Trong hơn 50 phút đi tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ ra Lý Sơn (Quảng Ngãi), tôi vẫn nghĩ đến huyện đảo này như một vương quốc của tỏi từ sách vở và những câu chuyện kể. Người ta đã nói nhiều về huyện đảo này, từ núi lửa mấy chục thiên niên kỷ đến lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm và những thợ lặn biển cừ khôi bao lần giáp mặt thủy cung… Vậy thì Lý Sơn còn gì nữa?
Đá tầng tầng, lớp lớp
Tiễn là một chủ hiệu buôn tạp hóa ở An Hải, 1 trong 3 xã của huyện đảo Lý Sơn. Anh ra đón tôi từ cầu cảng và đưa về nhà trọ bằng xe máy chỉ trong 10 phút.
Ngư dân Trương Văn Thông giới thiệu với du khách vỏ một loại ốc hiếm bắt từ Hoàng Sa Ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
Mới 9 giờ, còn quá sớm để tắm rửa và chờ bữa ăn trưa. Tôi nhờ anh chở đi một vòng quanh đảo. Vừa đi, Tiễn vừa kể chuyện, còn tôi thì chăm chú ngắm nhìn cảnh vật xung quanh.
Đi từ thôn Đông sang thôn Tây xã An Hải phải qua một cánh đồng trồng hành đang mùa thu hoạch và những ruộng tỏi đang kỳ làm đất hoặc mới nhú mầm. Đá! Lẫn trong màu xanh của hành, tỏi, những hàng rào chắn cát bằng cây xanh và những rặng dừa cao vút ven biển, chỉ thấy toàn đá.
Đá xếp thành hàng, chồng lên nhau ngay ngắn. Đá đen lẫn vào đá xám. Đá nhỏ bằng viên gạch đến những tảng to đến một vòng tay… Tôi đã từng thấy đá trên những ngõ trung du Tiên Phước lúc về quê cụ Huỳnh Thúc Kháng nhưng ra Lý Sơn thì khác hẳn. Đó là những bờ ruộng bằng đá, núi đá dựng như tường thành, bãi đá đen ngun ngút tầm nhìn…
Tiễn kể mỗi nhân khẩu ở các xã đảo được phân từ 125 đến 200 m2 ruộng trồng hành, tỏi… Để trồng được loại cây này, trước hết phải làm bờ bằng đá để ngăn cát chảy, cát lấp. Mỗi thửa ruộng tỏi bậc thang vài trăm mét vuông cũng tốn đến vài chục khối đá làm bờ.
Không có gì bền vững bằng đá mà Lý Sơn thì không bao giờ thiếu đá. Đá từ trên núi xuống các bãi lộ thiên hoặc san hô ngầm dưới biển. Không chỉ ruộng nương mà cả đến việc xây kè chống sóng, dựng âu thuyền tránh bão, đắp đập ngăn hồ nước trên núi Thới Lới, làm đường ven biển, xây mộ gió lính Hoàng Sa... cũng toàn bằng đá.
Lang thang quanh các xã An Hải, An Vĩnh, An Bình hay leo dốc đứng lên núi Giếng Tiền, núi Thới Lới rồi vào các di tích chùa Hang, chùa Đục, cổng Tò Vò…, đá đen, đá xám tầng tầng lớp lớp hiện ra trước mắt tôi. Đá từ hàng vạn năm trước chồng lên những nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt.
Những bãi đá đen trải dài phía cổng Tò Vò nhìn ra đảo Bé - cùng một màu với những con nhum, con ốc xà cừ của vùng biển này - đã phun trào, nung đốt từ các núi lửa mấy ngàn năm trước. Có chỗ như chông nhọn, có chỗ ngoằn ngoèo như những con sấu biển đen ngòm sẵn sàng ứng phó với giặc cướp Tàu ô như trong lịch sử…
Đi đâu rồi cũng quay về Hoàng Sa...
Tôi để ý giọng nói của người dân Lý Sơn. Cũng như nhiều người vùng biển khác, giọng nói ở đây có âm vực hơi cao nhưng khác ở chỗ nó sắc, gọn và bằng những câu ngắn đầy vẻ kiên định. Từ anh Sên “vua lặn” ở Hoàng Sa hoặc chàng kỹ sư Khải đã sống nhiều năm ở miền Nam quay về thăm quê, đến ông cụ Trương 85 tuổi ở thôn Đông An Hải mà tôi ngồi hầu chuyện trong đêm, đều có giọng nói ná ná nhau như vậy.
Ông Trương Văn Tân và người con trai Trương Văn Thông một đời gắn bó với Hoàng Sa kể chuyện ra khơi. “Tụi trên đảo mạnh lắm, dữ lắm, hiện đại lắm chớ không chơi. Nhưng ngư dân mình chẳng ngán, cứ vô sát các đảo mà lặn. Em từng bị chúng bắt, đánh và thu hết dầu nhớt, dụng cụ nhưng đâu có sợ!” - Thông quả quyết.
Thông lặn sâu đến 15 sải tay không có bình khí, mỗi đợt đi Hoàng Sa đều mang về vài chục ký hải sâm, ốc hiếm và nhiều loại cá quý bán ra thị trường. “Từ đây ra đến đảo Phú Lâm của mình chỉ độ 120 hải lý, đi mất 2 ngày nhưng đánh bắt có thu nhập cao. Khi bọn chúng làm quá, tụi em quay qua Trường Sa nhưng đi mất 7 ngày, chi phí cao nên thu nhập không bằng ngoài đó” - anh kể. Anh chàng Sên ưu tư: “Đi đâu rồi cũng nhớ nên phải quay lại Hoàng Sa thôi…”.
Mỗi chuyến đi, ngoài lương thực, nhiên liệu, các anh phải mang theo thuốc bổ não, cảm lạnh vì lặn biển rất nguy hiểm… Ông Tân giờ lớn tuổi không theo con đi biển nữa vẫn nói chắc nịch: “Dân Lý Sơn từ xưa giờ không đi Hoàng Sa thì đi đâu? Đảo của mình mà!”.
Qua thôn Tây của An Hải, tôi gặp các ngư dân thuộc loại cừ khôi như Lê Khởi, Dương Thạnh. Khởi cho biết gia đình ông 3 đời đều ra vào Hoàng Sa “như đi chợ”! Mới 49-50 tuổi đời nhưng 2 ông đều có 30 năm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. “Mình sinh ra ở đảo, lớn lên ở đảo, đi biển không chỉ mưu sinh mà cũng như cha ông mình là bảo vệ biển đảo của tổ tiên, ông bà để lại” - ông Khởi thổ lộ.
Buổi sáng lúc Sên và Thông rời quán cà phê của Tiễn, vai xách nách mang đủ thứ hành trang, lương thực đi ra âu thuyền, tôi mới nhìn kỹ màu da của họ: nâu đen nhánh dưới ánh mắt ngời sáng. Nụ cười toát ra từ màu da ấy trông lung linh lạ!
Người gan sắt, da đá
Tiễn lại đưa tôi ra những ruộng hành đang thu hoạch của một người bạn ở xã An Vĩnh. Bên những bờ ruộng bằng đá, nhiều chiếc xe bò đã nặng đầy những bó hành nâu sẫm - như màu da của người. Gió và cát Lý Sơn chừng như đã gom góp những khắc nghiệt của biển, của trời tạo nên màu sắc ấy chăng?
Sau mùa hành, đến tháng 9 âm lịch hằng năm, nông dân Lý Sơn lại vào mùa tỏi. Trước đó, họ chuẩn bị đồng đất cẩn thận như những họa sĩ vẽ tranh: Đất sét đen mịn trên núi Thới Lới, núi Giếng Tiền làm lớp lót, lớp cát vàng vụ trước ở giữa, trên cùng là lớp cát mịn sạch mới đưa về từ các bãi khai thác và sàng lọc ngoài biển. Những ống dẫn nước, phun nước giờ đã được đầu tư để giảm sức lao động nhưng bờ đá thì vẫn vậy, bằng chính đôi tay và cơ bắp con người, vững chãi quanh những ruộng cát.
Những ngôi mộ lính Hoàng Sa và nhiều ngôi mộ khác ở Lý Sơn giữa ruộng hành, ruộng tỏi bao giờ cũng được bao bọc bởi những hòn đá xếp lên nhau, như thể đến chết rồi, người dân Lý Sơn vẫn được đá che chở.
Đá và người Lý Sơn, tất cả đều rắn rỏi, kiên trì bên nhau, bất chấp những thách thức của biển cả và tai ương. Những tộc họ lớn ở Lý Sơn đều có tổ tiên định cư tại đây từ đầu thế kỷ XVII, đã có đến hơn 16 đời con cháu gắn bó với sóng nước, biển khơi.
Tôi đứng hàng giờ trước bức bình phong của đình làng An Hải, tựa lưng vào núi Thới Lới nhìn ra biển Đông, mới thấy hình ảnh con nghê hiền lành nhưng trí tuệ: Một biểu tượng văn hóa thuần Việt tựa vào đá và đạp lên sóng dữ dưới sự chở che của tàng cây phong ba, đã được chạm khắc hơn 2 thế kỷ nay, như một thông điệp đầy tính ẩn dụ của người xưa…
Người Lý Sơn gan sắt da đá, vì vậy đã tựa vào đá của một đảo tiền tiêu vững chãi. Sau lưng họ, một quá khứ sắt đá lẫm liệt của những đội hùng binh Bắc hải vẫn còn kia, trong một bảo tàng sừng sững nhìn ra biển Đông!
Gắn chặt với lịch sử
Đá còn gắn chặt với lịch sử Lý Sơn, ghi lại trong di tích chùa Hang “Thiên Khổng thạch tự” - những giường đá, kỷ đá, bàn thờ đá, giếng đá trong không gian một hang đá rộng gần 500 m2 từ thời Chăm Pa đến khi 7 vị tiền hiền Lý Sơn tới mở ra kỷ nguyên mới hồi thế kỷ XVII. “Khi có giặc biển đến thì dân phường ẩn nấp trong những hang đá…!” - chữ còn hiển hiện trong Quốc sử thời phong kiến.
Đi trong không gian đá Lý Sơn, Tiễn bất ngờ nói một câu khiến tôi nghĩ mãi: “Thời tiết Lý Sơn khắc nghiệt lắm anh à! Không có đá chắc dân Lý Sơn cũng không có cái để ăn, không có thứ dựng nhà, nói chi chuyện ra khơi”.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)