Phóng viên: Cho đến nay, viện quy tụ và khảo sát khả năng của bao nhiêu nhà ngoại cảm, thưa ông?
- Ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người: Ở Việt Nam, khoảng 20 nhà ngoại cảm có khả năng thật sự đã được viện nghiên cứu; còn nhiều trường hợp khác cần phải nghiên cứu thêm. Muốn làm khảo sát, thống kê thì phải có kinh phí rất lớn. Viện chưa đủ điều kiện để thực hiện.
Viện không có chức năng quản lý, cấp bằng cho họ và không đủ phương tiện để nghiên cứu tất cả. Hiện viện chỉ dùng cách lấy người có khả năng thật giỏi để kiểm tra người khác nhưng cách này có thể không khách quan.
* Dư luận đang lên án một số nhà ngoại cảm thu nhiều tiền để tìm hài cốt liệt sĩ. Ông nghĩ gì về điều này?
- Ngay cả những nhà ngoại cảm thật sự mà dùng khả năng của mình để lấy quá nhiều tiền cũng là điều phải phê phán. Còn mượn danh ngoại cảm làm điều bất chính; giả hiện trường, giả mẫu để thu lợi thì cần phải xử lý trước pháp luật về hành vi lừa đảo.
* Đã có cơ quan nào đưa ra những nguyên tắc về tài chính cho hoạt động ngoại cảm chưa?
- Trước đây, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cũng đề xuất để viện ra quy chế về việc này song vẫn chưa thể làm được, bởi hoạt động của các nhà ngoại cảm không trực thuộc và không chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức nào.
* Dư luận đang rất hoang mang về thông tin nhiều nhà ngoại cảm gian lận trong việc tìm hài cốt liệt sĩ. Ông nghĩ sao?
-Từ trước đến nay, người ta đã nói nhiều đến những người có khả năng đặc biệt trong việc đi tìm mộ. Khả năng đó có thể đúng ở mức độ giới hạn, chưa có người nào đúng 100%. Mục đích nghiên cứu là xem có khả năng đó không, khả năng đó đúng và không đúng trong trường hợp nào, khả năng đó tồn tại được bao lâu ở một nhà ngoại cảm.
Gia đình liệt sĩ Phùng Chí Kiên phản hồi Ông Nguyễn Phúc Giác Hải cho biết gia đình liệt sĩ Phùng Chí Kiên đã có thư phản hồi về thông tin trên VTV. Theo ông, gia đình đã cùng ký niêm phong mẫu hài cốt liệt sĩ Phùng Chí Kiên. Song, lúc đưa đi xét nghiệm lại không có mặt của gia đình.
“Để khách quan, cần làm minh bạch và công khai, sao cho nhiều đơn vị khác nhau cùng phân tích. Nếu tráo mẫu của liệt sĩ Phùng Chí Kiên thì ai sẽ chịu trách nhiệm?... Đây là vấn đề khó hiểu khi anh đã không làm theo đúng quy trình. Hơn nữa, mẫu có cả 1 mẩu hàm răng chứ không phải chỉ có cái răng” - ông Hải lý giải. |
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Không chi ngân sách cho ngoại cảm Người dân có bệnh thì vái tứ phương, sốt ruột đi tìm mộ người thân liệt sĩ là nhu cầu chính đáng và bức thiết. Việc một số nhà ngoại cảm lợi dụng làm bậy, lừa đảo có thể do sự buông lỏng công tác quản lý. Do vậy, cần làm rõ trách nhiệm của địa phương, của từng ngành, từ đó có biện pháp xử lý. Vụ việc giải ngân 75 triệu đồng để tìm một ngôi mộ và chi cho “cậu Thủy” 7,8 tỉ đồng để tìm mộ thì phải làm rõ cơ chế giải ngân theo chương trình nào, từ đó xác định trách nhiệm, xử lý cụ thể. Nhà nước không có chương trình nào dùng tiền ngân sách cũng như của tổ chức tín dụng để chi cho nhà ngoại cảm tìm hài cốt liệt sĩ. Ông Lê Trọng Sang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM: Lạm dụng ngoại cảm để tìm mộ Trong 5 năm trở lại đây xuất hiện nhiều nhà ngoại cảm. Tại TP HCM, hiện trong 27.000 ngôi mộ liệt sĩ trên địa bàn thì số thiếu thông tin danh tánh lên tới gần 6.000, chiếm khoảng 20%. Nhiều gia đình thân nhân tự tìm nhà ngoại cảm, mong muốn đưa hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang nên đem đi xét nghiệm ADN. Kết quả, gần như những trường hợp tìm bằng ngoại cảm, đưa về giám định ADN đều không chính xác. Theo tôi, đang có chuyển biến xấu, lạm dụng hoạt động ngoại cảm để tìm mộ. Người dân nên dựa vào các cơ quan, tổ chức chính thức của nhà nước. B.Trân ghi |
Bình luận (0)