Các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết ngày 6-1, 2 máy bay dân sự cỡ lớn của Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Về hành động này của Trung Quốc, ngày 7-1, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố một lần nữa Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp.
"Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế"- Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.
Cũng trong ngày 7-1, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc 2 máy bay dân sự cỡ lớn của Trung Quốc ngày 6-1 đã hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
* Trước đó, ngày 2-1-2016, Trung Quốc đã thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cùng ngày, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Cũng trong ngày 2-1, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối Trung Quốc bay thử nghiệm ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cộng đồng quốc tế cũng tỏ rõ sự quan ngại trước chuyến bay của Trung Quốc ra Đá Chữ Thập. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Pooja Jhunjhunwala nhấn mạnh hôm 3-1: “Chúng tôi lo ngại các chuyến bay thử nghiệm làm gia tăng căng thẳng và không phù hợp với các cam kết kiềm chế để tránh phức tạp hóa và leo thang tranh chấp ở khu vực”.
Ngày 4-1, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng Tokyo "quan ngại nghiêm trọng" trước việc Trung Quốc đưa phi cơ hoạt động thử nghiệm ở đường băng trên đá Chữ Thập. "Đây là hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng", qua đó biến việc Trung Quốc cải tạo, bồi lấp trái phép các bãi đá trở thành sự đã rồi. "Nhật Bản không thể chấp nhận hành động này, khi nó khiến căng thẳng trong khu vực leo thang. Đây là mối lo ngại chung đối với cộng đồng quốc tế. Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với những quốc gia khác cùng chung mối quan tâm để bảo vệ tự do trên biển" - Bộ trưởng Kishida nêu rõ tại cuộc họp báo.
Cùng ngày 4-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói Manila cũng phản đối hành động của Trung Quốc khi đưa máy bay ra đá Chữ Thập. Ông Jose cho biết chính phủ Philippines đang cân nhắc biện pháp phản đối chính thức đến Bắc Kinh về việc "làm phát sinh thêm căng thẳng ở khu vực".
Tuy nhiên, sáng ngày 6-1, Trung Quốc tiếp tục đưa 2 máy bay hạ cánh trái phép xuống bãi Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là lần thứ 2 Trung Quốc đưa máy bay ra đường băng trái phép tại Trường Sa để thử nghiệm chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần qua.
Bình luận (0)