xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngăn "bom nước" phát nổ

HOÀNG THANH - ĐỨC NGỌC - VĂN DUẨN

Nhiều công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hư hỏng, xuống cấp, chực chờ gây họa khi mùa mưa bão đã bắt đầu

Sáng 19-7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp kiểm tra công tác xả lũ tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Tăng cường an toàn xả lũ

Vào mùa mưa bão năm nay, mực nước các hồ thủy điện ở phía Bắc, nhất là hồ Hòa Bình và Sơn La, ở mức cao hơn những năm trước, trong khi tình hình mưa lũ 6 tháng đầu năm 2017 diễn biến phức tạp. Theo quy trình vận hành hồ chứa, đến ngày 20-7, mực nước ở hồ Hòa Bình theo yêu cầu chuẩn bị đón lũ, cắt lũ hiện đã hơn khoảng 4,54 m; mực nước tại hồ Sơn La cũng cao hơn giới hạn cho phép trên 4 m.

Ngăn bom nước phát nổ - Ảnh 1.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã mở 2 cửa xả lũ Ảnh: VĂN DUẨN

Do đó, từ chiều 18-7, hồ Hòa Bình đã mở một cửa xả đáy và chiều 19-7 mở tiếp một cửa xả. Hồ sẽ liên tục phát tối đa 8 tổ máy cả ngày và đêm với tổng lưu lượng khoảng 2.400 m3/giây. Lần gần nhất, hồ Hòa Bình mở cửa xả lũ là vào tháng 8-2014.

Cùng ngày, Công ty Thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La) cũng đã mở một cửa xả đáy. Theo lãnh đạo công ty, trong quá trình mở một cửa xả đáy, công ty sẽ liên tục phát tối đa 6/6 tổ máy với tổng lưu lượng khoảng 3.400 m3/giây vào ban ngày và phát qua các tổ máy với tổng lưu lượng tối thiểu khoảng 1.700 m3/giây vào ban đêm.

Trước sự lo ngại hồ Hòa Bình xả lũ có thể khiến mực nước sông Hồng tại Hà Nội dâng lên 7-8 m, ông Hoàng Xuân Hồng, Ban Thư ký Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, cho rằng nếu mực nước sông Hồng lên 7-8 m thì vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Theo quy định, mực nước báo động 1 khi đạt 9,5 m, báo động 2 là 10,5 m và báo động 3 là 11,5 m.

Ông Hoàng Xuân Hồng nhấn mạnh việc xả lũ này là để bảo đảm an toàn hồ chứa trước khi bước vào chính vụ mùa mưa bão, không gây hại nhiều cho Hà Nội bởi hiện nay, lũ chưa lớn.

Năm 1971, cao trình mực nước ở Hà Nội từng đạt hơn 13 m và khi đó chưa có các hồ chứa Tuyên Quang, Sơn La hay Hòa Bình và cũng phải 100 năm mới có một lần. "Ngay cả khi cao trình mực nước là 13,4 m thì TP Hà Nội vẫn an toàn với thiết kế đê là 15,4 m, bởi để mực nước đạt mức 15,4 m thì phải 500 năm mới có một lần" - ông Hồng phân tích.

Kiểm tra hồ đập thiếu an toàn

Tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, các hồ đập chứa nước đa phần đã cũ kỹ, không được gia cố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi mưa, lũ lớn.

Nghệ An là tỉnh có số lượng hồ đập chứa lớn nhất nước với 625 hồ nhưng phần lớn đã qua sử dụng 30-40 năm. Cá biệt, có hồ đã được xây dựng cách đây trên 50 năm. Theo ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An - một số hồ do xây dựng mấy chục năm trước nên đã hư hỏng, xuống cấp. Việc tu bổ, sửa chữa các hồ đập hư hỏng gặp khó khăn do thiếu kinh phí.

Hiện nay, các doanh nghiệp quản lý 92 hồ chứa nhưng trên 30 hồ chưa được nâng cấp, sửa chữa. Những hồ chứa nước nhỏ còn lại do các địa phương quản lý. Một số hồ như: Đồn Húng (huyện Yên Thành), Lo Than (huyện Nghĩa Đàn), đập Bưởi (huyện Nghi Lộc)... mái thượng lưu không được gia cố hoặc gia cố sơ sài; thiếu hệ thống thoát nước và tầng lọc hoặc hư hỏng, không bảo đảm nên mái đập hạ lưu bị sạt lở, rò rỉ nước.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng có đến 350 hồ chứa nước với tổng dung tích trên 800 triệu m3. Trong số đó, 190 hồ chứa đang bị rò rỉ nước thấm qua thân đập, cống lấy nước bị hư hỏng, tràn xả lũ không được gia cố, không bảo đảm thoát lũ. Điển hình là đập Khe Điếc (huyện Hương Sơn), hồ Nội Tranh Hạ (huyện Hương Sơn), hồ Ma Leng (huyện Hương Khê), đập Hành Kiến (huyện Nghi Xuân), đập Đá Đen (huyện Thạch Hà)...

Ông Ngô Đức Hợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, cho biết các hồ đập bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn khi vào mùa mưa lũ chủ yếu do các địa phương quản lý. Các hồ đập này xây dựng từ 20-40 năm trước nên đã xuống cấp. Tỉnh đang triển khai dự án nâng cấp một số hồ bị hư hỏng.

Tình trạng mất an toàn hồ đập cũng đáng báo động tại tỉnh Gia Lai. Qua ghi nhận của phóng viên, hồ Bàu Nai (thôn 5, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) rộng hàng trăm m2, là hồ nước phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hecta chè và cà phê của người dân quanh vùng nhưng hai thân đập được làm bằng đất đỏ. Những ngày qua liên tục xảy ra mưa lớn khiến thân đập có nhiều vết nứt toác dài. Trong đó, có vị trí nứt dài 5 m, bề rộng 10 cm.

Đây không phải là trường hợp cá biệt bị biến dạng, hư hỏng, gây mất an toàn vào mùa mưa lũ. Trước đó, qua kiểm tra 112 hồ chứa, Sở NN-PTNN Gia Lai ghi nhận 12 hồ bị biến dạng phần mái đập, 27 hồ bị hư hỏng hạng mục tràn xả lũ, 3 hồ bị xói lở thân tràn, đuôi tràn… Đối với các hồ chứa dung tích trên 1 triệu m3, hiện mới chỉ có 4 hồ được kiểm định an toàn đập, còn tới 8 hồ chứa đã tới hạn hoặc mới nâng cấp nhưng chưa được kiểm định theo quy định. Riêng các hồ dung tích dưới 1 triệu m3 thì mới chỉ có… 1 hồ kiểm định, còn lại 95 hồ chưa kiểm định.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Gia Lai đã gửi văn bản yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương khắc phục tồn tại sau khi kiểm tra các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ 2017. Ông Kpã Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh sau khi kiểm tra, các đơn vị quản lý hồ thủy lợi nào không chịu chấp hành khắc phục thì sẽ bị xử lý nghiêm. Riêng với các công trình thủy điện sẽ có hướng xử lý sau khi có kết quả kiểm tra.

Bão số 2 làm 17 người chết, 6 người mất tích

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 18-7, thiệt hại do bão số 2 gây ra đã làm 17 người chết; 6 người mất tích.

Tại tỉnh Nghệ An, sáng 19-7, đội thợ lặn đã tìm thấy thi thể thuyền viên Nguyễn Văn Dương (28 tuổi; quê huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) của tàu VTB- 26 gặp nạn vào ngày 17-7. Hiện còn 3 thuyền viên vẫn mất tích. Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và UBND tỉnh kiến nghị xem xét công nhận liệt sĩ cho 2 cán bộ tử vong khi đi kiểm tra, khắc phục hậu quả bão số 2 tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong.

Tại tỉnh An Giang, ông Vương Hữu Tiếng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn xuất hiện mưa lớn và giông lốc làm 77 căn nhà bị sập và tốc mái, tổng thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Còn theo thống kê của tỉnh Cà Mau, mưa lớn cũng khiến 14 căn nhà sập và 54 căn bị tốc mái.

V.Duẩn - Đ.Ngọc - T.Nốt - D.Nhân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo