xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mất dần bản sắc

CAO NGUYÊN - ĐÌNH THI

Mức độ tàn phá rừng nhanh đến chóng mặt đã góp phần phá vỡ cấu trúc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Sêrêpốk là con sông lớn nhất Đắk Lắk và lớn thứ 2 ở Tây Nguyên, có nhiều ghềnh thác nổi tiếng, lưu lượng dòng chảy lớn, hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Đoạn sông qua lãnh thổ Việt Nam dài 126 km, hiện phải oằn mình gánh 10 nhà máy thủy điện cắt ngang dòng chảy.

“Xin” thủy điện cấp nước

Khi đi vào hoạt động, Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A đã lấy nước dẫn theo kênh dài khoảng 15 km, được đào băng qua 3 xã của huyện Buôn Đôn nhằm tăng áp suất dòng chảy. Vì vậy, một đoạn sông dài khoảng 20 km đã khô cạn.

Khu du lịch sinh thái - văn hóa Bản Đôn nổi tiếng nằm cạnh dòng sông Sêrêpốk hùng vĩ. Từ khi nhà máy thủy điện mọc lên, đoạn sông qua đây khô cạn đáy. Lượng khách du lịch vì thế cũng giảm đi quá nửa, theo phản ánh của các công ty du lịch thuộc Khu Du lịch sinh thái - văn hóa Bản Đôn. Du khách đến đây đều tỏ ra không hài lòng khi chứng kiến sản phẩm du lịch dần “teo tóp”. Ví như ngọn thác Bảy Nhánh trên dòng Sêrêpốk từng là một trong những danh thắng nổi tiếng và là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Buôn Đôn, thì nay đối mặt nguy cơ kiệt nước hoàn toàn trong cả năm, chứ không riêng mùa khô.

Nhiều con sông ở Tây Nguyên cạn nước do các nhà máy thủy điện mọc lên dày đặc (đoạn sông dưới Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4) Ảnh: CAO NGUYÊN
Nhiều con sông ở Tây Nguyên cạn nước do các nhà máy thủy điện mọc lên dày đặc (đoạn sông dưới Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4) Ảnh: CAO NGUYÊN

Mới đây, tại lễ hội đồng bào các dân tộc huyện Buôn Đôn - một lễ hội có từ lâu đời và mang yếu tố tâm linh, UBND tỉnh Đắk Lắk phải gửi công văn xin nước từ các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Sêrêpốk để phục vụ đua thuyền, đua voi trên dòng sông bị thủy điện “đánh cắp” nước. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các công ty thủy điện trên sông Srêpốk bảo đảm xả nước với lưu lượng ít nhất 100 m3/giây qua đập thủy điện Sêrêpốk 4 trong thời gian từ 14 đến 15 giờ ngày 13-3.

Theo UBND huyện Buôn Đôn, tại lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc năm 2016, huyện tổ chức lễ cúng bến nước, cúng thần linh, liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trình diễn trang phục của các dân tộc, đua voi, voi vượt sông… Lễ hội voi ngoài ý nghĩa tâm linh, văn hóa với người dân Buôn Đôn còn đóng góp lớn cho phát triển du lịch nên thủy điện phải có trách nhiệm chia sẻ. Mục đích lớn lao là vậy nhưng phải sau nhiều văn bản, cuộc họp, các nhà máy thủy điện mới đáp ứng nhu cầu chính đáng này.

Điều mà nhiều người lo ngại nhất là cùng với sự tích nước của thủy điện, rừng quanh dòng sông bị phá trắng, nếu xảy ra lũ lụt lớn, nước sẽ ồ ạt đổ về sông Sêrêpốk. Lúc này, vùng hạ du sẽ lãnh đủ.

San đồi, bạt rừng

Xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng nằm dưới chân núi Lang Biang, cách TP Đà Lạt chưa đầy 10 km. Lang Biang ở độ cao hơn 2.000 m so với mặt nước biển, được mệnh danh là “nóc nhà” của Đà Lạt, quanh năm phủ trong sắc xanh của thông. Giờ đây, nét đẹp đó chỉ còn là dĩ vãng bởi máy ủi, máy xúc rầm rộ “san đồi, bạt rừng” để dựng nhà kính trồng hoa.

Ông Kră Jãn Plin (55 tuổi) đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, phong tục, tín ngưỡng, tập quán sinh sống, luật tục của người K’ho ở Lâm Đồng. Ông hiện định cư ngay dưới chân núi Lang Biang và được cộng đồng người K’ho tín nhiệm bầu làm già làng Đang Ja, thị trấn Lạc Dương.

“Hồi xưa, đây là rừng bao quanh, thú rừng rất nhiều, nước suối chảy trong veo. Còn bây giờ, rừng bị tàn phá, nước suối đục ngầu, chất thải xả vào nguồn nước gây ô nhiễm trầm trọng” - ông Kră Jãn Plin ngậm ngùi.

Ở đây, ngoài người dân bản địa sinh sống từ thời lập buôn còn có những người nơi khác đến lập nghiệp, mở dịch vụ du lịch, nhà hàng, làm nông nghiệp công nghệ cao… Không chỉ vùng đệm xung quanh danh thắng Lang Biang bị tàn phá mà cả khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang cũng có nguy cơ bị xâm hại.

Rừng thưa thớt dần, thấp thoáng sau những nếp nhà dài là các căn nhà bê tông kiểu biệt thự, nhà xây mái bằng. Nhiều người đã làm nhà xây sau lưng hay bên cạnh nhà dài truyền thống.

“Bà con cũng tâm huyết đấy nhưng họ phải chạy theo cuộc sống. Gia đình tôi trước dệt thổ cẩm truyền thống của người K’ho, có gần chục nhân công làm nhưng nay đầu ra sản phẩm không có. Vì thế, gia đình chỉ nhận dệt khi ai có nhu cầu tới đặt hàng thôi” - ông Plin dẫn chứng.

Theo ông Phạm Triều, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, mới đây, UBND huyện đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 8 trường hợp san ủi ngoài phạm vi cấp phép và không được cấp phép với diện tích hơn 15.000 m2. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời bởi trồng hoa trong nhà kính lợi nhuận cao nên nhiều người lách đầu này, đầu kia để san ủi đồi núi cho bằng được.

Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã xâm hại đến danh thắng Lang Biang. Sắp tới, sở sẽ đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng quy hoạch lại danh thắng Lang Biang và vùng đệm, trong đó quy định cụ thể độ cao nào được san lấp làm nông nghiệp, độ cao nào chỉ được sản xuất nhưng không thay đổi cảnh quan.

Không còn ai mặc thổ cẩm

Các nghề thủ công xưa từng rất phổ biến, vốn làm nên nét đặc trưng cho người Tây Nguyên nhưng ngày nay đang dần mai một và biến mất. Trước sức ép của cơ chế thị trường, hiện nhiều hộ gia đình đã liên kết thành nhóm hộ sản xuất hay hợp tác xã dệt thổ cẩm nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng. “Sau bao nhiêu lớp truyền dạy, với con số lên tới hàng ngàn người, xong thì bỏ đấy vì dệt rồi cũng không ai mua, không ai mặc vải thổ cẩm. May lắm còn có vài người may thành áo bán cho các khu du lịch” - ông Plin băn khoăn.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-9

Kỳ tới: Cứu lấy Tây Nguyên

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo