xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngành điện thiếu sòng phẳng!

Bùi Văn Trường (Trường ĐH Kinh tế TP HCM)

Giá điện phải được tính hợp lý sao cho ngành điện có điều kiện đầu tư, sinh lợi nhưng cũng phải công bằng với khách hàng, đồng thời phục vụ cho sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội

Mục tiêu kinh doanh là lợi nhuận nên khi có lãi lớn, nhà quản trị rất phấn khởi và không có lý do gì nghĩ đến việc tăng giá bán, nhất là trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2012 lãi đến gần 6.000 tỉ đồng sau khi đã bù 18.200 tỉ đồng cho khoản lỗ còn treo từ các năm trước. Vậy, nếu không bù khoản lỗ cũ thì lãi của năm 2012 khoảng 24.200 tỉ đồng. Năm 2013 ước lãi 120 tỉ đồng và cũng bù được khoản lỗ cũ khoảng 4.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, số dự kiến này chắc chắn phải thấp hơn nhiều so với thực tế vì nhà quản trị bao giờ cũng thận trọng khi ước lượng và nhất là trong bối cảnh EVN còn đề nghị tăng giá bán cho năm 2014. Như thế, vấn đề đặt ra là tại sao lãi nhiều mà EVN vẫn đề nghị tăng giá dù giá điện hiện nay không hề rẻ?

Tranh thủ sự độc quyền

Vì bản chất kinh doanh còn độc quyền thì tăng giá bán không khó khăn nên nhà quản trị thường chăm bẳm vào giá bán để có kết quả kinh doanh tốt.

Công nhân EVN cải tạo lưới điện ở quận 5, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Công nhân EVN cải tạo lưới điện ở quận 5, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Hiện nay, quyết định giá bán điện có lẽ quá dễ dàng với EVN và các cơ quan chức năng. Giá điện được đề nghị tăng dần trong nhiều năm, thậm chí có hẳn lộ trình tăng giá theo từng năm mà không cần biết đến chi phí ra sao. Ngoài kết quả kinh doanh, giá bán điện còn chịu ảnh hưởng từ 2 nhân tố khác là lượng sản phẩm tiêu thụ và chi phí sản xuất, bán hàng, quản lý, tài chính. Riêng lĩnh vực kinh doanh điện, nhân tố chi phí tác động chủ yếu đến giá bán vì sản lượng luôn thiếu so với nhu cầu sử dụng và không có tồn kho.

Chi phí kinh doanh mà EVN tiết kiệm được là điều khó thấy. Do EVN chưa công bố chi phí nên chưa thể so sánh nhưng việc kiểm soát tổn thất điện cũng nói lên được năng lực quản trị của EVN. So với năm 2012, năm 2013 có tỉ lệ tổn thất điện năng toàn hệ thống ước là 8,9% - cao hơn kế hoạch 0,1%, trong đó tổn thất trên lưới điện truyền tải 2,72% - cao hơn kế hoạch 0,42%. Chỉ có tổn thất điện năng trên lưới điện phân phối giảm (6,42% so với kế hoạch 6,71%).

Từ đó, có thể cho rằng lãi của EVN được quyết định chính là nhân tố giá bán. Số liệu EVN công bố cũng cho thấy rõ điều đó: Doanh thu năm 2013 tăng 19,85% trong khi sản lượng tăng chỉ 8,47%; giá bán điện năm 2013 tăng 134,5 đồng/KWh, với sản lượng điện tiêu thụ 115,069 tỉ KWh thì EVN đã có lượng doanh thu tăng thêm nhờ tăng giá là 15.476 tỉ đồng và mức lợi nhuận 6.000 tỉ đồng, chiếm 38,76% khoản doanh thu tăng thêm này.

Đặt ra mục tiêu lãi để... quyết định giá!

Quyết định giá bán sản phẩm phải có các thông tin cần thiết gồm chi phí sản xuất, bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi phí vốn và lợi nhuận mong muốn. Phải biết được chi phí vì đây là giới hạn thấp của giá bán nhưng trong môi trường kinh doanh có cạnh tranh, không phải chi phí nào thì giá bán đó; muốn có giá cạnh tranh thì phải có chi phí thấp. Còn mức lợi nhuận mong muốn không phải bao nhiêu cũng được mà tùy thuộc loại sản phẩm có chu kỳ sống ngắn hay dài, tùy điều kiện kinh tế - xã hội. Cho nên, mức lợi nhuận mong muốn có thể cao, thấp hoặc bằng không nhưng EVN đã đặt mục tiêu năm 2014 phải có lãi cũng chỉ do tăng giá bán.

Vì tăng sản lượng 10%, giá bán bình quân tăng 1.533,09 đồng/KWh (tăng ít nhất 34 đồng/KWh) thì với sản lượng ước tính 126,5 tỉ KWh, doanh thu tăng nhờ tăng giá bán sẽ hơn 4.300 tỉ đồng, chiếm hơn 50% khoản lỗ của những năm trước còn phải bù. EVN không hề nói đến mức tiết kiệm chi phí, ngoài định mức giảm tổn thất điện.

Năm 2013, lượng mưa nhiều, các nhà máy thủy điện có thể tích nước cho mùa khô 2014. Chi phí vốn thấp sẽ làm cho giá bán điện năm 2014 giảm nhưng EVN lờ đi điều này. Ngay cả những khoản lỗ của những năm trước để lại đáng lẽ cũng cần phải phân loại ra từng khoản để có thời gian phân bổ hợp lý cho từng thời kỳ.

Những hoạt động ngoài ngành bị lỗ bây giờ lại tính hết vào giá điện thì vô cùng phi lý. Sự yếu kém do kinh doanh không đúng chức năng của EVN dẫn đến lỗ lã mà bắt cả xã hội phải gánh chịu, trong khi họ vẫn có lương - thưởng cao, không hề chịu một trách nhiệm vật chất nào!

Như thế, với giá bán tính vừa có lãi vừa bù đắp khoản lỗ cũ thì sau khi đã bù hết khoản lỗ cũ, chắc chắn lãi của EVN sẽ rất “khủng”. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, giá điện được nâng quá cao để thu lãi sau khi bù những khoản lỗ cũ lớn thật bất hợp lý. Doanh nghiệp thua lỗ, phá sản hàng loạt cũng một phần vì giá điện cao. Đời sống người dân ngày càng eo hẹp cũng bởi vậy vì không thể thiếu điện dù giá bán có đắt cỡ nào. 

Phải thay đổi cách tính giá

Điện là ngành còn độc quyền nên giá bán nào cũng “áp” được. Dù giá bán có cao đến mấy mà quản trị chi phí kém thì mức lợi nhuận mong muốn của ngành cũng chẳng biết mấy cho vừa. Nếu ngành điện cứ vét cho đầy túi, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất nói chung sẽ khó khăn mọi bề, thu ngân sách sẽ giảm sút, mức sống người dân ngày càng teo tóp...

Do đó, khi ngành điện chưa thoát khỏi độc quyền thì trách nhiệm của cơ quan chức năng về quyết định giá bán vô cùng quan trọng. Phải quyết định giá bằng phương pháp tính giá theo lý thuyết quản trị trên cơ sở thông tin chi phí tin cậy hơn là chỉ nghĩ đến giá bán để có mức lãi cần đạt được.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo