Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết ngày 10-7, CQĐT Công an tỉnh phối hợp cùng VKSND, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an, Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động tiếp tục kiểm tra hiện trường vụ lâm tặc phá rừng quy mô lớn tại khu vực lòng hồ thủy điện Đồng Nai 5 (thuộc địa phận xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng).
Rừng bị phá tan hoang
Trước đó, ngày 9-7, phóng viên Báo Người Lao Động đã theo chân đoàn kiểm tra đến hiện trường vụ phá rừng nêu trên. Từ khu vực lán trại do nhóm lâm tặc lập gần đập chính thủy điện Đồng Nai 5, để đến được hiện trường, đoàn mất gần 1 giờ di chuyển bằng xuồng máy trên lòng hồ. Sau đó, đoàn phải đi bộ hơn 1 giờ nữa mới đến điểm đầu tiên, nơi có những cây dỗi bị triệt hạ.
Đường dốc dựng đứng và cực kỳ khó đi vì trơn trượt. Đây cũng chính là đường vận chuyển gỗ sau khi đã cưa xẻ của nhóm lâm tặc. Gỗ sau khi được xẻ thành hộp dài từ 3 đến 4 m sẽ được thả “trôi” theo đường mòn dựng đứng từ trên rừng xuống mép nước của lòng hồ thủy điện. Sau đó, xuồng của nhóm lâm tặc đợi sẵn để kéo gỗ xuôi theo lòng hồ thủy điện về lán trại tập kết và đưa đi tiêu thụ.
Tại điểm đầu tiên, ít nhất 30 cổ thụ, chủ yếu gỗ dỗi thuộc nhóm II, đã bị triệt hạ. Nhiều cây mới bị đốn cách đây vài ngày, dấu vết gốc còn mới. Rất nhiều phách gỗ bìa bị lâm tặc vứt bỏ sau khi xẻ cây lấy gỗ.
Khu vực bị lâm tặc tàn phá nặng nề nhất mà đoàn kiểm tra đến là Tiểu khu 390, lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc quản lý. Đây là khu vực rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Vườn Quốc gia Cát Tiên. Do địa bàn rộng, đường đi hiểm trở và số lượng cây rừng bị triệt hạ lớn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng phải huy động hơn 20 cán bộ cùng các lực lượng chức năng tham gia khám nghiệm hiện trường. Dự kiến phải kéo dài thêm 2 ngày nữa, việc khám nghiệm hiện trường mới hoàn tất, trên cơ sở đó xác định diện tích rừng bị triệt phá.
Theo ghi nhận của chúng tôi, với địa hình hiểm trở, sau khi gỗ được xẻ thành phẩm ở rừng, muốn tuồn ra bên ngoài qua đường thủy hay đường bộ, lâm tặc phải di chuyển qua nhiều điểm chốt chặn ở các xã Lộc Bắc, Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm, huyện Đạ Tẻ (tỉnh Lâm Đồng) hoặc một số huyện giáp ranh các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông… Thế nhưng, tất cả những “con mắt rừng” này hầu như bị tê liệt, trong khi nạn phá rừng diễn ra rầm rộ từ những năm qua.
Sẽ truy quét tận gốc
Trước tình hình lâm tặc manh động, ngang nhiên phá rừng, trong những ngày qua, lực lượng chức năng đã triển khai hàng loạt phương án truy quét, quyết triệt phá tận gốc đường đi của cây rừng bị “xẻ thịt”.
Ngày 8-7, Cơ quan phía Nam Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49B - Bộ Công an) đã phối hợp với Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động mật phục, chia thành nhiều hướng bao vây khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 5. Một số cán bộ, chiến sĩ cải trang thành người đi câu cá, công nhân để tiếp cận băng nhóm lâm tặc hoạt động lâu năm tại khu vực rừng nguyên sinh thủy điện Đồng Nai 5, bắt giữ 19 đối tượng.
Sau khi rà soát, đã có 6 đối tượng bị tạm giữ, trong đó có Nguyễn Văn Hà (Hà “đen”, quê Nghệ An), kẻ cầm đầu nhóm khai thác gỗ lậu. Tuy nhiên, có tin đối tượng này đã kịp thời tẩu thoát. Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã ra lệnh truy bắt Hà “đen”.
Cùng ngày, tại tỉnh Bình Phước, C49B phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Thu Hà (Quốc lộ 14, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) do ông Đinh Bá Chò làm đại diện pháp luật.
Doanh nghiệp này bị nghi là tiêu thụ gỗ khai thác trái phép từ Hà “đen”. Lực lượng chức năng đã kiểm tra 2 xưởng chứa gỗ của doanh nghiệp Thu Hà, phát hiện 238,791 m³ gỗ tròn, xẻ từ nhóm II đến nhóm VIII.
Hiện nay, Công an tỉnh Lâm Đồng vẫn tiếp tục điều tra, làm rõ về khối lượng lâm sản bị thiệt hại, các đối tượng liên quan và nơi tiêu thụ trái phép số gỗ lậu nêu trên.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã lên phương án kiểm tra những xưởng gỗ ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước và Đồng Nai - những nơi nghi vấn tiêu thụ gỗ trái phép.
Dọa giết cả kiểm lâm
Giải thích về việc vì sao để xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn trong thời gian dài, đại diện Đội Kiểm lâm cơ động số 2 tỉnh Lâm Đồng cho rằng nhiều lần lực lượng kiểm lâm và chủ rừng phát hiện việc khai thác, vận chuyển gỗ lậu nhưng khi đến nơi thì lâm tặc “bỏ của chạy lấy người” nên đành xử lý “vắng chủ”. Vị này còn bày tỏ lo ngại trước tình hình lâm tặc manh động: “Không ít lần Hà “đen” dọa giết kiểm lâm tuần tra rừng và đòi giết chết cả đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động số 2. Dưới trướng của Hà “đen” có hơn 20 đàn em trực tiếp tham gia khai thác rừng trái phép, phần lớn quê ở Nghệ An và Hà Tĩnh”.
Trong khi đó, ông K’ Tư, Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc, thừa nhận: “Chúng tôi cũng quyết tâm giữ rừng lắm nhưng lực bất tòng tâm…”.
Bình luận (0)