Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đón du khách Trung Quốc (TQ). Theo Tổng cục Du lịch, bên cạnh sự tăng trưởng về số lượng du khách TQ, gần đây đã có những biểu hiện tiêu cực, ảnh hưởng đến hình ảnh của Nha Trang nói riêng và Việt Nam nói chung.
Phạt nặng
Bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết không đợi Tổng cục Du lịch yêu cầu, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành chức năng kiểm tra các hoạt động liên quan đến du khách nói chung và du khách TQ nói riêng.
Từ tháng 4-2016, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện tình trạng khai báo tạm trú dựa vào danh sách của đơn vị lữ hành mà chưa chuyển hộ chiếu gốc về cho cơ sở lưu trú theo dõi; nhiều trường hợp kinh doanh lữ hành trái phép. Cụ thể: Phát hiện Công ty TNHH Fit Good International Travel kinh doanh lữ hành quốc tế không phép và xử phạt 45 triệu đồng. Đối với trường hợp ông Li Ming (SN 1959, người TQ) hành nghề khi chưa có giấy phép, tỉnh đã phạt 20 triệu đồng, hủy thị thực và rút ngắn thời gian tạm trú tại Việt Nam.
Đặc biệt, cơ sở Kỳ Nam Hưng thuộc Công ty TNHH Đàm Long (địa chỉ 83 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Nha Trang) chỉ phục vụ khách TQ và giao dịch nhân dân tệ trái phép đã bị phạt 20 triệu đồng; rút ngắn thời gian tạm trú 7 trường hợp người nước ngoài hoạt động tại đây.
Sở Du lịch Khánh Hòa cũng xử phạt hành chính 49,5 triệu đồng đối với 5 DN lữ hành sử dụng hướng dẫn viên (HDV) không có thẻ hành nghề, kinh doanh đại lý lữ hành không có hợp đồng hợp lệ. Cơ quan chức năng còn xử phạt hành chính, hủy thị thực, yêu cầu xuất cảnh 4 trường hợp người nước ngoài vi phạm về an ninh trật tự...
Cần nhiều ngành chung tay
Bà Phan Thanh Trúc cho rằng ngành du lịch Khánh Hòa đang hướng đến du lịch bền vững; mọi du khách đều được đón tiếp, tôn trọng, đối xử như nhau.
Theo bà Trúc, chúng ta cần học tập cách làm du lịch của Thái Lan, Singapore… - nơi mà lượng khách TQ rất cao. Để tránh những vấn đề tiêu cực, không thể đặt trách nhiệm cho riêng ngành du lịch. Với các hoạt động như bán hàng giả, lao động chui, gây mất an ninh trật tự, kinh doanh “núp bóng”…, ngành du lịch rất cần sự chung tay của nhiều ngành khác như công an, quản lý thị trường, hiệp hội du lịch, đặc biệt là sự hợp tác của người dân và chính các DN du lịch Việt Nam.
“Nhiều DN phàn nàn phục vụ khách TQ rất mệt mỏi bởi họ yêu cầu nhiều nhưng luôn đòi giảm giá. Để bảo đảm công suất phòng, DN phải chiều ý du khách TQ. Chúng ta có quyền lựa chọn để phục vụ khách phù hợp theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Không nên cạnh tranh bằng giá mà phải bằng chất lượng dịch vụ” - bà Trúc nhìn nhận.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho rằng một số quy định về HDV được áp dụng lâu nay không còn phù hợp. Chúng ta đang thiếu nghiêm trọng HDV du lịch quốc tế, nhất là những HDV biết nhiều ngoại ngữ. Trong khi đó, rất nhiều người giỏi tiếng Trung, tiếng Nga, đồng thời am hiểu lịch sử, văn hóa, kỹ năng HDV... nhưng vì không có bằng cấp phù hợp (phải có bằng đại học) nên họ không được cấp thẻ HDV du lịch quốc tế.
“Tình trạng vừa thừa vừa thiếu này đang khiến DN, người lao động luôn ở tư thế bị động trong hoạt động du lịch. Chúng ta cần phải linh động và điều chỉnh chính sách, luật pháp phù hợp hơn” - ông Thành góp ý.
Nhiều tiêu cực nảy sinh
Theo số liệu của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, 5 tháng đầu năm 2016, khoảng 175.000 du khách TQ đã đến Khánh Hòa, tăng 4,8 lần so với cùng thời gian năm ngoái và chiếm gần 40% lượt khách quốc tế đến tỉnh này.
Thị trường phục vụ du khách TQ phát triển vượt trội với 27 doanh nghiệp (DN) lữ hành, cao gần gấp 4 lần so với lượng DN phục vụ du khách Nga (đứng thứ hai trong về lượng khách đến Nha Trang). Trong số này, tỉnh Khánh Hòa có 9 DN có giấy phép lữ hành quốc tế phục vụ khách TQ, 2 DN làm đại lý lữ hành quốc tế. Số DN ở ngoại tỉnh là 16, trong đó có 13 DN đặt văn phòng tại Nha Trang. Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa nhận định sự tăng trưởng của thị trường khách TQ là dấu hiệu đáng mừng nhưng đã tạo sức ép đáng kể đối với công tác quản lý nhà nước.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu di tích Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng, chùa Long Sơn hay nhà thờ Núi..., mỗi ngày có hàng chục đoàn khách TQ đến tham quan. Trong các đoàn này, HDV người Việt rất ít mà thường có một người TQ ăn mặc như khách du lịch tự hướng dẫn đoàn tham quan.
Sở Du lịch thừa nhận hiện Khánh Hòa chỉ có 11 HDV quốc tế biết tiếng TQ. Do đó, rất nhiều DN sử dụng HDV của các tỉnh khác hoặc cộng tác viên biết tiếng TQ, thậm chí cả người nước ngoài. Các DN thường xuyên thay đổi trụ sở, người quản lý; ít tuân thủ việc báo cáo thống kê cho cơ quan quản lý. Một số DN chưa có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn bán tour cho người nước ngoài.
Tình trạng phát triển “nóng” du khách TQ đã làm nảy sinh nhiều tiêu cực: Nhiều khách sạn, nhà hàng, khu du lịch than phiền về thái độ ứng xử thiếu văn minh của du khách TQ; “tour tù”, việc ăn uống, mua sắm của khách TQ đều do các DN lữ hành quyết định; giao dịch bằng nhân dân tệ trái phép, trốn thuế, bán hàng kém chất lượng...
Chấn chỉnh hoạt động du lịch tại Nha Trang
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trong một cuộc họp gần đây đã chỉ đạo các sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Du lịch, Công an... tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về sử dụng lao động người nước ngoài không phép, tình trạng bán tour chui... Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, mua bán hàng hóa, dịch vụ du lịch bằng ngoại tệ trái quy định. Cục Thuế, Chi cục QLTT tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt mạnh các DN trốn thuế, tự ý nâng giá, “chặt chém” khách của các nhà hàng, khách sạn.
Ông Hải cũng yêu cầu Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa tổ chức lại hoạt động của các hội viên để tạo sự gắn kết, tránh tình trạng cạnh tranh bằng cách giảm giá làm giảm chất lượng dịch vụ và sản phẩm, ảnh hưởng không tốt đến uy tín và thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.
Bình luận (0)