương thấp nhất - trung bình - tối đa cho phù hợp với quan hệ thị trường; trên cơ sở đó, hoàn thiện hệ thống thang, bậc lương và các chế độ phụ cấp…
Cải cách tiền lương giai đoạn 2016-2020
Bộ Tài chính đang xây dựng khung cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để trình Chính phủ xem xét tổng hợp trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10. Trong đó, sẽ tính toán cơ cấu chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, chi trả nợ và khả năng bố trí nguồn ngân sách nhà nước cho cải cách tiền lương giai đoạn 2016-2020.
Trong khi đó, Chính phủ giao Bộ Nội vụ tính toán cải cách toàn bộ thang bảng lương. Ủy ban Cải cách chính sách tiền lương nhà nước cũng đã họp và xem xét, nếu từ nay đến cuối năm, nguồn thu tăng trưởng đạt được tốc độ như quý I thì chắc chắn sẽ xem xét để điều chỉnh lộ trình tăng lương cơ sở. Lộ trình từ nay đến năm 2020, lương cơ sở phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của công chức, viên chức.
Bình luận (0)