Liên quan đến dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước (Quốc lộ 14), ngày 17-6, ông Dương Hồ Minh, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án đường Hồ Chí Minh, cho biết Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ra quyết định chấm dứt hợp đồng với Công ty CP Đức Phú do vi phạm trong quá trình thi công đoạn Km 917+00 - 921+025 thuộc gói thầu số 9 (Cây Chanh - Cầu 38, tỉnh Bình Phước).
Thi công đối phó
BQL dự án đường Hồ Chí Minh cho biết trong quá trình thi công gói thầu số 9 (theo nguồn trái phiếu Chính phủ), Công ty Đức Phú đã có nhiều sai phạm như: huy động nhân sự, thiết bị không đúng, không đủ theo hồ sơ đề xuất; không có chỉ huy trưởng, chỉ có chỉ huy phó và 2 cán bộ kỹ thuật nhưng kiêm nhiệm cả dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) Cầu 38 - Đồng Xoài; thiết bị ở công trường chỉ có 2 xe lu; công tác bảo đảm giao thông, vệ sinh môi trường thực hiện không nghiêm túc, nhiều lần BQL dự án đường Hồ Chí Minh phải huy động đơn vị khác đến bảo đảm an toàn giao thông.
Đặc biệt, bình thường nhà thầu này không tổ chức thi công nhưng khi đoàn kiểm tra đến thì lại huy động máy móc từ dự án BOT sang làm cầm chừng, mang tính chất đối phó... Do vậy, đến đầu tháng 6-2014, sản lượng chỉ đạt khoảng 400 triệu đồng, tương đương 1,6% giá trị hợp đồng và chỉ đạt 16% tiến độ đã cam kết.
Theo ông Minh, BQL dự án đường Hồ Chí Minh đã gửi hàng chục văn bản đôn đốc, cảnh báo nhưng nhà thầu vẫn không chịu thi công. Trước tình hình này, Bộ GTVT đã quyết định chấm dứt hợp đồng với Công ty CP Đức Phú, đồng thời giao cho BQL dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương lựa chọn nhà thầu thay thế có đủ tư cách pháp nhân, năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu và tiến độ dự án.
“Ngoài nhà thầu trên, BQL đang đề nghị Bộ GTVT xem xét xử lý một số nhà thầu thi công chậm tiến độ trên Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Bình Phước nhằm bảo đảm tiến độ chung của dự án” - ông Minh khẳng định.
Mâu thuẫn triền miên
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh là dự án giao thông trọng điểm quốc gia, được Chính phủ và Bộ GTVT đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đối với đoạn qua Tây Nguyên, việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư còn nhiều hạn chế. Không ít nhà thầu yếu năng lực vẫn trúng thầu, ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Điển hình như Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Mặc dù một số gói thầu triển khai từ giai đoạn 2010-2011 đến nay chưa xong nhưng gần đây, công ty này vẫn liên tiếp trúng nhiều gói thầu khác. Trước đó, qua giám sát các gói thầu do doanh nghiệp này thi công, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT nhiều lần phát hiện chất liệu đá, quy trình thi công không đúng quy định.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng Giám đốc BQL dự án đường Hồ Chí Minh, khẳng định không có sự ưu ái mà do doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí nhà đầu tư yêu cầu nên không có lý do gì để loại họ.
Để bảo đảm tiến độ chung cho dự án, gần đây, Bộ GTVT đã mạnh tay chấm dứt hợp đồng, cắt bớt khối lượng công việc của những nhà thầu, nhà đầu tư yếu kém. Tuy nhiên, tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” giữa nhà đầu tư và nhà thầu dẫn đến tiến độ thi công công trình ì ạch vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Tại gói dự án theo hình thức BOT đoạn qua tỉnh Đắk Lắk do liên danh Công ty Kinh doanh Xuất nhập khẩu Quang Đức, Công ty CP Đông Hưng Gia Lai và Công ty CP Sê San 4A làm nhà đầu tư cũng đang xảy ra tranh chấp. Các nhà thầu cho rằng nhà đầu tư đã không minh bạch về tài chính, không thanh toán đúng thời gian thỏa thuận, tạm giữ tiền của các nhà thầu vô lý... Do đó, các nhà thầu đồng loạt đình công hơn nửa tháng nay, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Ngày 9-6, Bộ GTVT đã có công điện khẩn yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương giải quyết vướng mắc với nhà thầu để đồng loạt thi công trước ngày 10-6. Nếu nhà đầu tư không quyết liệt đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ GTVT sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng và lựa chọn nhà đầu tư khác thay thế.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, đến chiều 17-6, phần lớn các nhà thầu vẫn đình công. “Do nhà đầu tư mới giải trình nên chúng tôi đang chuẩn bị làm việc với Bộ GTVT và nhà đầu tư rồi sẽ đưa ra quyết định cuối cùng” - ông Huấn cho biết.
Hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 30-6
Văn phòng Chính phủ ngày 16-6 đã ban hành văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Theo đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu 12 địa phương khẩn trương chỉ đạo và giải quyết dứt điểm các tồn tại, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 30-6.
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT tổng hợp kết quả công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, báo cáo Thủ tướng vào cuối tháng 6-2014.
A.Nhiên
Điều tra việc doanh nghiệp tố “bôi trơn” hàng tỉ đồng
Công ty CP Đầu tư Xây dựng hạ tầng - Khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Hà Nội) vừa tố cáo để được thi công tại gói thầu số 9 (đoạn qua tỉnh Đắk Lắk), doanh nghiệp này đã phải chi cho Công ty CP Sông Hồng 36 thuộc Tổng Công ty Sông Hồng 1,7 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Tài Đức, Phó Giám đốc Công ty Tân Việt Bắc, cho biết sáng 17-6, ông đã làm việc với Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an về việc này. Tại buổi làm việc, Công ty Tân Việt Bắc đã cung cấp toàn bộ bằng chứng chứng minh lãnh đạo Công ty CP Sông Hồng 36 đã nhận số tiền 1,7 tỉ đồng.
Trước đó, Công ty CP Sông Hồng 36 cũng đã có văn bản xác nhận “Công ty Tân Việt Bắc tạm ứng trước 1,5 tỉ đồng cho Công ty CP Sông Hồng 36 để phục vụ công tác chuẩn bị triển khai dự án”.
Bình luận (0)