Những nội dung trên được nêu trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình cho các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng. Theo báo cáo này, sau 15 năm cho phép doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư trồng rừng tại VN, hiện cả nước có 8 dự án đầu tư nước ngoài (nước ngoài đầu tư vốn 100%) còn hiệu lực.
Chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc
Theo báo cáo của Chính phủ, 8 dự án nói trên bao gồm: 1 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản (tại Bình Định, diện tích 9.777 ha); 1 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc (tại Bình Phước, 671 ha); 1 dự án của nhà đầu tư Việt kiều Mỹ (tại Phú Yên, 50 ha); 3 dự án tại các tỉnh Nghệ An, Lạng Sơn, Quảng Ninh được đầu tư dưới tư cách pháp nhân của doanh nghiệp Campuchia (Công ty Green Elite Group Co., Ltd); 2 dự án tại Kon Tum và Quảng Nam được đầu tư dưới tư cách pháp nhân Công ty TNHH Cổ phần Innov Green Hồng Kông - Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc (thừa ủy quyền của Thủ tướng lập báo cáo) cho biết theo báo cáo của các chủ đầu tư, cả hai pháp nhân Innov Green được thành lập tại Campuchia và Hồng Kông có dự án tại VN đều là công ty con của Tập đoàn Innov Green có trụ sở tại Đài Loan - Trung Quốc.
Đáng chú ý, ngoài các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp còn có dự án cấp phép cho doanh nghiệp trong nước nhưng có sự tham gia của công ty nước ngoài vẫn đang còn hiệu lực.
Đó là Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình (doanh nghiệp VN) hợp đồng hợp tác kinh doanh với Lâm trường Phái Dương Sơn (Trung Quốc) tại tỉnh Lạng Sơn, với diện tích trồng rừng là 200 ha; Công ty TNHH một thành viên Tài nguyên khoáng sản Hối Thăng (100% vốn Trung Quốc) được sử dụng 15.754 ha trồng rừng.
Cũng theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, đến thời điểm này, tổng diện tích đất dự kiến sử dụng của các dự án trồng rừng có vốn đầu tư nước ngoài là 288.974 ha. Tuy nhiên, mới chỉ có 13.817 ha rừng đã trồng, chiếm khoảng 6% số diện tích rừng đã được thuê. Chỉ tính riêng 8 dự án đầu tư trực tiếp, tổng số vốn đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư là 286.090.000 USD, trong khi số vốn đã giải ngân là 22.729.000 USD (8,43%).
Thiếu cơ sở thực tế, rời rạc
Báo cáo của Chính phủ nhận xét: Nhìn chung trình tự, thủ tục cho thuê đất đối với các dự án được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn luật; diện tích đất cho thuê thuộc đất rừng sản xuất, đồi núi trọc...
Các dự án đầu tư trồng rừng thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và thông thường triển khai tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên gần như được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn nộp tiền thuê đất trong 11 năm kể từ khi đưa dự án vào hoạt động hoặc miễn toàn bộ thời gian thực hiện dự án. Do vậy, việc đóng góp vào ngân sách Nhà nước của các dự án này là không đáng kể.
Chính phủ cũng nhìn nhận các dự án sau khi được cấp phép đầu tư đã triển khai nhưng chậm và có quy mô đã thực hiện nhỏ hơn nhiều so với quy mô, diện tích đất dự kiến nêu tại giấy chứng nhận đầu tư.
Nguyên nhân chủ yếu do việc khảo sát, lập dự án chưa kỹ dẫn đến quy mô một số dự án thiếu cơ sở thực tế; diện tích đất cho thuê rời rạc, manh mún... Trong đó, Innov Green đã tiến hành trồng rừng trên diện tích 632 ha đất đã khảo sát, đo đạc nhưng chưa được UBND tỉnh Lạng Sơn ký hợp đồng cho thuê đất.
Chính phủ đề xuất giao Bộ Quốc phòng và chính quyền địa phương rà soát, kiểm tra điều chỉnh theo hướng thu hẹp diện tích của các dự án trồng rừng tại các khu vực có liên quan hoặc có khả năng ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng..., đồng thời khẳng định không tiếp tục xem xét cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất đối với diện tích chưa có quyết định cho thuê. Nhà đầu tư có thể liên kết với các hộ dân, các đơn vị được giao đất để trồng rừng.
Bình luận (0)