Lý do: Hiện nay, quân đội được trang bị nhiều vũ khí hiện đại, cần có thời gian huấn luyện để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Có ý kiến cho rằng trong thời bình, 18 tháng phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ là khá dài, ảnh hưởng đến việc học tập, học nghề của công dân. Theo đó, chỉ với 12 tháng là đủ thời gian huấn luyện một binh sĩ thành thục chiến thuật chiến đấu và làm chủ được khí tài dành cho bộ binh để sau đó trở thành quân dự bị hạng 1.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có luật về nghĩa vụ quân sự. Tùy theo yêu cầu an ninh quốc phòng của mỗi quốc gia, luật này cũng có những quy định khác nhau. Nam công dân của Hàn Quốc phải đi nghĩa vụ quân sự 21 tháng. Ở Brazil, thời gian này là 9-12 tháng, Nga 12 tháng, Thụy Sĩ 3 tuần. Riêng Israel yêu cầu cả công dân nam lẫn nữ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong 36 tháng. Năm 1996, Pháp đã đình chỉ chế độ nghĩa vụ quân sự thời bình, Đức cũng vậy, để thành lập quân đội chuyên nghiệp…
Đối với Việt Nam, dù hiện có những biến động an ninh trong khu vực nhưng vẫn trong thời bình. Do vậy, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự với nam công dân nên là 12 tháng. Thời gian này đủ để huấn luyện một binh sĩ, hạ sĩ quan có đầy đủ kỹ năng chiến đấu với binh chủng hợp thành. Hiện nay, các trường quân sự cấp quân khu, quân đoàn đào tạo hạ sĩ quan cũng chỉ trong khoảng thời gian đó. Ví dụ, việc đào tạo hạ sĩ quan khẩu đội trưởng DKZ thường sau 3 tháng quân trường. Những binh sĩ huấn luyện tốt được chọn đi đào tạo khẩu đội trưởng trong 5 tháng, sau đó họ thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị 4 tháng là có thể xuất ngũ.
Chúng ta từng thành công với chiến lược quốc phòng toàn dân. Chỉ cần thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng của chiến lược này như tổ chức, huấn luyện tốt quân dự bị, dân quân du kích; nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng trong nhà trường… là đủ.
Do vậy, thời gian thực hiện nghĩa vụ 12 tháng là hợp lý, phù hợp với nguyện vọng của người dân. Kéo dài thời gian tại ngũ trong thời bình vừa tốn kém ngân sách quốc gia vừa tạo áp lực xã hội và dễ nảy sinh tiêu cực cũng như bất bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng này.
Bình luận (0)