Luật “đá” nhau
Đề cập khoản 2 điều 36 dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), ĐB Trần Thanh Hải (TP HCM) cho rằng một mặt luật quy định nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan.
“Quy định như thế vô hình trung đẩy nhanh việc chuyển đổi giới tính. Nếu không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì không cho phép luôn. Còn nếu đồng ý thì phải tạo pháp lý để cơ sở y tế trong nước có phương hướng thực hiện vì hiện nay người chuyển giới phải sang Thái Lan. Luật phải làm rõ và thống nhất chỗ này” - ông Hải đề nghị.
Theo ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM), luật quy định người chuyển giới sau khi chuyển giới xong thì được quyền yêu cầu xác định lại giới tính của mình. Tuy nhiên, ĐB Ánh băn khoăn: “Nhưng nếu chúng ta xác định có nghĩa thừa nhận việc họ đã chuyển đổi giới tính. Hai khoản này trong một điều là “đá” nhau”.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông, không nên né tránh việc chuyển giới. Thực tế, việc chuyển giới đang diễn ra và mình phải công nhận đó là một bệnh lý.
“Bộ Luật Dân sự không nên né tránh chuyện chuyển giới. Cũng như chúng ta đã bàn mang thai hộ trước đây, trong luật này cũng phải bàn chuyển giới và điều kiện cho phép. Thực tế đang diễn ra ở thế giới và Việt Nam mà pháp luật không thể làm ngơ hoặc quy định không rõ ràng” - ông Thông nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) kiến nghị chuyển giới nên chia ra 2 loại. Thứ nhất, những người đang bình thường mà lại chuyển sang giới khác thì không cho phép là đúng. Thứ hai, những người có khiếm khuyết về cơ thể, sống trong vỏ bọc của giới khác thì nên tạo điều kiện cho họ chuyển giới. Nêu thực tế nhiều người bên ngoài là nữ nhưng giấy tờ là nam,
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lưu ý cần có quy định để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Tuy nhiên, theo ông Vinh, luật cũng nên xem vấn đề chuyển giới này có đúng không hay anh đang có quyền làm nam lại thích chuyển sang nữ. Đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau, do bẩm sinh thì chấp nhận còn nếu đua đòi thì không.
Thưa kiện sai thì làm sao mà xử!
Đối với quy định tòa án không được từ chối giải quyết các yêu cầu dân sự, nhiều ĐB cho rằng quy định như vậy là phù hợp với công ước quốc tế. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông, bảo vệ quyền con người về nguyên tắc cơ quan nhà nước không được từ chối và không được viện dẫn lý do không có luật để từ chối.
“Nếu chưa có luật thì phải làm luật, áp dụng biện pháp khác để không từ chối yêu cầu của công dân” - ông Thông đề nghị. Tuy nhiên, ông lưu ý nếu yêu cầu tòa án không được từ chối giải quyết tất cả yêu cầu, vụ việc dân sự là quá rộng. Về mặt lý thuyết thì rất đúng nhưng chưa hẳn phù hợp thực tế.
Đồng quan điểm đây là một tiến bộ trong dự thảo luật lần này nhưng ĐB Huỳnh Ngọc Ánh, với tư cách là Phó Chánh án TAND TP HCM, cho biết ông rất băn khoăn về tính khả thi. “Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, công dân phải hành xử theo luật thì khi xảy ra chuyện, luật pháp mới bảo vệ được. Còn nếu công dân đã không làm theo luật lại kiện cáo nhưng tòa buộc phải thụ lý mà không giải quyết được thì làm sao?” - ông Ánh lo ngại.
Ông cho rằng giải quyết dân sự không như chính sách dành cho hộ nghèo để có thể du di, ưu đãi mà luật pháp là phải đúng và công bằng. Vì vậy, ông đề nghị ban soạn thảo phải lý giải câu chuyện này. Đừng để thụ lý rồi mà không biết vận dụng vào đâu để phân xử thì rất khó.
Bình luận (0)