Cũng không phải chỉ là nỗi nhớ của những ai đã từng sinh ra, lớn lên ở Hà Nội. Mà “những gì đã mất đi” ấy sao vẫn không chịu dứt trong lòng cả những người đã một lần bỏ Hà Nội để ra đi. Nỗi nhớ ấy làm tan nát lòng cả những người chưa từng đến Hà Nội bao giờ. Nỗi nhớ Hà Nội có điều gì đó lạ lùng, bí ẩn.
Nguyễn Du từng có một thời niên thiếu, một thời thanh niên sôi nổi ở Thăng Long – Hà Nội. Nhà thơ vĩ đại thuộc một dòng tộc khoa bảng gắn chặt với triều Lê cùng bao ân sủng, mưa móc. Vương triều sụp đổ, ông lặn lội nhiều năm tìm cách chống lại triều Tây Sơn. Chịu thất bại trước quy luật lịch sử, ông ẩn nhẫn đóng một vai quan vừa phải, ngậm đắng nuốt cay nỗi hối hận miễn cưỡng thờ tân triều. Sử chép ông luôn buồn, ít nói, ít cười, không bao giờ có một tiếng với vua đến nỗi có lần vua đã phải quát ông về thái độ “im lặng khả nghi” mang màu sắc bất mãn ấy. Phải chăng chức “cai bạ” ở Quảng Bình hay Cần chánh điện học sĩ ở Huế không phải dành cho một nhà thơ? Hay là ông vẫn đau đáu điều gì đó trong lòng khó nói chỉ có thể trút vào thơ? Không chờ đến ba trăm năm, hậu thế bỗng hiểu vì sao.
Ông có một cơ hội – duy nhất và cuối cùng – được cử đi sứ sang Tàu, được ghé Thăng Long. Nỗi nhớ Thăng Long vỡ òa trong câu thơ cảm thán: “Bạc đầu rồi mà (không ngờ) vẫn còn được thấy Thăng Long!” (Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long). Ông đến Hà Nội, tìm dinh thự xưa thì nay đã thành đường cái, đến cung xưa thì chỉ thấy một dãy thành mới xây, tìm người đẹp xưa (có thể là mối tình đầu) thì chỉ gặp bà lão bế cháu nhỏ, bạn bè quậy phá thời trẻ nay tất tật thành ông! Thời gian tàn phá Thăng Long không bằng tàn phá cõi lòng nhà thơ. Ông mất ngủ, đau đớn trắng đêm giữa nơi ông tưởng rất vui mừng được gặp lại. Ông nhớ cái Thăng Long đã mất đi của chính ông.
Hồ Gươm - Ảnh: NGUYỄN Á
Bà Huyện Thanh Quan tài hoa tiếc nuối một kinh đô tàn tạ trong bóng tịch dương. Nguyễn Du tan nát vì mất cả một cuộc đời. Ông không “hoài cổ” một Thăng Long cũ chìm lấp qua đổi thay, đang khởi sắc trong nhịp sống tân triều mà tiếc nuối chính cuộc đời mình, một mảnh hồn của kinh đô cũ. Chỉ đến khi trở lại Thăng Long ông mới thật sự hiểu rằng cuộc sống quan viên bất đắc dĩ ở Huế chỉ là cái trớn kéo lê những ngày tàn. Cuộc đời thật của ông, giấc mộng lộng lẫy của ông đã chết! Nỗi nhớ Thăng Long của ông hóa thành nỗi đau, như báo hiệu cái chết thật của ông chỉ vài năm sau đó.
Hà Nội luôn là một ám ảnh. Khác với Nguyễn Du, có một người không hề sinh ra cũng chưa từng một lần đến Hà Nội. Ông là một nhà cầm quân, dù chỉ là một đơn vị du kích, chiến đấu giành độc lập, tự do cho đất nước đang bị xâm lược. Nhưng ông cũng là một nhà thơ. Ai đi về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Nhà thơ lính biên tái gửi về một nơi mình chưa từng đến những câu thơ tuyệt tác, có thể làm run rẩy đến chân tơ kẽ tóc linh hồn mọi người Việt. Thì ra, Nam hay Bắc cũng đều từ nơi ấy, từ một địa danh nhắc người ta nhớ tới quá nhiều thứ, không là kỷ niệm riêng tư mà là cả một quá khứ hơn một lần Nam tiến, nếu không nhìn về, không nhớ về, mỗi người Việt đều thấy mất phương hướng như con thuyền trên biển lạc lối vào bờ. Một “trời Nam thương nhớ” Hà Nội không còn là tiếng nói riêng của hồn thơ Huỳnh Văn Nghệ.
Đó là nỗi nhớ về một kinh đô bao lần giặc giã chiếm đóng, đốt phá. Khó mà để lại cho con cháu một cố cung hay một Versailles trên miếng đất ba lần dưới vó ngựa Nguyên Mông. Nhưng Thăng Long mấy độ tro tàn đã hóa thân với đời sau, chuyển tới đời sau tinh thần hy sinh cao cả quyết tử bất khuất, trong thế chiến lược lấy yếu đánh mạnh, lấy ít đánh nhiều của một dân tộc thường xuyên bị những kẻ thù vào loại mạnh nhất hành tinh cướp bóc và thôn tính. Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo, thái sư Trần Thủ Độ nói. Nếu bệ hạ muốn hàng, xin chém đầu tôi trước đã - Hưng Đạo Vương can vua. Những lời sắt đá đó đều cất lên từ Thăng Long - Hà Nội. Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã... Một đất nước mà đến ngựa đá cũng đổ mồ hôi (không chỉ hai lần đâu) vì sự tồn vong thì kinh đô sá chi một đống tro tàn.
Và hôm nay, nỗi nhớ Hà Nội vẫn khôn nguôi. Không còn bóng ngoại xâm tàn phá, không còn lửa thiêu kinh thành từ quân Nguyên, quân Minh, từ Chế Bồng Nga, từ Francis Garnier hay B52 Mỹ. Sông Hồng còn đó, hồ Gươm, hồ Tây, phố cổ Hà Nội, Văn Miếu và đền chùa còn đó. Mỗi viên đá lát đường, mỗi hàng rào góc phố, mỗi cổ thụ trên đường phố, ngọn gió từ sông Hồng bất chợt thổi tới mỗi sáng mỗi chiều bỗng làm thức dậy trong lòng người một thời Thăng Long - Hà Nội. Đó là một vẻ đẹp bất tử. Một vẻ đẹp nằm trong cái toàn thể và trong tinh thần của thành phố. Nó không vĩ đại như ai nhưng cũng chẳng mong manh bao giờ. Đó là cái âu vàng nghìn thu bền vững trong thơ của thượng hoàng Trần Thánh Tông. Đá thì mòn với thời gian. Nhưng linh hồn của xã tắc thì vĩnh hằng cùng người và cây cỏ. Là thủ đô có ngàn năm tuổi, Hà Nội xứng đáng với mảnh đất chứa đựng những giá trị tinh thần cao quý của nhân dân cả nước.
Người Hà Nội ngày nay nhớ Hà Nội không chỉ lúc đi xa. Nhớ một Hà Nội xinh xắn năm cửa ô, một bài thơ kiến trúc mang dáng dấp Đông Tây hài hòa trong lâu đài, biệt thự và những hàng cây. Nhớ Hà Nội cùng nhà thơ Nga Vladimir Xôlônkhin: “Những cây chuối, cây cọ chắc cũng được đưa vào đề án của cấu trúc. Tôi tin rằng những cây bạch dương Nga cũng không thể hài hòa với kiến trúc phố xá Hà Nội một cách chính xác và tuyệt vời đến thế”. Hay cùng Mikain Ilinsky, một nhà thơ Nga khác: “Các ngôi nhà đều như cùng tỏa ánh sáng và hơi ấm. Các nhà kiến trúc đã cố gắng đưa vào một tư tưởng duy nhất: thái độ niềm nở, lòng hiếu khách. Hoa bên hồ Hoàn Kiếm là một cảnh thần tiên, là dòng chảy của màu sắc, của nụ cười và lòng nhân hậu Hà Nội” (Thúy Toàn dịch).
Cả hai người đến thăm Hà Nội trong chiến tranh, có nghĩa là “bài thơ kiến trúc ấy” vẫn hầu như còn nguyên vẹn, nhưng buồn thay, tuy không mất đi đến mức “lối xưa xe ngựa, nền cũ lâu đài”, thậm chí còn to rộng hơn, hiện đại hơn, vậy mà sao vẫn làm người ta tiếc nhớ. Nhớ và thương vẻ đẹp thuần khiết và truyền thống của Hà Nội đang phải đương đầu với nhiều hiểm họa mới trong cái hình hài ba ngàn cây số vuông xem ra quá khổ, phải vật lộn với di chứng của thứ văn hóa trọc phú, thị dân và tiêu dùng. Nhớ một Hà Nội đã từng gây được sự ngưỡng mộ về một nét duyên sắc không lẫn được đang đổ mồ hôi trong nước ngập, bụi đường cùng tiếng còi xe và cũng đang chập chờn trong ký ức.
Nhưng nhớ nhất một Hà Nội của hồn người Hà Nội, một Hà Nội của cuộc sống bình yên, thanh lịch và luôn đúng ngưỡng, những e ấp tuy hơi khó gần nhưng cần thiết để tránh xô bồ, những vồn vập, cởi mở làm mềm lòng bất cứ ai mà không thô thiển, giả dối. Đó là cuộc sống tinh tế, nên thơ, đương nhiên có chút kiêu sa nhưng lại rất chung chia ngọt bùi với số phận đất nước, những vùng đất không phải là thủ đô. Cái chan hòa ấy của người Hà Nội rất dễ hiểu vì Hà Nội của tất cả chứ không của riêng ai. Đó là nỗi nhớ rất thực trong những bài hát hầu như bao giờ cũng hay, cũng cảm động về Hà Nội. Là nỗi nhớ và niềm tin cuộc sống trong văn Vũ Bằng trước đây và thơ Phan Vũ hôm nay với điệp khúc đáng yêu “ta còn em” như một đức tin chính thống. Ta còn em màu xanh thật đêm. Ta còn em mùi hoàng lan, mùi hoa sữa. Ta còn em, một gốc cây, một cột đèn, con đường vắng, đôi chim khuyên nhỏ, đường Cổ Ngư la đà cành phượng vỹ. Ta còn em tiếng trống tan trường, áo rêu xanh đẹp màu liễu rủ. Ta còn em đám mây in bóng rồng bay cổng đền Quan Thánh, rêu phong gìn giữ nét tài hoa.. Ta còn em, Hà Nội - phố, em ơi!
Những gì không rơi vào quên lãng, luôn được nhớ tới sẽ không bao giờ mất đi. Ta còn em, Hà Nội! Ta còn Người, Hà Nội! Đó không chỉ là niềm tin của nhà thơ mà của chúng ta, những ai còn coi mình là người Việt.
Bình luận (0)