xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỗi bộ mấy thứ trưởng là vừa?

Thế Dũng

Lần đầu tiên số lượng thứ trưởng ở các bộ và phó thủ trưởng của những cơ quan ngang bộ được đề nghị luật hóa nhằm chặn tình trạng “vượt rào”

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về nội dung sửa đổi đáng chú ý so với luật hiện hành là “số lượng thứ trưởng ở Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tối đa là 6; số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ ở mỗi bộ, cơ quan ngang bộ khác tối đa là 4”.

Nhiều thứ trưởng quá!

Theo Nghị định 36/2012/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 18-4-2012  “Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ” thì “số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ không quá 4 người. Đối với bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, số lượng thứ trưởng có thể nhiều hơn 4 người do Thủ tướng Chính phủ quy định”.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện là 1 trong 8 bộ có đến 6 thứ trưởng. Trong ảnh: Một buổi giao lưu trực tuyến do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức 
Ảnh: BẢO TRÂN
Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện là 1 trong 8 bộ có đến 6 thứ trưởng. Trong ảnh: Một buổi giao lưu trực tuyến do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Ảnh: BẢO TRÂN

 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, trong tổng số 22 bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ có 4 nơi không vượt quá con số 4 thứ trưởng.

Về thực tế này, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - UBTVQH, cho biết có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính được các bộ, ngành viện dẫn để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ “nới khung” là do hầu hết các bộ là đa ngành, đa lĩnh vực dẫn đến phải có thêm thứ trưởng để phụ trách một số lĩnh vực, cấp tổng cục, vụ, cục. “Có điều do nhiều thứ trưởng quá nên có bộ 1 thứ trưởng chỉ phụ trách 1 lĩnh vực” - ông Thảo nói.

Cũng theo ông Thảo, trước năm 2005, thông thường mỗi bộ chỉ có bộ trưởng và bộ nào do đặc thù cần tăng cấp thứ trưởng thì phải đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đến năm 2006 trở đi, hầu hết các bộ đã lên đến 4 thứ trưởng. Đến năm 2007, khi sáp nhập một số bộ đã dẫn đến chuyện có bộ có tới… 9 thứ trưởng, như Bộ Thủy sản nhập về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT); các bộ có số lượng thứ trưởng ít hơn một chút là Y tế, Công Thương.  Một lý do khác là từ năm 2010 trở lại đây, có bộ đã có 5-6 thứ trưởng nhưng vẫn đề xuất bổ sung 1 thứ trưởng là nữ theo chính sách tạo nguồn cán bộ và vẫn được đồng ý.

Về chuyện số lượng thứ trưởng “vượt khung”, đại biểu QH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) băn khoăn: “Không rõ mỗi bộ ở có bao nhiêu thứ trưởng là vừa? Để tránh “lạm phát” thứ trưởng, cần phải luật hóa vì khi muốn giảm bớt thì bộ nào cũng ngại”.

Nên “chốt cứng” số lượng

Để “cứng hóa” số thứ trưởng, dự Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã được xây dựng theo hướng quy định cụ thể số lượng thứ trưởng mỗi bộ, cơ quan ngang bộ. Ủy ban Pháp luật của QH cho biết báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu QH thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đối với điều 34, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ số lượng tối đa, số lượng tối thiểu về thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc quy định cụ thể số lượng thứ trưởng, cục trưởng của các bộ và quy định rõ mỗi bộ phải có thứ trưởng là nữ.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không quá 6 thứ trưởng và các bộ khác không quá từ 2 đến 5 thứ trưởng. Ý kiến khác đề nghị không quy định số lượng cụ thể các thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Tại báo cáo xin ý kiến một số vấn đề lớn về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật trình UBTVQH đề nghị về số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định số lượng tối đa theo nguyên tắc đối với các bộ đặc thù như Quốc phòng, Công an là 6; các bộ, cơ quan ngang bộ khác là 4. Đối với số lượng cấp phó của đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định tối đa là 3.

Trên cơ sở này, theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, dự Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã quy định tại điều 37: Thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo hướng: 1. Thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ là cấp phó của bộ trưởng; thủ trưởng cơ quan ngang bộ được phân công phụ trách, chỉ đạo một hoặc một số lĩnh vực và chịu trách nhiệm trước bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. 2.. Số lượng thứ trưởng ở Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tối đa là 6; số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ ở mỗi bộ, cơ quan ngang bộ khác tối đa là 4.

Đề xuất này đã được nhiều thành viên UBTVQH ủng hộ, trong đó có Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển, cho rằng quy định “cứng” trong luật sẽ ngăn được thực trạng “vượt trần” như trong năm qua, gây dư luận không tốt và làm phình bộ máy tổ chức.

Tăng quyền tổng cục và cục để giảm thứ trưởng

Tại phiên thảo luận mới đây về dự Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), sau khi nêu ví dụ một số nước như Mỹ, Nhật Bản… quy định rõ nhiều việc không phải cấp bộ mới có quyền giải quyết mà đại diện của bộ không cần bộ trưởng phải trực tiếp giải quyết mà tổng cục có thể làm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, ông Ksor Phước, đề xuất giao thêm thẩm quyền cho tổng cục trưởng, vụ trưởng để giải quyết các công việc thay vì tăng thêm thứ trưởng.

Đồng quan điểm, TS Đinh Xuân Thảo cho rằng nếu phân thêm quyền cho các tổng cục thì sẽ đỡ gánh nặng cho bộ trưởng và vì thế cũng không cần thiết phải có nhiều thứ trưởng. “Có điều có không ít bộ trưởng lại không muốn trao quá nhiều quyền cho các tổng cục. Mặc dù trao quyền thì việc của bộ trưởng rất nhẹ nhưng vô hình trung lại biến tổng cục thành các bộ con nên chẳng ai muốn” - ông Thảo nhìn nhận.  Chính vì “ôm” quá nhiều việc, các bộ trưởng phải “tuyển” thêm thứ trưởng để phụ trách từng mảng!

Ông Đinh Xuân Thảo dẫn kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển về sự gọn nhẹ khi phần lớn các bộ tối đa chỉ có 2 thứ trưởng, thậm chí một số bộ còn không có cấp thứ trưởng mà chỉ có các trợ lý giúp việc bộ trưởng, ví dụ như Bộ Nghề cá của Na Uy. Trợ lý bộ trưởng nhiều nước chỉ làm tổng hợp, tham mưu giúp việc; còn điều hành, chỉ đạo cụ thể vẫn là các tổng cục. “Chứ như ở ta thì bộ trưởng tham gia cả việc xét duyệt cấp kinh phí cho từng dự án. Bộ trưởng các nước là chính khách, vì thế có thể thay đổi liên tục theo từng nhiệm kỳ. Còn cấp tổng cục, vụ, cục thì rất ổn định, gần như không có thay đổi sau mỗi nhiệm kỳ và họ là công chức nhà nước thuần túy”.

Về quan điểm này, góp ý cho dự luật, đại biểu QH Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị trong Luật Tổ chức Chính phủ cần quy định rõ mỗi bộ chỉ nên giới hạn từ 4-5 thứ trưởng và phân quyền cho cấp tổng cục.

 

Ít tướng thì mới bớt quân!

Phát biểu tại phiên họp của UBTVQH mới đây, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát lại dự án luật và dứt khoát phải quy định hết sức cụ thể. Ông nói: “Cứ nói tinh giản biên chế là tinh giản ngay ở chỗ này, không có nhiều tướng thì sẽ ít quân đi thôi. Cứ đẻ ra một tướng là thêm quân thôi”.

TS Đinh Xuân Thảo đồng tình với Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, cho rằng dự luật quy định mỗi bộ nên có không quá 4 thứ trưởng, cấp tổng cục không quá 3 cấp phó và quy định hướng dẫn thi hành luật có thể quy định cấp vụ không quá 2 phó, cấp phòng không quá 1 phó.

 

Cả nước có 118 cấp thứ trưởng

Hiện cả nước có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ với 18 bộ trưởng, 4 chức vụ ngang bộ trưởng và 118 thứ trưởng, chức vụ ngang thứ trưởng. Trong đó, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao có số thứ trưởng nhiều nhất là 7; hầu hết các bộ khác có 5-6 thứ trưởng, có 4 bộ có 4 thứ trưởng.

Có 8 bộ, cơ quan ngang bộ có 6 thứ trưởng, gồm: Văn phòng Chính phủ, Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Công Thương, Tài chính.

Có 8 bộ, cơ quan ngang bộ có 5 thứ trưởng: NN-PTNT, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Dân tộc, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Y tế, Thông tin và Truyền thông.

Có 4 bộ có 4 thứ trưởng: Nội vụ, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo