Mới đây, HĐND TP Cam Ranh đã đề nghị chính quyền không cấp phép khai thác khoáng sản thêm cho các doanh nghiệp tại 2 thôn Tân Hiệp và Giải Phóng, xã Cam Phước Đông vì mỏ đá này nằm gần khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Mất ruộng vì một cơn mưa
Theo UBND xã Cam Phước Đông, nhiều năm nay có 2 mỏ đá hoạt động liên tục là Hố Hành (UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác ngày 27-8-2013) rộng 25 ha, công suất 200.000 m3/năm và Hóa An (cấp giấy phép khai thác ngày 6-4-2011) rộng 25,6 ha, công suất 490.000 m3/năm. Hai mỏ đá này đều có thời hạn 30 năm, nằm ở thôn Giải Phóng. Tuy nhiên, do các mỏ đá nằm cạnh khu dân cư nên quá trình khai thác đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Đường lên mỏ đá Hóa An của Công ty THNH Đá Hóa An 1, hai bên là nhà dân đông đúc. Cuộc sống người dân luôn trong tâm trạng bất an vì bụi mù mịt, đường xuống cấp, trong khi xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do xe tải chở đá gây ra. Còn tại mỏ đá, tiếng máy xúc, máy ủi, máy nghiền ầm ĩ cả ngày lẫn đêm. Bà Mấu Thị Sinh (ngụ ấp Bà Hùng, thôn Giải Phóng, nhà ngay sát mỏ đá) cho biết không chỉ ồn ào, bụi bặm mà ngay trước Tết, chỉ sau một cơn mưa, 3 sào lúa chuẩn bị thu hoạch bị mất trắng vì nước mang theo bột đá từ mỏ Hóa An tràn xuống lấp hết. “Nhiều hộ dân khác cũng bị như tôi nhưng chủ mỏ đá chẳng đền bù hay hỗ trợ để người dân bớt khó khăn” - bà Sinh bức xúc.
Còn tại mỏ đá Hố Hành của Công ty TNHH Phước Thành, chỉ vài năm hoạt động mà cây cối quanh vùng đều phủ một lớp bụi trắng xóa, nhiều gia đình đóng cửa cả ngày lẫn đêm. Theo bà Nguyễn Thị Liễu, người dân nơi đây, hãi hùng nhất là những hôm gió to tạo thành trận “bão bụi” từ mỏ đá quét qua khiến cây cối, nhà cửa chìm trong bụi. Vườn xoài cho thu nhập mấy chục triệu đồng/năm bây giờ mất trắng, chủ mỏ chỉ đền 15 triệu đồng/năm.
Phía dưới mỏ đá này là điểm trường Bà Hùng, thuộc Trường Tiểu học Cam Phước Đông 2, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bụi bẩn và tiếng ồn. Vào giờ tan học, phụ huynh - học sinh luôn trong cảnh thấp thỏm vì đường về xe ben chạy liên tục. Ông Trần Trung Chính, Bí thư Chi bộ thôn Tân Hiệp, cho biết không ít lần đã kiến nghị chính quyền xã rà soát các hộ dân có nhà bị nứt do khai thác đá nhưng chưa thấy giải quyết gì. Về bụi, chủ mỏ đá khắc phục bằng cách tưới nước ra đường nhưng việc này không được thực hiện đều đặn nên vẫn ô nhiễm.
Mỏ “chồng” mỏ
Trong khi hậu quả ảnh hưởng từ 2 mỏ đá chưa được giải quyết thì UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục cấp giấy phép thăm dò khoáng sản đất, đá cho 2 đơn vị là Công ty CP Khoáng Việt Nha Trang thăm dò trên diện tích 15 ha thuộc núi Tà Lương và Công ty TNHH Lực Kỹ thăm dò tại khu vực núi Hòn Ông với diện tích trên 20 ha, thuộc thôn Giải Phóng.
UBND tỉnh đã phê duyệt trữ lượng khoáng sản, báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án phục hồi môi trường của 2 dự án này để xúc tiến việc cấp giấy phép khai thác. Trong khi đó, UBND xã Cam Phước Đông đã chủ trì cuộc họp với người dân để tham vấn về tác động môi trường đối với dự án khai thác đá. Kết quả, 17 ý kiến của người dân tham gia cuộc họp đều không đồng ý làm dự án.
Qua phản ánh của người dân, HĐND TP Cam Ranh tiến hành khảo sát và cho biết khoảng cách từ khu vực Công ty CP Khoáng Việt Nha Trang thăm dò, tiến hành xin cấp phép khai thác đá đến vị trí gần nhất của khu dân cư xóm Suối 2 (thôn Giải Phóng) và 2 điểm trường tiểu học - mầm non chỉ 315 m. Khi mỏ đá đi vào hoạt động sẽ sát với dân hơn nữa, đồng thời gây ra tiếng ồn và ô nhiễm môi trường vì sử dụng máy móc, chất nổ… Từ đó, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, học tập và sản xuất của nhân dân, nhất là đối với điểm trường mầm non - tiểu học tại đây. Đối với dự án của Công ty TNHH Lực Kỹ, khoảng cách từ ranh giới khu vực công ty thăm dò khai thác đến khu dân cư hiện hữu và nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Giải Phóng chỉ khoảng 150 m.
HĐND TP Cam Ranh đã đề nghị UBND TP Cam Ranh, HĐND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét không cấp phép khai thác khoáng sản đối với 2 mỏ đá trên.
Trong báo cáo gửi HĐND TP Cam Ranh, ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch HĐND xã Cam Phước Đông, cho biết mật độ giao thông vào 2 mỏ đá này ngày càng gia tăng, tình trạng không khí thường xuyên bị bụi, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong khu vực. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa khi tham mưu phải thông báo đến cấp xã nhằm phối hợp nắm tình hình hoạt động, xác định phạm vi, giới hạn để quản lý; đồng thời xem xét ý kiến của người dân, địa phương trước khi cấp thêm 2 mỏ đá mới.
Dân biết sống ở đâu?
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND TP Cam Ranh, thôn Giải Phóng chỉ có chừng đó đồi núi, đã cấp phép khai thác 2 mỏ đá rồi, giờ nếu khai thác thêm 2 mỏ đá nữa thì dân sống ở đâu?
“Hệ lụy về môi trường là rất lớn, chúng tôi sẽ báo cáo với UBND tỉnh” - ông Dũng nói.
Bình luận (0)