“Biển Đông ngày nay đã biến thành một thùng thuốc súng do các hành động liên tiếp của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách đường 9 đoạn với mục đích thống trị hầu như toàn bộ biển Đông bằng lực lượng hải quân đang phát triển nhanh chóng”. Tham gia hội thảo quốc tế “Hoàng Sa, Trường Sa - Sự thật lịch sử” tổ chức cuối tuần qua tại TP Đà Nẵng, ông Subhash Kapila, cố vấn các vấn đề chiến lược của Nhóm Nghiên cứu Đông Nam Á, nhận xét như vậy.
Theo các học giả tham dự hội thảo, từ năm 2009, Trung Quốc trở nên hung hăng hơn và bắt đầu thực hiện yêu sách của mình ở biển Đông bằng cách mở rộng các hoạt động quân sự và theo đuổi chính sách ngoại giao cưỡng chế với các nước có tranh chấp. Theo ông Leszeek Buszynski - Trường An ninh quốc gia, ĐH Quốc gia Úc - Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý vững chắc, phù hợp với luật pháp quốc tế khi đưa ra những đòi hỏi về chủ quyền tại biển Đông. “Yêu sách của Trung Quốc rất mơ hồ, dựa trên 2 cơ sở không chắc chắn. Đó là đường 9 đoạn ban hành năm 1947 nhưng không được xác định bằng những thuật ngữ pháp lý và không chứng minh được tính lịch sử về “chủ quyền không tranh cãi” trên biển Đông. Thiếu những cơ sở pháp lý rõ ràng nên Trung Quốc phải sử dụng các chiến thuật quấy nhiễu để tăng cường đòi hỏi của mình” - ông nhận định.
Chiến thuật quấy phá của Trung Quốc nhằm ép các nước liên quan trong ASEAN phải “đầu hàng từng phần” trước yêu sách của họ mà không cần đạt tới mức độ vũ lực có thể làm bùng phát khủng hoảng và lôi kéo Mỹ tham gia. Bằng cách vây hãm bãi cạn Scarborough, Trung Quốc đã đẩy Philippines ra vào tháng 2-2012. Tương tự, chậm nhưng không ngừng nghỉ, Trung Quốc đã đẩy Philippines ra khỏi bãi Second Thomas. Hành động gần đây nhất của Trung Quốc - hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - là một ví dụ điển hình cho cách hành xử này...
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, kế hoạch giành lấy vị thế bá chủ trên biển Đông của Trung Quốc tiến hành từ thấp đến cao, từ 1 lên 2 giai đoạn. Hai giai đoạn chiếm đóng Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa được tiếp nối sau hơn một thập kỷ có thể giải thích là do Trung Quốc cần thời gian xây dựng năng lực hải quân để kiểm soát quần đảo
Trường Sa xa xôi. Cưỡng chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, sau đó nhanh chóng củng cố thành tiền đồn và tạo ra các cơ sở hạ tầng quân sự, từ đó Trung Quốc mới có thể thực hiện sự thống trị của mình trên biển Đông.
Nhiều học giả cho rằng nếu biển Đông dưới quyền bá chủ về chiến lược và quân sự của Trung Quốc sẽ cho phép Bắc Kinh siết chặt sự kiểm soát các đồng minh quân sự của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương. Vì vậy, bá chủ biển Đông là nhu cầu cấp bách của Trung Quốc.
Tàu Trung Quốc dàn hàng ngang vây ép tàu Việt Nam
Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết ngày 22-6, Trung Quốc đã tăng thêm 16-19 tàu so với ngày 21-6, nâng số tàu các loại tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam lên 133-137 chiếc.
Theo ghi nhận của lực lượng kiểm ngư, lúc 6 giờ 40 phút và 8 giờ 13 phút ngày 22-6, 2 máy bay của Trung Quốc bay qua cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 12-13 hải lý, ở độ cao 1.000 - 1.200 m. Các tàu hải cảnh, hải giám, vận tải và tàu kéo của Trung Quốc thường xuyên có hành động ngăn cản, ép hướng, áp sát và sẵn sàng đâm va, phun nước vào các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam. Dù bị ngăn cản nhưng các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển của ta vẫn cơ động vào cách giàn khoan 10-12 hải lý để thực thi pháp luật.
Trong khi đó, trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, các tàu cá của Việt Nam vẫn đánh bắt thủy sản cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 35-40 hải lý. Tuy nhiên, khu vực này thường xuyên có 54 tàu cá của Trung Quốc được sự hỗ trợ của 1 tàu hải cảnh tổ chức dàn hàng ngang dài 14-16 hải lý để ngăn cản tàu cá của Việt Nam hoạt động.
V.Duẩn
Bình luận (0)