Chiều 30-5, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, trình bày dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu (ĐB) về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.
Theo ông Lý, đã có ý kiến đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2015 dự thảo nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 Luật Biểu tình; Luật Về hội; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Chứng thực; Luật Giáo dục; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; Luật Tiền lương tối thiểu; cân nhắc thời gian trình dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)...
Tiếp thu ý kiến của ĐB, ủy ban TVQH đưa dự án nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 vào Chương trình kỳ họp thứ 9 để thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung dự án Luật Biểu tình vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10... Đã có 424 ĐB bấm nút thông qua dự thảo nghị quyết trên, 8 ĐB không tán thành và 4 ĐB không tham gia biểu quyết. Như vậy, QH thống nhất thông qua nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII, năm 2014 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.
Bên hành lang QH, nhiều ĐB bày tỏ sự đồng thuận cao đối với việc QH thống nhất đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 của QH, kể cả người từng phản đối kịch liệt là ông Hoàng Hữu Phước (TP HCM).
Theo ông Lê Nam, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, ngay từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII, Luật Biểu tình đã được đặt ra và chính Thủ tướng đã đề xuất. Một thời gian quá dài chúng ta nợ dân luật này, bây giờ phải trả. ĐB Hoàng Hữu Phước cũng bày tỏ đồng tình, ủng hộ việc QH đưa Luật Biểu tình vào chương trình vì đây là quyền Hiến định, không sớm thì muộn cũng phải tiến hành. “Trước đây, tôi thấy luật này chưa đủ chín muồi, tất cả cũng chỉ trên cơ sở ngôn ngữ thôi. Tôi có tranh luận thì cũng chỉ là tranh luận về mặt ngôn ngữ” - ông Phước nói.
Ý dân có giá trị quyết định
Cùng ngày, QH cũng nghe các báo cáo về dự án tiếp thu, chỉnh lý Luật Tổ chức QH (sửa đổi). Trưởng Ban Công tác ĐB - bà Nguyễn Thị Nương - cho biết dự luật tập trung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức công việc, mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức của QH… Đáng chú ý là đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong luật này điều kiện QH có thể trưng cầu ý dân, bổ sung quy định tổ chức trưng cầu ý dân “về việc phê chuẩn, quyết định gia nhập, chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế quan trọng”. Ban soạn thảo tiếp thu một phần ý kiến này và sẽ quy định rõ ràng trong Luật Trưng cầu ý dân được xem xét, ban hành trong thời gian tới; tiếp thu đề nghị làm rõ vai trò quyết định cuối cùng thuộc về ai (ý dân hay QH) trong trường hợp ý kiến 2 bên khác nhau, dự luật đã được chỉnh lý: “Đối với vấn đề tổ chức trưng cầu ý dân thì kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định”…
Luật Tổ chức QH (sửa đổi) sẽ được QH cho ý kiến tại phiên họp tổ vào sáng 3-6.
T.Dũng
Bình luận (0)