Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã trình Chính phủ cho phép chủ đầu tư (Công ty TNHH Xuân Thiện ở Ninh Bình) tiếp tục nghiên cứu đầu tư dự án trị giá tới 24.500 tỉ đồng chạy dọc gần 290 km suốt chiều dài con sông Hồng uốn lượn qua đồng bằng sông Hồng. Theo nhà đầu tư, dự án này sẽ tạo ra “tuyến vận tải thủy xuyên Á” thông suốt quanh năm từ tỉnh biên giới Lào Cai tới thành phố cảng Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400-600 tấn cùng hệ thống 7 cảng. Dự án cũng sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu… kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp 912 triệu KWh điện/năm.
Chưa kể các yếu tố liên quan tới an ninh - quốc phòng, dự án với quy mô lớn được cho sẽ gây ra những tác động mạnh tới sông Hồng, dòng sông chính cùng hệ thống sông tạo nên “vựa lúa” đồng bằng sông Hồng, nơi đang có hàng chục triệu người đang sống dựa vào. Tác động tới dòng sông Hồng sẽ không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp mà cả đời sống, văn hóa… của hàng chục triệu người. Đáng lo ngại nhất là vấn đề nóng bỏng đang được quan tâm hiện nay là tác động tới môi trường.
“Siêu” dự án có thể gây ra những tác động, ảnh hưởng rất lớn, song phản hồi của các bộ ngành khi được hỏi ý kiến lại khá ngắn gọn, có khi chỉ trong 1 trang giấy khổ A4 để rồi cùng “thống nhất với đề xuất về dự án”. Vấn đề môi trường được quan tâm hàng đầu, song khá ngạc nhiên khi cơ quan đưa ra cảnh báo về tác động của dự án đối với môi trường sinh thái lại là Bộ Tài chính.
Song trái với cái “gật đầu” của các bộ ngành, địa phương thì các chuyên gia, nhà khoa học lại rất lo ngại, thận trọng trước “siêu” dự án giao thông thủy và thủy điện trên sông Hồng. Đặc biệt trong bối cảnh môi trường hiện đang là vấn đề nóng bỏng với nước ta khi cá biển chết bất thường hàng loạt ở miền Trung chưa tìm ra nguyên nhân, “vựa lúa” lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long bị đe dọa bởi hạn hán và xâm nhập mặn… rất cần phải thận trọng khi xem xét về dự án tác động lớn tới dòng sông là “mạch sống” của đồng bằng sông Hồng.
Tất nhiên, “siêu” dự án hiện mới ở bước đề xuất ban đầu, song không phải vì thế mà không lo lắng trước những tác động nhiều mặt của nó, nhất là nhìn vào “sự đồng thuận khá cao” của các bộ ngành, địa phương. Việc không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế cần phải được hiện thực hóa trong các hành động và quyết định chứ không chỉ là câu cửa miệng.
Bình luận (0)